Ông Hùng cho biết, Hà Nội hiện còn 15 điểm úng ngập. Cty đang giải quyết hai điểm ở bến xe phía Nam và phố Nguyễn Chính, sẽ hoàn thành khoảng 15/7. Điểm úng ngập ở phố Phan Văn Trường sẽ xong vào cuối tháng 7 đầu tháng 8. “Sau khi xóa xong 3 điểm này thì Hà Nội chỉ còn 12 điểm úng ngập”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, trong số 12 điểm này, có 8 điểm vướng vào các dự án trên địa bàn thành phố, nếu các dự án triển khai xong thì sẽ hết úng ngập. Khi đó, Hà Nội còn 4 điểm úng ngập cố hữu nằm ở các điểm thấp, trũng, tụ thủy.
Riêng 3 điểm gồm ở ngã 5 Đường Thành – Bát Đàn – Nhà Hỏa; phố Nguyễn Khuyến; Cao Bá Quát, Cty đang đề xuất giải pháp xây dựng hồ điều tiết ngầm để xử lý.
“Khi mưa sẽ đưa nước về những hầm chứa nhân tạo này, sau đó điều tiết bằng hệ thống bơm tự động và lượng nước sau đó dùng để tưới cây hoặc cho cứu hỏa”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, giải pháp này mang tính khả thi cao. Công trình được làm với công nghệ của Nhật, Cty cũng đã vào TP HCM để nghiên cứu mô hình thí điểm. Với giá vật tư, vật liệu hiện nay chưa nội địa hóa được, tổng thể một công trình hết khoảng gần 25 tỷ, trong đó 2/3 là tiền vật liệu, xây lắp và thiết bị bơm chiếm 1/3.
Ông Hùng cũng cho biết, đây là giải pháp hiện đại và văn minh. Hiện, đơn vị của Nhật cũng đã mua cổ phần của Cty nhựa Bình Minh để nội địa hóa vật liệu, sau này thuận tiện cho việc triển khai rộng rãi.
Theo ông Hùng, hiện Cty đang thí điểm nghiên cứu ở Đường Thành, dự kiến xây dựng hầm ngầm dung tích khoảng hơn 2 nghìn mét khối, giải quyết được một số điểm ngập úng trong khu vực này.
“Theo tính toán, chúng tôi đảm bảo mưa 70mm/1h tại khu vực này không có điểm úng ngập”, ông Hùng khẳng định.