Hà Nội đề xuất tăng học phí gấp đôi tại nội thành

TPO - Sáng 20/6, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến phản biện về dự kiến tăng học phí công lập năm học 2022- 2023 trên địa bàn thành phố.

Sáng 20/6, Uỷ ban MTTQ thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội năm học 2022- 2023.

Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: PV

Dự kiến tăng gần gấp đôi ở nội thành

Tại hội nghị, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, HĐND thành phố Hà Nội đang xây dựng dự thảo Nghị quyết Quy định mức thu học phí với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập tại Hà Nội từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025- 2026.

Theo nội dung dự thảo, các địa bàn của thành phố Hà Nội được chia thành bốn vùng để xét thu học phí khác với trước đây thành phố chỉ chia thành ba vùng, gồm thành thị, nông thôn và miền núi.

Cụ thể, 12 quận nội thành và các phường tại thị xã Sơn Tây thuộc vùng 1; các thị trấn thuộc 17 huyện ngoại thành là vùng 2; các xã (trừ xã miền núi) của 18 huyện, thị thuộc vùng 3; còn lại các xã miền núi được xếp vào vùng 4.

Dự thảo nghị quyết được xây dựng theo khung học phí mới tại Nghị định 81 của Chính phủ. Học phí dự kiến của Hà Nội ở mức sàn, tức mức thu thấp nhất.

Cụ thể, năm học 2022- 2023, với các trường chưa đảm bảo chi thường xuyên, học phí vùng 1 và 2 là 300.000 đồng mỗi tháng. Hai vùng còn lại thấp hơn, dao động từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (vùng 3) và từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng (vùng 4).

Như vậy, học phí tăng khoảng gấp đôi năm ngoái, trừ bậc trung học phổ thông vùng 1 và 2 có mức học phí tăng từ 217.000 đồng năm 2021 lên 300.000 đồng.

Nội dung dự thảo cũng nêu rõ, bậc tiểu học được miễn học phí. Mức thu trên là căn cứ để hỗ trợ cho học sinh tiểu học tư thục hoặc học sinh tư thục thuộc diện hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định.

Đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, dự thảo đưa ra quy định mức trần học phí năm học 2022-2023 từ 2,4 triệu đồng đến 3,2 triệu đồng/học sinh/tháng.

HĐND thành phố Hà Nội dự kiến mức thu học phí theo hình thức học trực tuyến bằng 75% mức thu học phí của các cơ sở giáo dục công lập đã được ban hành; mức thu học phí được làm tròn đến đơn vị nghìn đồng.

Trong một tháng, nếu trẻ mầm non học ít hơn 14 ngày, cần nộp một nửa so với quy định; học trên 14 ngày phải nộp đủ học phí cả tháng.

Với bậc phổ thông luân chuyển học trực tiếp và trực tuyến trong cùng tháng, hình thức nào được áp dụng từ 14 ngày trở lên thì trường sẽ thu học phí theo hình thức đó. Các trường cần đảm bảo tổng số tháng thu học phí trong năm không vượt quá 9.

Dự kiến đến năm học 2025-2026, mức thu học phí vùng 1 và vùng 2 từ 380.000 đồng 1 tháng đến 650.000 đồng 1 tháng; mức thu học phí ở vùng 3 và vùng 4 từ 110.000 đồng đến 330.000 đồng 1 tháng.

Vẫn cần điều chỉnh?

Tại hội nghị, các đại biểu đã phản biện về nhiều nội dung nêu trong dự thảo nghị quyết, trong đó tập trung góp ý vào mức đóng học phí đối với học sinh các cấp học. Một số đại biểu cho rằng, mức thu học phí giữa các xã miền núi chênh lệch với khu vực phường đến hơn 9 lần là chưa thỏa đáng, cần xem xét lại.

Việc thu học phí tại các thị trấn thấp hơn các phường nội thành là hợp lý, tuy nhiên, cần có sự điều chỉnh tỷ lệ học phí giữa các xã miền núi và các phường; cần nêu rõ căn cứ để thu học phí trực tuyến bằng 75% học phí trực tiếp.

Ông Vũ Hào Quang, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Tổng hợp, phân tích Dư luận xã hội cho rằng, tại mục “Sự cần thiết ban hành quy định” của dự thảo chưa nêu được lý do cấp thiết phải ban hành Nghị quyết quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Quang cho rằng, trong tờ trình cũng như Dự thảo nghị quyết đều đề cập đến việc cần thiết phải thu học phí theo vùng với các mức học phí khác nhau là phù hợp.

Góp ý về Dự thảo Tờ trình và nghị quyết, ông Quang cho rằng, mức thu học phí giữa các xã miền núi chênh lệch với khu vực phường đến hơn 9 lần là chưa thoả đáng. Cần xem xét lại mức độ chênh lệch này. Việc thu học phí tại các thị trấn thấp hơn các phường nội thành là hợp lý vì thu nhập và chi phí tại các phường nội thành thường cao hơn thị trấn.

Ông Quang cũng đề nghị cần có chính sách miễn giảm cho các đối tượng khó khăn do dịch bệnh COVID-19 và các trường hợp khó khăn khác thông qua con số thống kê từ các xã phường.

Luật gia Lê Gia Ánh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu đối với các mức mà tỷ lệ % tăng so với năm trước liền kề là 93,55% là quá cao. Ông Ánh cũng đề nghị tỷ lệ chỉ nên tăng dưới 50% so với năm trước là hợp lý. Và các năm sau sẽ tăng dần tỷ lệ đến mức quy định sàn của nghị định. Phần nếu còn thiếu, đề nghị ngân sách cấp bù.

PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội thì cho rằng, việc quan trọng nhất là làm sao học phí phải tương đương với chất lượng giảng dạy của nhà trường, đề nghị ghi rõ cơ quan quản lý chịu trách nhiệm đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục hiện nay và công bố công khai.

Trao đổi lại một số vấn đề với các đại biểu, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng, nếu Hà Nội không tăng học phí trong năm 2022- 2023 thì sang năm phải tăng gấp đôi và sang năm nữa sẽ phải tăng gấp 3 theo lộ trình. Ông Cương nêu, như TP.HCM mấy năm không tăng học phí, nên mới có chuyện học phí trong năm học tới tăng 5 lần. "Hà Nội tăng từ từ", ông Cương nói.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng nêu: Việc thu học phí hiện nay của Hà Nội chỉ đủ 19% cho tổng chi cho giáo dục, còn 81% nhà nước phải chi. Việc thu học phí sẽ chi 90% trả lương cho giáo viên còn 10% chi cho các phần tái đầu tư khác.

Tiếp thu các ý kiến của đại biểu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương cho biết, các ý kiến phát biểu tại hội nghị phản biện là cơ sở để UBND và HĐND thành phố tiếp tục hoàn thiện, thông qua trong năm học 2022-2023.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đề nghị Sở GD&ĐT tiếp thu, chỉnh sửa lại để khi áp dụng sẽ nhận được sự đồng tình của đông đảo nhân dân, trong đó, cần lưu ý đến các vấn đề mang tính đặc thù của Hà Nội…