Hà Nội bố trí 28 điểm hỗ trợ tiêu thụ hàng Tết Nguyên đán 2021

TPO - Sở Công Thương Hà Nội đã bố trí 28 điểm, gồm các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà văn hóa, công viên trên địa bàn thành phố để hỗ trợ các tỉnh, thành phố trên cả nước đưa hàng hóa về tiêu thụ tại Hà Nội dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Tại hội nghị giao ban của Thành uỷ- HĐND- UBND và các quận, huyện, thị xã diễn ra ngày 30/9, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, nhằm khắc phục những khó khăn của dịch COVID-19 gây ra, đồng thời hỗ trợ các tỉnh, thành phố tiêu thụ hàng hóa và kích cầu tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô năm 2020, lãnh đạo thành phố đã giao cho Sở Công Thương chủ trì, phối hợp bố trí 14 điểm bán hàng cố định hỗ trợ các tỉnh, thành phố trên cả nước đưa hàng hóa về tiêu thụ tại Hà Nội trong dịp cuối năm 2020 và Tết nguyên đán Tân Sửu 2021.

 Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan

Đến nay, trên cơ sở giới thiệu của Sở Xây dựng và các quận, huyện, thị xã, Sở Công Thương đã bố trí được gấp đôi số điểm mà thành phố yêu cầu, là 28 điểm, gồm các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà văn hóa, công viên trên địa bàn thành phố. Sở cũng đã gửi công văn thông báo nhận đăng ký tới Sở Công Thương của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến nay, 6 tỉnh đã có đăng ký đưa hàng về các điểm bán hàng này.

Hằng năm, Hà Nội thường hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức các tuần hàng hóa vào dịp Tết. Năm nay, ngoài việc hỗ trợ duy trì các hoạt động như năm trước, thành phố có thêm việc hỗ trợ các tỉnh, thành phố đưa hàng hóa về bán tại các điểm cố định nói trên. Bà Lan cho biết, đối với các điểm bán hàng đã có sẵn ki-ốt, khi tham gia, doanh nghiệp các tỉnh, thành phố đăng ký chỉ phải đóng tiền điện, nước cho đơn vị quản lý. Hiện nay, Sở Công Thương đang đề xuất thành phố hỗ trợ kinh phí lắp đặt các ki-ốt đối với những điểm bán hàng chưa có ki-ốt như công viên, nhà văn hóa.

 “Tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo thành phố là Hà Nội sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ hết sức cho các tỉnh, thành phố tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn”, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội nêu rõ.

 Được biết từ đề nghị của Hà Nội, vào ngày 9/10 tới, tỉnh Đồng Tháp sẽ triển khai “Tuần hàng cá tra và nông sản an toàn tỉnh Đồng Tháp” tại siêu thị BigC Thăng Long.

 Việc tổ chức các điểm bán hàng là một trong hàng loạt giải pháp đồng bộ, thống nhất được lãnh đạo thành phố chỉ đạo quyết liệt thời gian qua nhằm kích cầu tiêu dùng, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế.

 Đáng chú ý, Hà Nội đã thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn cung, đồng thời kiểm soát giá trong những đợt cao điểm, nhất là đợt giãn cách xã hội do dịch COVID-19. Thành phố đã thành lập các tổ nắm bắt thông tin thị trường hàng hóa, tổ điều phối hàng hóa; chủ động ký kết với các đơn vị phân phối để bảo đảm nhu cầu hàng hóa cho nhân dân; hỗ trợ cung cấp danh sách 2.156 địa điểm giúp các doanh nghiệp có thể mở thêm kho hàng dự trữ hàng hóa và bán lưu động khi cần thiết…  Hà Nội duy trì tốt hoạt động của hệ thống thương mại với quy mô lớn gồm 142 siêu thị, 27 trung tâm thương mại, 1.700 cửa hàng tiện lợi, 455 chợ 4 và 11.382 trang web, thương mại điện tử.

 Trước tác động tiêu cực của dịch COVID-19 làm ngưng trệ các hoạt động giao thương, đi lại, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng bộ thành phố, Hà Nội đã có nhiều sáng kiến nhằm kích cầu tiêu dùng, phục hồi phát triển kinh tế. Nổi bật là vào tháng 6 và tháng 7, vốn không phải thời điểm kích cầu tiêu dùng (thông thường là dịp cuối năm), nhưng Hà Nội đã tổ chức tháng khuyến mại với chủ đề “60 ngày vàng - rộn ràng mua sắm” có quy mô lớn, tạo hiệu ứng tích cực.

 Nhờ các giải pháp hiệu quả trên, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ 9 tháng qua của thành phố đạt 2,185 triệu tỷ đồng, tăng 7,5%, trong đó, thương mại đạt 1,753 triệu tỷ đồng, tăng 7,9%; dịch vụ đạt 389.000 tỷ đồng, tăng 9,8%. Doanh thu bán lẻ của thành phố cũng đã đạt 421.700 tỷ đồng, tăng 2,0%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng đầu năm ước tăng 3,3%.

 Trong 3 tháng còn lại của năm 2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo, các cấp, các ngành phải tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nhằm kích cầu tiêu dùng. Sở Công thương chủ trì phối hợp với Ngân hàng nhà nước và đơn vị liên quan rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về tiếp cận tín dụng, thuế, hải quan, thanh toán… Xây dựng và tổ chức hiệu quả các chương trình lớn về kích cầu tiêu dùng nội địa.