Grab và Baemin đồng loạt tăng giá cước, tài xế lo chuyển nghề

TPO - Tính đến 6/12, có 2 ứng dụng đặt xe công nghệ là Grab và Baemin thay đổi việc áp dụng mức thuế giá trị gia tăng (VAT) mới. Nhiều tài xế xe công nghệ lo ngại, giá cước tăng lên sẽ khiến người tiêu dùng quay lại dùng dịch vụ truyền thống nhiều hơn, thu nhập của họ vì thế cũng sụt giảm, thậm chí phải chuyển nghề.
Grab, Baemin đồng loạt tăng giá cước từ 5/12

Với  Grab, từ 11h ngày 5/12,  công ty này đồng loạt điều chỉnh giá cước tối thiểu của GrabCar tại Hà Nội từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu (tăng thêm 2.000 đồng), và tăng thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng) cho mỗi km tiếp theo. Tương tự, GrabCar 7 chỗ sẽ áp dụng mức tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2km đầu tiên và từ 10.000 đồng lên 11.000 đồng cho mỗi km tiếp theo.

Tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, giá cước tối thiểu của GrabCar cũng tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu tiên và tăng thêm 500 đồng cho mỗi km tiếp theo. Giá các dịch vụ GrabBike, GrabFood, GrabExpress cũng được điều chỉnh tăng.

Trong khi đó, ứng dụng gọi thức ăn của Hàn Quốc Baemin công bố tỉ lệ chiết khấu của tài xế áp dụng từ 20% lên 27,273% kể từ ngày 5/12.

Đại diện Grab cho biết, nguyên nhân của việc điều chỉnh giá lần này do ảnh hưởng từ quy định mới của nghị định 126/2020, thuế VAT tăng từ 3% lên 10% với xe công nghệ. Để đảm bảo mức thu nhập cho tài xế, nền tảng đặt xe này đã phải tăng giá cước cơ bản các dịch vụ.

Đại diện Grab cho rằng nếu chờ thông tư hướng dẫn sẽ lâu, cơ quan thuế sẽ tính VAT từ ngày 5/12 nên hãng phải điều chỉnh ngay để tránh bị truy thu thuế, nộp phạt.

Theo đó, tỉ lệ chiết khấu tài xế GrabCar phải nộp cho hãng cũng từ 28,375% tăng lên 32,841% (bao gồm phí ứng dụng + phí VAT + thuế thu nhập cá nhân) đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%, còn GrabBike tăng từ 20% lên 27,273%.

Một số ứng dụng gọi xe như Be, Gojek vẫn chưa thông báo tăng cước dù nghị định 126 có hiệu lực từ ngày 5/12. Đại diện BeGroup và Gojek cho biết đang chờ thông tư hướng dẫn cụ thể để có căn cứ chính xác thực hiện nghĩa vụ thuế và hỗ trợ tài xế.

Anh Hải (40 tuổi), một tài xế Grab Car ở Hà Nội lo lắng, chạy từ 6h sáng đến 11h trưa mới được 200.000 đồng, sau khi trừ chiết khấu 27,273%, xăng dầu... thì chẳng còn bao nhiêu. Đơn cử cuốc xe mới nhất anh chở khách cự ly 3km với giá 21.000 đồng. Thế nhưng trừ tiền phí ứng dụng, thuế cho cuốc xe này 5.455 đồng + 1.000 đồng phí nền tảng, tài xế nhận về chỉ 15.000 đồng.

Anh Hải bày tỏ lo lắng, với việc tăng giá cước này, khách hàng sẽ dè chừng, quay lại sử dụng dịch vụ xe taxi, xe ôm truyền thống nhiều hơn.

Trả lời PV Tiền Phong, đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, lâu nay, các tài xế xe ôm bị trừ thuế VAT 3% trên tổng doanh thu. Song, để đảm bảo công bằng giữa tất cả các hãng taxi, vận tải, xe công nghệ đã được coi là hoạt động kinh doanh có điều kiện, do đó, doanh nghiệp phải kê khai và nộp thuế VAT 10% trên tổng doanh thu thay cho tài xế, khấu trừ đầu ra đầu vào. Vị này cho rằng, việc Grab tăng giá cước phần nào muốn "đẩy quả bóng" chịu thuế cho tài xế. 

“Thay vì tách riêng tài xế đóng 3% thuế VAT trên doanh thu thực nhận và doanh nghiệp đóng 10% thuế VAT trên phần chiết khấu như trước, doanh nghiệp (Grab, Go-Jek...) sẽ có trách nhiệm kê khai và nộp 10% thuế VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán. Đây là phần thuế mà người dùng phải trả và doanh nghiệp chỉ là bên nộp hộ. Với quy định này, lái xe chỉ có trách nhiệm khai và nộp phần thuế thu nhập cá nhân 1,5%, nếu thu nhập vượt quá 100 triệu đồng/năm. Người nào ở dưới mức này sẽ được hoàn lại thuế”, đại diện Tổng cục Thuế cho biết.