Ông Nguyên nói: Tôi nghe nói có ý kiến đưa ra trong Quốc hội về cái gọi là “Luật nhà văn”, cứ ngỡ chuyện bịa, sau mới biết là người ta có ý định nghiêm túc. Tôi bất ngờ.
Bất ngờ vì cuộc sống có nhiều điều nóng bỏng cấp thiết hơn đang cần xây dựng luật để điều chỉnh mà chưa xây dựng được, hà cớ gì lại đi làm Luật nhà văn? Hơn nữa, xây dựng Luật nhà văn để làm gì, điều chỉnh cái gì? Nếu làm Luật nhà văn thì đây là lần đầu tiên có chế tài cho một hạng người đặc biệt, hạng người nằm trong phạm trù sáng tác.
Theo tôi nhà văn là những công dân bình thường do vậy cũng phải chịu sự điều chỉnh của luật pháp. Nếu họ sáng tác văn học thì đã có luật xuất bản, luật bản quyền. Nếu xây dựng Luật nhà văn thì sẽ phải có luật nhà thơ, luật nhạc sỹ, luật hoạ sỹ... Nói chung cả 7 loại hình nghệ thuật đều sẽ phải có luật cả?!
Theo ông luật này nếu ra đời sẽ điều chỉnh những gì?
Tôi chưa biết luật này sẽ điều chỉnh cái gì. Chẳng lẽ lại quy định nhà văn không được viết tiểu thuyết dài quá 300 trang. Không được viết truyện dưới 10 câu, hay không được viết cái này cái nọ. Tôi nghĩ nhà văn không ai muốn có Luật nhà văn cả.
Điều nhà văn cần là không gian tự do sáng tạo, bởi văn chương là sản phẩm tinh thần sáng tạo.
Tôi cho rằng đưa một lĩnh vực sáng tạo mang dấu ấn cá nhân và tự do vào luật để điều chỉnh thực ra là hạn chế tự do của nhà văn. Bởi vì luật gồm những điều cấm và không cấm. Tôi không biết là luật này sẽ cấm và không cấm nhà văn những điều gì. Nhưng việc này đi ngược với tinh thần: Công dân được làm những gì luật pháp không cấm, mà càng hạn chế những điều cấm thì càng tốt.
Ông là Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, vậy mà cũng không hề biết việc đề xuất xây dựng Luật nhà văn sẽ được bàn ở Quốc hội? Theo ông, luật này có phải là nguyện vọng chung hay là ý kiến cá nhân?
Tôi nghĩ phải truy nguyên cho được luật này là sáng kiến của ai? Của tập thể Hội Nhà văn hay của một cá nhân nhân danh Hội. Nếu là của Hội thì đã bàn bạc và thống nhất trong thường vụ Hội chưa?
Luật phải theo kịp cuộc sống chứ không phải gọt chân cho vừa giày, càng không thể làm ra luật để bảo vệ một cá nhân nào đó.
Như vậy Luật nhà văn là một khái niệm lạ với ngay cả với nhà văn chứ chưa nói đại biểu Quốc hội?
Tôi nghĩ các đại biểu Quốc hội sẽ thiếu thông tin khi bàn thảo về một luật rất lạ và đặc thù như “Luật nhà văn”.
Một việc lớn như đặt vấn đề xây dựng “Luật nhà văn” trên diễn đàn Quốc hội mà Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà văn Việt Nam là anh, và gần như tất cả các hội viên đều không biết, mà chỉ do một ông nhà văn là đại biểu Quốc hội đề xuất, anh thấy thế nào?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Một đại biểu Quốc hội có thể có sáng kiến của mình. Tôi chưa biết nội dung cụ thể của luật này, nhưng tôi cho rằng không cần thiết phải có một luật gọi là Luật nhà văn, vì nhà văn cũng là công dân bình thường của xã hội, chịu sự điều chỉnh của những luật khác như công dân khác.