Ông Nguyễn Lê Phúc- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá cao sáng kiến của báo Tiền Phong trong việc phối hợp với Sở Du lịch Hải Phòng tổ chức Hội thảo Du lịch Hải Phòng- Cơ hội vàng bứt phá tại Flamingo Cát Bà Beach Resort; đánh giá cao sự chủ động của Sở Du lịch Hải Phòng thời gian qua trong việc chuẩn bị các điều kiện từ phát triển du lịch từ nội tỉnh, đến nội địa và sẵn sàng cùng cả nước mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch.
Theo ông Nguyễn Lê Phúc, hội thảo này là cần thiết nhằm cùng với các địa phương trên cả nước khởi động lại hoạt động du lịch ngay sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới cho phép mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa qua đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Tiềm năng để du lịch Hải Phòng bứt phá
Ông Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh, Hải Phòng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Là đầu mối giao thông quan trọng, là một trong những trung tâm du lịch biển lớn của khu vực miền Bắc và của cả nước; là vùng đất lâu đời với nhiều truyền thống văn hoá, lịch sử, lễ hội quan trọng cũng như tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú gắn liền với biển và tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch Hải Phòng được định hướng phát triển bền vững, trở thành một trong những trọng điểm du lịch quốc gia, mang đậm bản sắc và vùng đất con người Hải Phòng.
Trong những năm qua, Du lịch Hải Phòng đã được đầu tư về cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cũng như nguồn nhân lực du lịch. Trước thời điểm dịch bệnh, Hải Phòng đã phục vụ đón tiếp hơn 9 triệu lượt khách du lịch (2019).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, ngay cả thời điểm trước dịch bệnh, du lịch Hải Phòng vẫn tồn tại một số hạn chế như tốc độ phát triển hạ tầng du lịch chưa đáp ứng nhu cầu của khách; vấn đề môi trường du lịch chưa được xử lý dứt điểm nhất là vào dịp cao điểm khách du lịch nội địa; tình trạng quá tải điểm đến đã diễn ra gây bức xúc cho khách du lịch; các dịch vụ bổ trợ, dịch vụ vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, khu mua sắm đẳng cấp quốc tế, khu triển lãm, hội nghị...còn thiếu chưa đáp ứng điều kiện tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc tế.
Mặc dù có nhiều tiềm năng du lịch, lượng khách du lịch quốc tế đến Hải Phòng hạn chế, mới chỉ đạt gần 1 triệu lượt khách du lịch quốc tế (chiếm 1/18 lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam) năm 2019.
Những giải pháp trọng tâm phát triển du lịch Hải Phòng
Để triển khai tốt chủ trương mở cửa trở lại du lịch từ 15/3, Tổng cục Du lịch đề nghị ngành du lịch thành phố tập trung cho một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thu hút du khách gồm:
Thứ nhất, phát triển sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng hoá, khai thác lợi thế, tiềm năng của thành phố, kết nối với các tỉnh/thành liên kết, tạo ra các nhóm sản phẩm du lịch phục vụ cho nhiều đối tượng khách khác nhau; phát triển các sản phẩm du lịch mới và nâng chất các sản phẩm du lịch hiện tại: Tăng cường phát huy thế mạnh du lịch của Hải Phòng, khai thác kết nối tuyến điểm du lịch của Hải Phòng với các tỉnh khu vực miền Trung và đặc biệt kết nối với Hà Nội, Quảng Ninh và với các địa phương khác tạo nên hành lang du lịch an toàn nhằm kéo dài thời gian lưu trú của du khách và hình thành tua du lịch trọn gói.
Định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của Hải Phòng. Đầu tư phát triển các khu vui chơi, giải trí, các dịch vụ bổ trợ nhằm tăng khả năng chi tiêu và đa dạng hóa các hoạt động của khách du lịch khi đến Hải Phòng. Phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch MICE, du lịch golf, du lịch cộng đồng- sinh thái nông nghiệp, du lịch văn hóa- lịch sử, văn hóa nghệ thuật và ẩm thực trên cơ sở liên kết các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển và các điểm tham quan. Quan tâm phát triển một số mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực du lịch như kinh tế chia sẻ, kinh tế du lịch ban đêm..
Thứ hai, đầu tư cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch: Đẩy mạnh xúc tiến mở các đường bay từ cảng hàng không quốc tế Cát Bi nhằm tối ưu hóa hiệu suất sử dụng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi trong hoạt động du lịch. Tăng cường tổ chức các đoàn khảo sát cho doanh nghiệp lữ hành, báo chí quảng bá tuyến điểm du lịch Hải Phòng.
Thứ ba, tham mưu triển khai hiệu quả Đề án Du lịch thông minh nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch của Hải Phòng. Xây dựng nền tảng du lịch thông minh của thành phố và kết nối với hệ thống của Tổng cục Du lịch.
Thứ tư, tăng cường công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Hải Phòng cần đầu tư cho công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đặc biệt là nhân lực làm việc trong các khách sạn, lực lượng hướng dẫn viên, hướng dẫn viên tại điểm và các doanh nghiệp lữ hành nhằm nâng cao kỹ năng, ngoại ngữ và nghiệp vụ du lịch đạt chuẩn khu vực, quốc tế đáp ứng nhu cầu của du khách.
Thứ năm, tiếp tục thúc đẩy công tác hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố tháo gỡ khó khăn sau dịch COVID-19; tiếp tục nghiên cứu đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ duy trì hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp du lịch, phù hợp với quy định pháp luật.
Thứ sáu, tăng cường công tác phối hợp liên ngành. Tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên (không để xảy ra hiện tượng hướng dẫn viên sử dụng bằng cấp giấy tờ giả xin cấp thẻ hướng dẫn), lưu trú, khu tuyến điểm du lịch; phối hợp liên ngành xây dựng môi trường du lịch Hải Phòng an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc bày tỏ mong muốn Hải Phòng sẽ tận dụng thật tốt thời cơ này để phát triển du lịch theo hướng bền vững, khai thác lợi thế sẵn có của mình để phát triển hơn nữa tương xứng vị thế là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, góp phần đưa Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.