Góp ý về cầu đường sắt gần cầu Long Biên

Cho rằng phương án xây cầu đường sắt cách cầu Long Biên - Hà Nội 75m chưa tối ưu, Hội KHKT Cầu đường Việt Nam vừa đề nghị của Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trước khi quyết định.
Hiện cầu Long Biên đang khai thác chung đường sắt và đường bộ

Trước đó, Thành ủy Hà Nội đã thống nhất phương án xây cầu đường sắt vượt sông Hồng cách cầu Long Biên 75 m về phía thượng lưu (Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1). Đây là phương án thứ 3 được đề xuất để vừa đảm bảo khai thác vừa đảm bảo giữ nguyên để bảo tồn cầu Long Biên lịch sử.

Hà Nội đưa ra lý giải cầu đường sắt vượt sông Hồng được đặt trong mối quan hệ với cây cầu Long Biên lịch sử, cũng như yêu cầu bảo tồn không gian khu phố cổ, phố cũ và có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô trong thời gian tới. TP Hà Nội sẽ thống nhất với các Bộ, ngành liên quan để trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đến vấn đề này, kiến nghị của Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam (KHKT) nêu lên 3 phương án xây dựng cầu đường sắt, trong đó phân tích: Phương án 1 -vị trí cầu mới nằm cách tim cầu Long Biên hiện tại 30m về phía thượng lưu - có những nhược điểm hạn chế về kiến trúc do nằm sát cầu Long Biên hiện nay, khối lượng giải phóng mặt bằng (GPMB) lớn nhất, khó tổ chức nút giao thông đầu cầu khi khôi phục cầu Long Biên.

Phương án 2 - do nằm cách tim cầu Long Biên 186m về phía thượng lưu, gần trùng với vị trí trong đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội tới năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên có khoảng cách xa cầu Long Biên nhất, ít ảnh hưởng về kiến trúc giữa hai cầu mới và cũ, ít GPMB trong khu phố cổ nhất (885 nhà với 66.729 m2). Phương án 3 - tim cầu cách cầu Long Biên 75m về phía thượng lưu. Đây là phương án mới đề xuất, chưa được xem xét kiến nghị trong các nghiên cứu trước đây. Phương án này chiếm dụng toàn bộ không gian trên phố cổ Hàng Đậu và một phần phố Phùng Hưng (814 nhà trên tổng số 58.461 m2).

Theo Hội KHKT Cầu đường Việt Nam, tổng hợp số lượng GPMB cho thấy, phương án 3 tuy có giảm hơn nhưng không đáng kể so với phương án 2, ở phương án 3 cũng chiếm dụng toàn bộ không gian trên phố cổ Hàng Đậu và một phần phố Phùng Hưng.

“Việc xây dựng hàng trụ tại tim đường với cầu cao khoảng 9-10m, sau này mặt cắt ngang phố Hàng Đậu sẽ bị thu hẹp đáng kể, kể cả khi đã cắt xén một phần vỉa hè cũng chỉ đủ bố trí hai dải lưu thông hai bên bề rộng mỗi dải tối đa 3,5-4m. Với mặt cắt ngang này khó đảm bảo lưu lượng xe lên cầu Long Biên hiện tại, sau khi được khôi phục, nâng cấp. Đồng thời việc chiếm dụng không gian phố Hàng Đậu là vi phạm chỉ giới khu phố cổ Hà Nội đã được quy định bảo vệ nghiêm ngặt là khó chấp nhận. Với khoảng cách tim cầu Long Biên chỉ có 75m, để bảo đảm tương quan kiến trúc, cảnh quan giữa hai cầu mới và cũ, cầu mới phải có sơ đồ và dạng kết cấu được lựa chọn phù hợp, tuân thủ những nguyên tắc thiết kế kiến trúc được quy định ngay từ đầu” - văn bản của Hội KHKT Cầu đường Việt Nam chỉ rõ.

Hội KHKT Cầu đường Việt Nam đề nghị Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội yêu cầu tư vấn nghiên cứu kỹ lưỡng hơn các vấn đề nêu trên, lập bảng so sánh tổng hợp với đầy đủ thông tin khách quan, chính xác để các cấp thẩm quyền và công luận có thể xem xét đầy đủ trước khi quyết định”, ông Đức cho biết.
Về cao độ cầu mới, theo Hội KHKT cầu đường Việt Nam cho rằng đều không đáp ứng yêu cầu thông thuyền của sông Hồng tại khu vực Đồng bằng Bắc bộ. Hội này kiến nghị Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội yêu cầu tư vấn và các cấp thẩm quyền đảm bảo tĩnh không thông thuyền tối thiểu 10m đối với tất cả các công trình cầu vĩnh cửu bắc qua sông Hồng.

Theo Châu Như Quỳnh

Theo Dân Trí