Hà Nội cần cơ chế đặc thù phát huy lợi thế đô thị ven sông Hồng

TPO - Theo các chuyên gia, đã đến lúc phải có cơ chế chính sách đặc thù làm sống lại, thức tỉnh các chức năng, thế mạnh của sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu và sông Nhuệ để tạo lập những cảnh quan sinh thái điển hình dọc theo đôi bờ các dòng sông lớn.

Sáng 4/10, Bộ Tư pháp và UBND TP Hà Nội đã phối hợp tổ chức hội thảo “Phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô”, nhằm đề xuất chính sách cho sửa đổi Luật Thủ đô.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, nhiệm vụ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) hiện đang được TP Hà Nội tích cực chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai thực hiện. Trong các chính sách đề xuất đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, chính sách về phát triển văn hóa, giáo dục của Thủ đô chiếm vai trò hết sức quan trọng.

Thủ đô Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước là thành viên mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO. Với số lượng di tích đứng đầu cả nước, gồm 5.922 di tích các loại, trong đó có 5 di sản thế giới, TP đã triển khai và đạt được một số kết quả tích cực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Thủ đô...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại Hội thảo

Bên cạnh những thành tựu đạt được, phát triển văn hóa và con người Hà Nội chưa xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô. Việc bảo tồn, khai thác, phát huy vai trò của văn hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập chưa tương xứng với các tiềm năng, thế mạnh, bề dày văn hóa lịch sử Thủ đô...

Không chỉ tập trung đầu tư bảo tồn di sản

Góp ý, thảo luận tại hội thảo, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia đề xuất, Luật Thủ đô cần tạo ra khung pháp lý cho việc hoạch định các chính sách đặc thù đầu tư cho phát triển văn hoá và bảo tồn di sản văn hoá ở một số mặt hoạt động. Về mặt văn hoá và di sản văn hoá, Hà Nội có nhiều đặc thù và lợi thế về tiềm năng cho phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, mà phần lớn các tài nguyên và lợi thế của Hà Nội lại hội tụ trong di sản văn hoá làng, trong các làng nghề và phố nghề. Đó là các khu vực đông đặc các di sản văn hóa đang chịu áp lực rất lớn của quá trình đô thị hoá và xây dựng nông thôn mới.

Vị chuyên gia cho rằng: Phải thay đổi nhận thức, làm văn hóa thấm vào kinh tế, trong văn hóa phải có kinh tế. Cứ nghĩ đầu tư văn hóa không ra tiền là rất sai bởi đầu tư di sản ẩn trong du lịch - ngành nghề đã mang lại nguồn thu lớn. Từ thực tế của Hà Nội, phải chăng chúng ta cần xem xét vấn đề đầu tư cho phát triển văn hoá và bảo tồn di sản văn hoá trong chương trình mục tiêu quốc gia về “Đại chấn hưng văn hoá Việt Nam”.

Ngoài ra, hệ thống sông, hồ của Hà Nội là những yếu tố quan trọng tạo nên sức sống đặc thù ở Thủ đô. Đã đến lúc chúng ta phải có cơ chế chính sách đặc thù làm sống lại, thức tỉnh các chức năng, thế mạnh của sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu và sông Nhuệ để tạo lập những cảnh quan sinh thái điển hình dọc theo đôi bờ các dòng sông lớn.

Nhân chủ đề sông, hồ, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đặt câu hỏi với các chuyên gia: Hà Nội muốn khai thác hệ thống sông Hồng để "hướng mặt" phát triển phía sông Hồng tuy nhiên cứ nhắc đến sông Hồng là bị "đóng khung" bởi câu chuyện đê điều, thủy lợi nên không tìm được tiếng nói chung. Lãnh đạo thành phố mong muốn có ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này.

PGS.TS Đặng Văn Bài nêu quan điểm: Không thể phủ nhận những giá trị mà sông Hồng mang đến cho văn hóa Thủ đô, vậy nên Bộ NN&PTNT phải ra đề bài, Hà Nội sẽ giải quyết từng vấn đề để thuyết phục các cơ quan chức năng để sông Hồng phát triển. "Giờ không gì không làm được vì khoa học kỹ thuật cho phép, giờ chỉ cần đề bài của cơ quan chức năng là có thể xử lý", ông Bài nói.

Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đồng tình với đa số đề xuất phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô. Về 3 khía cạnh tập trung nguồn lực đầu tư là: Con người, tài chính, cơ sở hạ tầng, Hà Nội mới nhấn mạnh đầu tư hỗ trợ cho nghệ nhân nhưng trong văn hóa còn có văn nghệ sỹ... nhiều nghệ sĩ trước nay vẫn hay vào miền Nam lập nghiệp, nay cần có cơ chế ưu đãi, giữ chân họ. Về cơ sở vật chất, Hà Nội có nhiều di tích nhưng đừng lãng quên cơ sở vật chất cho thiết chế văn hóa mới. Ví dụ 1 loạt rạp chiếu phim: Dân chủ, Tháng 8, Kim Đồng... là những ký ức của Thủ đô cũng là những thiết chế văn hóa mới cần có cơ chế tập trung vào đó chứ không chỉ câu chuyện di tích.