Tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, về định hướng phát triển Thủ đô, Hà Nội kiến nghị tiếp tục ban hành Nghị quyết về phương hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2021- 2030 sau khi tổng kết Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011- 2020.
Hà Nội kiến nghị cho phép tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố ở mức 35% hiện nay lên mức 42% (bằng giai đoạn 2011- 2016) để bảo đảm mặt bằng chi và nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2022- 2025.
Thành phố kiến nghị được hỗ trợ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương với nhu cầu vốn 21.351 tỷ đồng, giúp tăng cường khả năng kết nối, lan tỏa vùng (đã bố trí 5.937 tỷ đồng)…
Thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Trung ương được đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Trong đó, về cơ cấu vốn: Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 160.000 tỷ đồng; trong đó, ngân sách bố trí khoảng 50% (gồm ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 25% tổng mức đầu tư; ngân sách của Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh khoảng 25% tổng mức đầu tư). Phần 50% vốn còn lại áp dụng cơ chế đối tác công - tư và xây dựng - kinh doanh - chuyển giao.
Đề nghị cho phép Hà Nội (đơn vị chủ trì) phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, UBND các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh triển khai thực hiện ngay công tác lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chuẩn bị đầu tư dự án, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 vào kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV (tháng 10- 2021).
Về đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô, thành phố kiến nghị đầu tư bằng các nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ, nguồn vốn đối ứng của các địa phương, tập trung đẩy mạnh đầu tư, bảo đảm tính kết nối trên toàn tuyến.
Riêng đối với các tuyến đường sắt đô thị, UBND thành phố cho rằng, mạng lưới đường sắt đô thị quy hoạch trên địa bàn gồm 9 tuyến. Trong đó, 3 dự án đang chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và 5 dự án đang triển khai thực hiện chuẩn bị đầu tư. Qua đó, thành phố kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải đầu tư tuyến đường sắt quốc gia song song nhánh phía Tây và phía Đông đường Vành đai 4, đồng bộ cùng với đường Vành đai 4 do thành phố Hà Nội thực hiện và bàn giao tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi hiện tại cho thành phố quản lý và khai thác đường sắt đô thị (tuyến số 1).
Đề nghị Thủ tướng chấp thuận giao Bộ Giao thông Vận tải bàn giao không gian 131 vòm cầu đường dẫn và hành lang đường sắt phía Nam cầu Long Biên (đoạn đường sắt từ cầu Long Biên - Trần Phú) cho thành phố để quản lý (hoặc cùng phối hợp quản lý) và thực hiện dự án phát huy giá trị di sản đô thị.
Đề xuất xây dựng sân bay thứ hai tại phía Nam Hà Nội
Đối với lĩnh vực quy hoạch, để thực hiện đồng bộ, nâng cao tính khoa học, tính khả thi và thực tiễn khi điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch chuyên ngành, thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được tiến hành song song và lồng ghép, tích hợp với quá trình lập quy hoạch thành phố và xây dựng chương trình phát triển đô thị thành phố.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh tăng tỷ lệ đất đô thị và nông thôn toàn thành phố từ 30% đến 70% lên 40%-60%, làm căn cứ triển khai quá trình nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và quy hoạch thành phố thời kỳ 2021- 2030.
Hà Nội cũng đề xuất nghiên cứu bổ sung quy hoạch sân bay dân dụng thứ 2 tại phía Nam Thủ đô trong quá trình nghiên cứu điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch tổng thể phát triển Cảng hàng không quốc gia và quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Riêng về việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, dự án khu đô thị có nhà ở, Hà Nội đề nghị Thủ tướng xem xét, cho phép quyết định chủ trương đầu tư dự án, đồng thời với việc công nhận chủ đầu tư dự án đối với trường hợp nhà đầu tư đề xuất dự án đầu tư phát triển nhà ở có quyền sử dụng đất hợp pháp (không phân biệt đất ở hay đất khác), phù hợp với quy hoạch đất ở được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong lĩnh vực văn hóa, Hà Nội kiến nghị bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và thành Cổ Loa theo các cam kết của Chính phủ với UNESCO. Trong đó, đề nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo Bộ Quốc phòng hoàn thành bàn giao Trạm xăng dầu tại đường Nguyễn Tri Phương trong năm 2021 và sớm hoàn thành xây dựng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam ở địa điểm mới để bàn giao khu đất cho Hà Nội trong năm 2021- 2022.
Kiến nghị Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thành công tác bàn giao toàn bộ số di vật đã khai quật được tại Hoàng thành Thăng Long theo đúng lộ trình đã ký kết với thành phố; ưu tiên thực hiện ngay dự án bảo tàng khảo cổ tại 18 Hoàng Diệu theo hướng bảo tàng mở tại chỗ.
Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam - Bộ Ngoại giao phối hợp với thành phố thống nhất mô hình theo thời kỳ lịch sử và phương thức triển khai dự án xây dựng phục dựng điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long và đền thờ Ngô Quyền tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa.