Sáng 18/7, Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng dẫn đầu, kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Chương trình 07 về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi làm việc với Sở GTVT Hà Nội
Báo cáo về kết quả phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, giai đoạn 2016-2019, Sở GTVT cho biết, đã triển khai 67 cuộc thanh tra, kiểm tra (theo kế hoạch và đột xuất). Qua thanh tra, kiểm tra, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa được Sở thực hiện nghiêm túc. 6 tháng đầu năm 2019, các đơn vị trong ngành đã xử phạt 10.583 trường hợp với số tiền hơn 24,8 tỷ đồng, tạm giữ 152 phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn 1.018 trường hợp…
Tuy nhiên, Sở GTVT Hà Nội cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Đó là việc một số cấp ủy, thủ trưởng đơn vị chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại đơn vị. Việc kiểm tra, giám sát có lúc, có nơi còn chưa sát sao. Vẫn còn trường hợp công chức, viên chức vi phạm kỷ luật phải điều chuyển công tác…
Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, Sở cần đẩy mạnh tuyên truyền, xác định rõ các lĩnh vực dễ phát sinh “tham nhũng vặt” để có giải pháp căn cơ phòng ngừa, loại bỏ dần cơ hội phát sinh tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình số 07, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trước đó, chiều 17/7, đoàn kiểm tra do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cũng tiến hành kiểm tra tại Công an thành phố Hà Nội.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi làm việc với Công an thành phố Hà Nội
Theo báo cáo, thời gian qua, Công an thành phố đã đa dạng hóa các hình thức, biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lấy phòng ngừa trong nội bộ là chính, đồng thời quan tâm, chú trọng nâng cao hiệu quả, các biện pháp phát hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ, góp phần xây dựng lực lượng Công an Thủ đô trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, cũng còn một số tồn tại, hạn chế như công tác kiểm tra, giám sát chưa được thường xuyên; công tác quản lý đảng viên, cán bộ, chiến sĩ có nơi, có lúc thiếu chặt chẽ; công tác điều tra, khám phá các vụ án về tham nhũng còn gặp một số khó khăn…
Phát biểu tại đây, bà Hằng đề nghị Công an thành phố đẩy mạnh tuyên truyền nhằm giúp cán bộ, chiến sĩ “không thể, không dám, không muốn” tham nhũng, qua đó góp phần tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng của thành phố.
Đồng thời, phát huy những kết quả đã đạt được, tăng cường công tác nắm tình hình, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm và các vụ án tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực: Quản lý, sử dụng đất đai; tài chính - ngân hàng. Bên cạnh đó, đơn vị cần tập trung đấu tranh ở các khu vực kinh tế trọng điểm, dự án trọng điểm, công trình trọng điểm; lãng phí, thất thoát trong đầu tư công, xây dựng cơ bản…