Hà Nội dỡ bỏ phong tỏa thôn hơn 1.200 dân

0h ngày 14/5, thôn Đông Cứu, huyện Thường Tín - khu cách ly cộng đồng cuối cùng của Hà Nội, được dỡ bỏ chốt kiểm soát phòng Covid-19 sau 28 ngày.
Người dân vỗ tay khi các chốt kiểm soát dịch bệnh được dỡ bỏ lúc 0h ngày 14/5. Ảnh: Tất Định.

Tại chốt kiểm soát gần cổng chào thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, chính quyền tổ chức lễ công bố quyết định dỡ cách ly. Khoảng 20 người thuộc các ban ngành của huyện và đại diện người dân tham dự.

Ông Kiều Xuân Huy, Chủ tịch huyện Thường Tín, cho biết thời gian qua ngành y tế đã lấy 1.200 mẫu xét nghiệm cho người dân thuộc 399 hộ, kết quả đều âm tính. Sau hôm nay, người dân vẫn cần nghiêm túc phòng chống dịch, trường hợp F1 tiếp tục cách ly tại nhà. Phòng Y tế huyện duy trì các tổ giám sát hàng ngày, theo dõi sức khỏe của bà con.

Kết thúc lễ công bố, công an, quân đội dỡ ba chốt cách ly đặt tại ba lối ra vào thôn. Người dân từ trong thôn đổ ra khu vực cổng chào hò reo "Đông Cứu chiến thắng Covid". Lực lượng chức năng liên tục đi nhắc nhở người dân đeo khẩu trang và không ăn mừng quá khích.

Vài tiếng trước giờ dỡ chốt, anh Vũ Trung Đức, 26 tuổi, cùng vợ dọn dẹp xưởng thêu ngay sau hàng rào cách ly. Sau khi "bệnh nhân 266" ở thôn được đưa đi điều trị, một công nhân trong xưởng của gia đình anh được xác định là F1, vợ chồng và con anh được xác định là F2.

"Những ngày đầu gia đình tôi luôn thấp thỏm lo âu dù bác làm thuê đã có kết quả âm tính. Ngoài những lúc ra ngoài nhận thực phẩm hỗ trợ, chúng tôi đều ở trong nhà, kinh doanh đình trệ, đơn hàng đều phải hủy", anh Đức chia sẻ.

Nhận tin dỡ cách ly, anh đã gọi điện cho khách hàng thân quen để thông báo. Anh Đức hy vọng tháng tới hoạt động kinh doanh có thể trở lại bình thường.

Anh Vũ Trung Đức chuẩn bị mở lại xưởng thêu sau thời gian cách ly. Ảnh: Tất Định

Khu chợ nhỏ ở ngã ba giữa thôn Đông Cứu, từ hơn 10 kiot bán thức phẩm, thời gian cách ly chỉ còn 3 kiot bán thịt và rau củ, nhưng vẫn vắng khách. Người dân được nhận thực phẩm hỗ trợ từ chính quyền, ít ra khỏi nhà mua sắm.

Bà Phạm Thị Dậu, 53 tuổi, chủ sạp rau củ, cho biết sáng mai sẽ dậy sớm đi chợ đầu mối trực tiếp lấy hàng để giảm chi phí. Những ngày cách ly, mỗi ngày bà phải mất thêm 100.000 đồng thuê người vận chuyển rau từ chợ đầu mối đến làng.

"Gia đình tôi 4 người làm việc tự do, buôn bán nhỏ. Gần một tháng qua, tất cả ở nhà vì dịch. Ngoài khoản hỗ trợ, nguồn thu chính mỗi ngày của gia đình chỉ trông chờ vào sạp hàng này, lời lãi hơn 200.000 đồng", bà Dậu nói.

Bà Phạm Thị Dậu, chủ sạp rau củ ở thôn Đông Cứu. Ảnh: Gia Chính

Kể từ khi phát hiện ổ dịch thôn Đông Cứu ngày 15/4, 28 ngày qua Hà Nội không ghi nhận ca nhiễm mới. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, do đông dân, lượng người di chuyển lớn, thành phố vẫn tiền ẩn nhiều nguy cơ. Sắp tới lượng người từ nước ngoài đổ về rất nhiều, có thể mang theo virus.

"Dù những người từ nước ngoài về sẽ được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tập trung đủ 14 ngày, chúng ta vẫn phải cảnh giác với trường hợp đi lọt qua biên giới theo đường mòn, lối mở. Đặc biệt không loại trừ còn mầm bệnh trong cộng đồng", ông Hạnh nói.

Ngành y tế thành phố vẫn duy trì 100% lực lượng ứng trực, 65 đội phản ứng nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và quận huyện vẫn trực 24/24 giờ. Các biện pháp giám sát, khoanh vùng xét nghiệm ngay khi phát hiện ca nhiễm được duy trì như thời gian qua.

"Bệnh nhân 266", nữ, 36 tuổi, làm nghề thêu, từng chăm sóc mẹ ở Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai. Ngày 15/4, khi ca bệnh này được phát hiện, toàn thôn Đông Cứu với 1.200 người dân bị cách ly. Ba chốt rào chắn được thiết lập, người dân sinh hoạt trong nhà, hạn chế ra ngoài phạm vi cách ly..

Đến nay, cả nước ghi nhận 288 ca mắc Covid-19, trong đó 148 ca xâm nhập được cách ly ngay.

Theo Theo VnExpress