Tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (24/11/2021), Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo tổ chức Hội thảo Văn hóa Việt Nam 2022 với chủ đề Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội thảo vào ngày 17/12 tại tỉnh Bắc Ninh.
Hội thảo là diễn đàn để các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan, các nhà quản lý, nhà khoa học trong, ngoài nước tham gia báo cáo, thảo luận nhằm làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn; trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa theo chủ trương, đường lối của Đảng và tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đây cũng là sự kiện lớn hướng tới kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943-2023), được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam, phát trực tiếp trên các nền tảng Internet. Hội thảo gồm hai phiên (phiên chuyên đề và phiên toàn thể) với 3 nhóm nội dung chính: Thể chế, Chính sách và Nguồn lực phát triển văn hóa. Mỗi phiên đều có một báo cáo trung tâm, các tham luận và phần thảo luận của các diễn giả, chuyên gia.
“Ban Tổ chức Hội thảo Văn hóa Việt Nam 2022 hy vọng góp phần đẩy mạnh thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật cụ thể và triển khai các nguồn lực một cách thiết thực, hiệu quả để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, ông Nguyễn Đắc Vinh nói.
Trả lời Tiền Phong về những mục tiêu lớn nhất của Hội thảo Văn hóa Việt Nam 2022, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết sau quá trình thảo luận tại hội thảo, Ban Tổ chức mong muốn thống nhất được một số khung chính sách quan trọng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, phát triển văn hóa.
Chính vì thế, bên cạnh vai trò của Bộ VHTTDL, Ban Tổ chức huy động sự tham gia đóng góp ý kiến của đại diện các bộ có vai trò quan trọng liên quan tới thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển văn hóa như Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ban Tổ chức nhận được khoảng 100 bài tham luận từ các ban, bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Bên cạnh ý kiến trong nước, một số chuyên gia quốc tế có uy tín (Trung Quốc, Hàn Quốc) cũng chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn di sản, chính sách phát triển văn hóa.