Hà Nội có Nguyễn Bảo Sinh...

TP - Rất khó định danh về Nguyễn Bảo Sinh, vì ông làm nhiều nghề, từ giáo viên, vẽ tranh truyền thần, đấu sĩ, thầy lang, pháp sư… Nhưng nói về ông, nhất định không thể thiếu hai gạch đầu dòng nổi trội: nuôi chó và làm thơ.
Ông Sinh chuẩn bị làm lễ cầu siêu cho các con vật xấu số

Soạn “á kinh” cầu siêu cho… chó mèo

Một sáng cuối tuần, không phải ngày Rằm, mùng Một nhưng chùa “Tề đồng vật ngã” vẫn thấp thoáng bóng người. Họ đến đây, người mang theo xác một chú chó đang chờ hoả thiêu, người sụt sùi nước mắt khi ôm di ảnh chú mèo qua đời vì bạo bệnh. Không gian yên lặng vang lên tiếng tụng kinh gõ mõ, âm u, trầm buồn.... Chủ nhân của ngôi chùa, ông Nguyễn Bảo Sinh mặc áo cà sa, đang thực hành nghi lễ cầu siêu cho một con chó xấu số khác.

“Bát phố” của Nguyễn Bảo Sinh chuẩn bị được xuất bản phần 3
Bao quanh mặt hồ yên tĩnh là khuôn viên nghĩa trang với những bát hương nhỏ nghi ngút khói, xen giữa cỏ cây hoa lá, bên cạnh là những bức ảnh của chó mèo đã chết. Mỗi con chết một kiểu: ốm có, tai nạn có, bệnh tật có. Mỗi con được hoá kiếp bằng nhiều cách: hoả táng, thuỷ táng, địa táng. Nhưng con nào cũng được pháp sư Bảo Sinh đọc kinh cầu siêu cẩn thận trước khi đi. 
“Cõi dương thế chan hòa ánh nắng/Dưới đất sâu lạnh trắng xương khô/Não nùng thay những đêm mưa/Ai lau giọt lệ ma xưa dưới mồ…”.
Thơ của Nguyễn Bảo Sinh xuất hiện khắp nơi trong khuôn viên chùa Tề Đồng Vật Ngã
Xong việc, ông Sinh ngồi vào bàn, đặt quyển “Huyền Thi” xuống, giở bài “Á kinh siêu sinh tịnh độ” vừa đọc. Đây là bài kinh ông soạn riêng để cầu siêu cho chó mèo. Nôm na đều là thơ ông sáng tác. “Phật giáo coi người và vật bình đẳng. Vì vậy con vật cũng được cầu siêu như con người. Từ xưa tới nay chưa có kinh nào cầu siêu cho chó mèo cả cho nên tôi phải tự sáng tác theo tinh thần của đạo Phật và cũng có cải cách theo lẽ vô thường”, ông lý giải. Ngày trước, mỗi lần cầu siêu, ông Sinh hay mời các nhà sư đến làm lễ. Sau, các sư ái ngại từ chối dần nên ông đành tự khoác áo cà sa.
Ông Sinh cho biết có khoảng 1.000 ngôi mộ chó mèo trong khuôn viên hơn 2.000m2 của mình Ảnh: Nhã Khanh
Ông khoe, mới năm ngoái vừa hoàn thành xong công trình Âm phủ rộng hơn 100m2. Người ta bảo ông hâm, tự nhiên làm địa ngục để rước ma quỷ vào nhà, nhưng Nguyễn Bảo Sinh tâm niệm có thiên đường thì phải có địa ngục. Đó là vòng luân hồi để chuyển kiếp. Con người hay con vật cũng vậy, đều tuân theo luật nhân quả, làm điều ác sẽ phải trả giá, ngược lại, hiền lương sẽ được lên thiên đường.

Ông cũng vừa dẹp khu khách sạn chó mèo dù đang “ăn nên làm ra”, chỉ để vẹn nguyên khu đất này làm nơi an nghỉ cho hai loài động vật. Sau 50 năm khởi đầu bằng nghề nuôi chó cảnh, phối giống chó, mở dịch vụ chăm sóc chó từ a đến z…  cuối cùng, ông quyết định thu hẹp tất cả, chỉ còn nghĩa trang. Nghĩa trang là nơi gột rửa, hoá giải mọi công tội, thiện ác, được mất. Là nơi kết thúc nhưng cũng là nơi bắt đầu.“Người ta nói tôi mắc nợ chó mèo từ kiếp trước nên kiếp này mới khổ thế, nhưng thật ra nhờ có con chó mà tôi mới có ngày nay”, ông Sinh bảo thế. 

80 tuổi học chơi facebook

Từng bôn ba đủ nghề kiếm sống. Thức thời và có máu kinh doanh. Sở hữu mảnh đất rộng với cơ ngơi có giá ngót nghét 100 tỷ… nhưng trên tất cả, Nguyễn Bảo Sinh lại yêu thơ.
Nói đến thơ, ông khoe luôn, vừa có thêm 2 cái mới: “luyện” facebook thành công và sắp xuất bản “Bát phố 3”.

“Tôi nuôi chó và chó nuôi tôi. Những năm kinh tế khó khăn, con chó xây dựng cho tôi cơ nghiệp, con cái tôi đi học nước ngoài là nhờ tôi nuôi chó. Tất cả tài sản tôi có được, cả căn nhà 7 tầng này, đều do con chó đưa lại”. 
Nguyễn Bảo Sinh


Ở tuổi 80, Nguyễn Bảo Sinh trở thành học trò ngoan ngoãn của đứa cháu nội, chỉ mong nó dạy cho vài “chiêu” sử dụng facebook. Sau 2 tháng vật lộn với nhau, với bao hờn dỗi của người cháu vì “bảo ông rồi mà cứ quên” thì người ông cũng đã biết cách tự đăng thơ của mình lên mạng xã hội. 

Rồi ông bảo, hôm nọ có anh cán bộ bên Nhà xuất bản Trẻ đến ngỏ ý muốn xuất bản cuốn “Bát phố 3”. Hiện đang chờ để ký hợp đồng. Đây không phải lần đầu thơ ông Sinh được in sách. Từ năm 2013 đến nay, ông đã từng ra mắt “Bát phố 1”, “Bát phố 2”, “Huyền thi”, “Thiền dân gian”, “Huyền ngôn”. Trong đó “Bát phố” được đề cử giải Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu Hà Nội năm 2014. “Bát phố” là sự pha trộn giữa tản văn và tiểu thuyết, viết về Hà Nội từ một góc nhìn vừa riêng tư, kể cả những chuyện riêng của bản thân, gia đình mình nhưng lại vừa khái quát, đến nỗi những người Hà Nội cùng thế hệ đọc đều gật gù.

“Facebook nó hay lắm! Làm thơ xong, ấn phím một cái là lan tỏa hàng mấy nghìn người. Nó như cái chợ. Có người khen kẻ chê, nên cho mình cảm giác được nhìn dưới nhiều góc độ, biết mình là ai, đang ở đâu. Chứ mang thơ hỏi mấy ông bạn già, kiểu gì cũng khen, chán chết!”  Nguyễn Bảo Sinh


Nhắc tới nhà thơ Bảo Sinh, có thể nhiều người không biết đến. Nhưng những câu thơ của ông như “Vợ là cơm nguội nhà ta/Lại là phở tái thằng cha láng giềng” hay “Sang sông sợ nhất đò đông/ Về nhà sợ nhất vợ không nói gì”, hoặc “Cuối cùng tất cả chúng ta /Đều lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân”… thì không biết tự bao giờ đã lan truyền phổ biến trong dân gian.

“Hôm xưa lên tỉnh về làng/ Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi/ Bây giờ quần trễ rốn lồi/ Khổ tôi khổ cả bố tôi đang thiền”. Thơ ông vừa chân phương, quê mùa như Nguyễn Bính lại nhang nhác hồn vía thơ Hồ Xuân Hương, trong tục có thanh, trong thanh có tục. Nhiều người cũng gọi Bảo Sinh là hậu Bút Tre, bởi những câu thơ tếu táo, tưng tửng. 

“Người ghi bia đá để đời/ Còn ta bia trắng để người tự ghi”

Nếu không có hẹn trước ở tư gia, muốn gặp Nguyễn Bảo Sinh chỉ cần đến cà phê Nhân trên phố Hàng Hành. Ở đó, ông già nhỏ nhắn, sành điệu, thường mặc quần kaki, áo sơ mi cổ cồn trang nhã, đang nhâm nhi chén trà với củ khoai, lạc luộc cùng mấy ông bạn già. Thi thoảng, bật lên vài câu thơ rồi cùng khen nhau rôm rả.

Định kỳ 10 năm một lần, đúng lễ mừng thọ, Nguyễn Bảo Sinh lại mở sới đấu võ tại nhà. Năm 70 tuổi, trước mặt bạn bè, ông thượng đài với võ sĩ Cảnh Thịnh - Huy chương vàng toàn quốc và võ sĩ Hải - Huy chương bạc thế giới. Ai cũng bảo ông bị điên, ngay cả trọng tài cũng run sợ chẳng may ông chết trên võ đài thì mang tiếng. Trận đấu cuối cùng vẫn diễn ra đẹp mắt (với tinh thần vui là chính).

Ông Sinh hứa hẹn năm 80 tuổi sẽ lên võ đài lần hai. Mọi người cười nghĩ ông đùa. Thế mà trong lễ mừng thọ mới đây, ông nhất quyết đòi thách đấu. Chả ai dám. Nên cuối cùng trọng tài tuyên bố ông là võ sĩ tự thắng mình một cách oanh liệt nhất. Thắng mình là khó nhất. Thế là sướng quá, ông Sinh lại hứa năm 90 tuổi sẽ lên võ đài…

Nguyễn Bảo Sinh “tả xung hữu đột” nhiều thứ, mà dường như chả liên quan với nhau. Từ một người vẽ truyền thần có cửa hàng trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào, rồi thoắt cái ông lên võ đài để chơi trò đấm bốc. Từ một thi sĩ bay bổng với cõi mơ, lại mở dịch vụ phối giống, xây khách sạn, dựng nghĩa trang cho chó mèo. Tưởng thế đã hết, ai ngờ ông còn kiêm cả nghề thầy thuốc.

Trên bàn khách tại nhà ông, một cái biển chữ to ghi: “Bảo Sinh Đường chuyên trị các bệnh về viêm xoang, họng, phế quản”… Có lẽ vì thế mà ở Nguyễn Bảo Sinh vừa toát lên sự lãng mạn của một nhà thơ, vừa có khí chất liều lĩnh, cảm tử của một đấu sĩ, vừa có sự nhanh nhạy, thức thời của một “con buôn”, lại vừa có sự phiêu diêu, thoát tục đời thường. Thế mà hỏi ông, muốn gọi là gì, ông chỉ đủng đỉnh đáp: “Người ghi bia đá để đời/Còn ta bia trắng để người tự ghi”. 

Tác giả Đỗ Anh Đào từng viết: “Hà Nội có Nguyễn Bảo Sinh/Thế gian cũng chỉ có mình ông ta”. Quả không sai!

Cuối tháng 3/2019, dân tình ngã ngửa khi thấy thơ của Nguyễn Bảo Sinh được viết lên hàng trăm cơ thể vũ nữ nhảy múa uốn éo và được minh họa bằng tranh sex của Đào Anh Khánh ở lễ hội nghệ thuật Đáo xuân chín.