Hà Nội dự báo 5.000 – 7.000 ca mắc COVID-19/ngày: Y tế có đáp ứng được?

TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng, hiện nay việc kiểm soát, giảm số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội là rất khó, thay vì vậy, nên tập trung cứu chữa những trường hợp triệu chứng nặng để giảm tử vong.

Sáng 1/1, một cháu bé đi làm cùng mẹ tại trạm y tế một phường ở quận Hoàng Mai (Hà Nội). Cháu mang theo ô tô đồ chơi, vài chiếc kẹo mút quanh quẩn xem mẹ và các cô chú ở trạm y tế làm việc. Bức ảnh do độc giả H. gửi cho phóng viên báo Tiền Phong nói lên sự vất vả của nhân viên y tế phường ở Hà Nội những ngày dịch COVID-19 đang căng thẳng.

Cháu bé đi làm cùng mẹ tại một trạm y tế phường ở quận Hoàng Mai (Hà Nội)

Theo chia sẻ của chị H., sáng 1/1, chị ra trạm y tế phường ở quận Hoàng Mai để làm xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người hết thời hạn cách ly F1.

Nhân viên y tế tại trạm chia sẻ, ngay ngày đầu năm mới và đang là ngày nghỉ nhưng các nhân viên y tế vừa phải trực điện thoại giải đáp liên tục thắc mắc của các trường hợp F0, F1 trên địa bàn; vừa phải điều phối người, xe chuyên chở các trường hợp F0 phải đi điều trị ở viện; lại vừa phải triển khai tiêm vắc xin mũi tăng cường; giải quyết thủ tục cho các trường hợp F1 hết hạn cách ly…“ Phường đang có khoảng gần 200 trường hợp mắc COVID-19 nên trạm y tế bị quá tải vì chỉ có 7 - 8 người”, chị H. kể.

Hà Nội đang ghi nhận hàng nghìn ca mắc COVID-19 mỗi ngày, gây áp lực rất lớn với hệ thống y tế cơ sở phường, xã. Ngày 2/1 và 3/1, số ca mắc mới vượt mốc 2.000 ca. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, lãnh đạo nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố cho biết, áp lực với nhân viên y tế hiện nay quá lớn, nguy cơ phơi nhiễm COVID-19 rất cao, rất cần sự động viên kịp thời cả về vật chất và tinh thần.

Tập trung giảm thiểu tử vong

Tại Hội nghị giao ban Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố mới đây, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong nêu, từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, đặc biệt là có khoảng 140.000 người Việt Nam ở nước ngoài đăng ký trở về nước ăn Tết.

Vì thế, các địa phương cần đặc biệt quan tâm hơn việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ cao. Sở Y tế khẩn trương có hướng dẫn thực hiện việc tiêm vắc xin tại nhà. Trừ các trường hợp theo chỉ định y tế không thể tiêm vắc xin, với các trường hợp khác, lãnh đạo địa phương phải đến tận nhà vận động, tuyên truyền, để tiêm vắc xin bằng được.

“Tiêm thêm được 1 người là giảm đi 1 người phải chuyển tầng 3 điều trị, giảm đi một nguy cơ tử vong. Đây là chuyển biến về nhận thức phải xác định rõ là hạn chế chuyển tầng, tử vong, quản trị rủi ro”, ông Phong nói.

Thời gian tới, số ca mắc COVID-19 có thể lên tới 5.000- 7.000 ca/ngày; có thể chủng Omicron sẽ lan ra cộng đồng với tốc độ rất nhanh. Sở Y tế phải xây dựng kịch bản mới, dựa trên tỷ lệ chuyển tầng điều trị, tử vong, không để quá tải ở tầng điều trị 2- 3. Các quận, huyện, thị xã cũng cần có kịch bản mới phù hợp tình hình hiện tại.

Một số nhân viên y tế ở Hà Nội tâm sự, họ cũng chạnh lòng khi trải qua thời gian phòng, chống dịch quá dài, nghe nơi này, nơi khác có trường hợp nghỉ việc, nhưng họ cũng tự động viên cố gắng để tiếp tục công việc.

Chung nhận định, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng, hiện Hà Nội rất khó, nếu không muốn nói là không thể giảm số ca mắc COVID-19.

“Hiện nay đã không còn kiểm đếm được số ổ dịch mà chủ yếu nêu theo địa bàn phường, xã…”, ông Nga nói.

Tuy nhiên, theo ông Nga, khi đã tiêm đủ số mũi vắc xin, chủ yếu các ca bệnh có triệu chứng nhẹ, không nên quá chú ý đến số ca mắc mới mà cần tập trung vào số ca nặng, phải điều trị tích cực để giảm tử vong.

“Tất nhiên, khi lượng bệnh nhân càng tăng cao thì tỷ lệ các trường hợp nặng cũng tăng lên. Cần tập trung vào điều trị cho các trường hợp này. Khi Hà Nội quá tải, các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện dã chiến cần hỗ trợ, vào cuộc”, ông Nga nói.