TS Kính cho hay, bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng được chuyển từ bệnh viện tỉnh lên. Bệnh nhân là chị là N.T.N (36 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội). Trước đó, ngày 23/6 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau tức hạ sườn và bị sốc. Các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân mắc SXH. Sau gần 1 tháng điều trị tích cực nhưng bệnh quá nặng nên rợi vào trạng thái hôn mê, rối loạn đông máu, não tổn thương không hồi phục, suy đa tạng. Bệnh viện đã cho bệnh nhân lọc máu liên tục nhưng vẫn không cứu vãn được, bệnh nhân tử vong chiều 7/8. Đây là ca tử vong thứ 6 do SXH tại Hà Nội.
Liên quan đến bệnh SXH, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Nếu có hàng xóm hoặc người sống trong cùng cụm dân cư bị SXH tức là nhà bạn đang nằm trong ổ dịch. Trạm y tế phường, xã sẽ tới từng nhà phun thuốc diệt muỗi cho cả khu”. Ông Phu khẳng định, thuốc phun diệt muỗi hiện nay được Bộ Y tế sử dụng để dập dịch sốt xuất huyết ở các cụm dân cư không gây độc đối với sức khỏe con người.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc trung tâm Y tế djw phòng Hà Nội cho biết, nhiều người dân nghĩ rằng gia đình đã từng phun hóa chất diệt muỗi cách đó một khoảng thời gian và khi vùng có dịch, nhân viên y tế tiếp tục tới phun thuốc nữa sẽ không cần thiết. Điều đó là quan niệm sai lầm. Bởi nếu chỉ một hộ gia đình phun thuốc, có ý thức diệt loăng quăng, bọ gậy nhưng xóm ngõ vẫn để nhiều phế thải đọng nước mưa, các hộ gia đình khác không có ý thức phòng bệnh thì đàn muỗi mang mầm bệnh vẫn bay từ nhà này qua nhà khác và truyền bệnh.