Hà Nội có bao nhiêu F0 điều trị tại các trạm y tế lưu động?

TPO - Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đến chiều 7/12, toàn thành phố đã có 22 quận, huyện tiếp nhận 851 F0 điều trị tại các trạm y tế lưu động.

Ngày 8/12, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trước tình hình số ca nhiễm COVID-19 gia tăng, 30/30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng phương án triển khai trạm y tế lưu động tại 508 xã, phường, thị trấn với phương châm mỗi thôn, xóm, cụm dân cư có một địa điểm sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Sở Y tế, tính đến chiều 7/12, toàn thành phố đã có 22 quận, huyện tiếp nhận 851 F0 điều trị tại các trạm y tế lưu động.

Huyện Chương Mỹ tiếp nhận số lượng F0 điều trị tại trạm y tế lưu động nhiều nhất với 193 bệnh nhân, tiếp đến là huyện Hoài Đức tiếp nhận 110 bệnh nhân, huyện Sóc Sơn tiếp nhận 101 bệnh nhân, huyện Đan Phượng với 89 bệnh nhân; các quận, huyện còn lại tiếp nhận từ 2 đến 60 bệnh nhân.

8 quận, huyện gồm: Cầu Giấy, Phúc Thọ, Sơn Tây, Ứng Hòa, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm và Ba Đình chưa tiếp nhận điều trị F0 tại trạm y tế lưu động.

Trước đó, Sở Y tế Hà Nội ban hành Công văn 670 về việc triển khai các biện pháp cấp bách thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập khẩn trương thiết lập khu điều trị COVID-19 trong bệnh viện, triển khai giường điều trị người bệnh COVID-19 được giao theo Quyết định số 5057 của UBND thành phố Hà Nội về việc giao chỉ tiêu giường bệnh cách ly, điều trị cho các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, đảm bảo vừa khám chữa bệnh thông thường vừa điều trị người bệnh COVID-19.

Rà soát, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất tại các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ để sẵn sàng tiếp nhận điều trị sớm cho người bệnh nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.

Đồng thời, nghiêm túc thực hiện công tác tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm để phát hiện sớm ca bệnh COVID-19, xét nghiệm ngẫu nhiên, định kỳ cho nhân viên y tế, người bệnh nội trú, người nhà người bệnh, đặc biệt ở các khoa hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, thận nhân tạo,… theo hướng dẫn của Bộ Y tế để tránh lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh.

Thực hiện khai thác, khám, phân loại mức độ bệnh, đánh giá nguy cơ để phân luồng, chuyển tuyến người bệnh theo hướng dẫn về việc phân luồng, tiếp nhận người bệnh COVID-19.

Các đơn vị thực hiện nghiêm 5K trong toàn bệnh viện và tăng cường giám sát việc thực hiện công tác vệ sinh, khử khuẩn, tăng cường thông khí tự nhiên hoặc cơ học tại các khoa, phòng. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh, công tác hội chẩn. Kê đơn, cấp thuốc điều trị ngoại trú cho bệnh nhân mắc bệnh mạn tính tối đa 3 tháng đối với các bệnh mạn tính đã điều trị ổn định.

Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai theo dõi, quản lý, điều trị F0 tại nhà theo đúng hướng dẫn tại phương án 276 của UBND thành phố ban hành ngày 2/12/2021 về phương án thu dung điều trị “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn Hà Nội, áp dụng phần mềm theo dõi, quản lý, điều trị F0 tại nhà.