Tỉnh Cà Mau có hơn 64.000ha rừng trải dài theo 254 km bờ biển từ Đông sang Tây mũi Cà Mau, làm nên vùng rừng ngập mặn quý giá của nước ta và cả thế giới. Trong đó có 24.000 ha rừng phòng hộ, 17.000 ha rừng đặc dụng, còn lại là rừng sản xuất. Gần 300 con người đang ở đó (thuộc các ban quản lý và hạt kiểm lâm), trên mép biển để giữ rừng. Có người gần trọn cả cuộc đời.
Ôtô bây giờ đã chạy tới trung tâm huyện Năm Căn. Từ đó, muốn đến với những người giữ rừng ngập mặn phải đi tiếp bằng ghe thuyền hay ca nô, gần thì vài chục cây số, xa dăm chục cây; bắt đầu đi vào giữa mênh mông sông nước với sình lầy và ngút ngát màu xanh của rừng.
Dữ dội và hùng tráng
Anh Thái Bá Cảnh, 47 tuổi, giữ rừng ngập mặn đã 22 năm, nay làm Tiểu khu trưởng Tiểu khu 123 ở xã Tân Ân (Ngọc Hiển), mạn Đông mũi Cà Mau. Tiểu khu có nghìn héc-ta rừng. Các anh có bốn người canh giữ, chia ra ở hai cái chòi chênh vênh nơi cửa sông Kiến Vàng và Vàm Lũng, cách nhau bốn cây số. Vàm Lũng chính là địa điểm tiếp nhận chuyến tàu không số đầu tiên chở 30 tấn vũ khí từ Hải Phòng vào cuối năm 1962.
Giữ rừng cắm chốt ở cửa sông bởi chặt phá rừng ngập mặn muốn đưa gỗ ra, phải đi thuyền hay bè qua những lối này. Khi nước ròng, để lên chòi canh phải leo bằng thang rất cao. Chòi nhỏ, cột gỗ, sàn gỗ mong manh, mái lợp nửa tôn xi măng nửa lá dừa nước.
Trong chòi dùng điện mặt trời, đủ xem truyền hình khoảng ba giờ buổi tối và thắp một bóng đèn bé suốt đêm. Nước khoan giếng ngầm, độ mặn năm phần nghìn, vừa đủ làm chết các loại cây trồng nước ngọt như lúa, khoai, rau. Ở đây, mùa mưa mới trồng được rau. Điện thoại di động chập chờn.
Nói chung là cô quạnh! Bởi dải rừng phòng hộ sát biển thuộc loại rất xung yếu, rộng ít nhất một cây số tính từ mé biển vào, được cắm mốc giới để bảo vệ nghiêm ngặt, cấm mọi tác động của con người. Không được khai thác bất cứ thứ gì ở đây, kể cả cành cây khô gãy. Đương nhiên không có dân cư, chỉ có những người giữ rừng, hai người một chòi, anh Cảnh và anh Lê Quốc Toàn sinh năm 1984.
Được cái thừa thãi nắng gió và sự hồn nhiên. “Gió ở đây khiếp lắm”, anh Cảnh cười toét mang tai giới thiệu. Khuôn mặt anh đen sạm, người gầy sắt như gỗ ngâm lâu ngày nước mặn, khi cười nhiều nếp nhăn rắn rỏi nom thấy trẻ trung.
Đội trưởng Đội bảo vệ rừng Kiến Vàng Nguyễn Việt Tiến (phải) và hai công an viên xã sát cánh giữ rừng
Trận gió kinh hoàng là cơn bão số 7, năm 1997, “rừng ngập mặn ở đây bị bẻ gãy sạch trơn”. Bây giờ nhìn rừng mênh mông xanh tốt, không thể hình dung cái quang cảnh “gãy sạch trơn”, anh Cảnh kể. Cũng khó tưởng tượng sự tái sinh vĩ đại của rừng ngập mặn, chủ yếu là đước và mắm, từ đổ nát vươn cao vút hàng chục mét thẳng tắp hiện nay, trong sóng biển gầm gào không ngừng nghỉ.
“Không có rừng thì không giữ được đất mũi Cà Mau”, lời anh Cảnh tan ra trong gió biển nghe mông lung. Nhưng khi theo anh ra mép rừng phía biển thì thấy ngay hình ảnh sinh động cụ thể của lời anh nói. Thật ghê gớm sự tàn phá của sóng biển và sự kiên cường kháng cự của rừng.
Có đoạn, sóng biển đánh sạt cả cánh rừng lớn, bẻ gốc cây cổ thụ tứa ra xơ xác, đưa cát từ đâu đùn lên những thành bãi giữa sình lầy, thì liền đó, lớp lớp rừng mắm và đước vẫn hiên ngang vẫy lá trong nắng gió, cùng bùn lầy vững vàng lấn biển.
Thiên nhiên tàn phá và thiên nhiên sinh tồn ở đây, dữ dội và mãnh liệt. Không ngừng nghỉ xói lở, tàn phá và không ngừng nghỉ bồi đắp, sinh tồn. Sóng đánh liên hồi và phù sa cùng cây rừng cũng liên hồi sinh nở để chống lại.
Khi anh Cảnh ngừng cười, tự giới thiệu thì hóa ra quê anh ở tận xã Giang Sơn (Đô Lương, Nghệ An). Chẳng thể hiểu được bước đường phiêu dạt của chàng trai sinh ra nơi xa vạn dặm về đây giữ rừng, như không hiểu được hạt phù sa nuôi rừng ở đây xuất phát từ mênh mông đâu đó thượng nguồn sông Mê Công và trôi nổi theo dòng hải lưu như thế nào.
Chỉ biết, về Cà Mau giữ rừng, lấy vợ sinh con, nay vợ đưa con về Bình Dương cho con tiện học hành thì anh Cảnh vẫn ở mép biển này giữ rừng. Anh kể, lo nhất khi ốm đau. Cửa sông ở đây có một đoạn sóng biển hất cát lên kết hợp với phù sa trên sông dồn xuống nên cạn, khi nước ròng, lỡ ốm đau phải cõng nhau lội sình mấy cây số, vượt qua đoạn đó mới tới nơi vỏ lãi chạy được.
Trưởng tiểu khu Thái Bá Cảnh (trái) và Lê Quốc Toàn ở chốt giữ rừng tại cửa sông Kiến Vàng
Không riêng anh Cảnh mà có nhiều người giữ rừng như Phó ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng, ông Lê Văn Thực, quê ở xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), 58 tuổi, gần trọn đời giữ rừng.
Ở Ban quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng, Trưởng ban Huỳnh Văn Xê 49 tuổi, quê ở huyện Đầm Dơi; Trưởng phòng Tổ chức Hành chính Lê Việt Hùng 55 tuổi, quê ở TP Cà Mau, gắn bó với nghiệp giữ rừng “vài tuần mới về nhà một lần”. Mũi Cà Mau được bồi đắp bởi phù sa sông Mê Công hùng vĩ, tồn tại nhờ rừng ngập mặn sinh lực dồi dào, mà giữ rừng là bao lớp người của cả nước.
Ai còn về với rừng?
Dải rừng ngập mặn do Ban quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng quản lý dài theo bờ biển cỡ bốn chục cây số, trong đó riêng xã Tân Ân đã gần nửa. Rừng ngập mặn phòng hộ bờ biển có ba lớp, ngoài cùng là rừng phòng hộ rất xung yếu, tiếp đến rừng phòng hộ xung yếu và trong cùng là rừng sản xuất, làm thành áo giáp kỳ vĩ bảo vệ mũi Cà Mau, còn với cả Trái đất thì được ví von hình ảnh “lá phổi xanh”.
Lớp rừng phòng hộ rất xung yếu trực tiếp đương đầu với sóng gió biển cả, được duy trì toàn vẹn trạng thái tự nhiên để chống lại sự tàn phá của tự nhiên; nếu chỗ nào có bị sóng biển đánh xói lở vào quá sâu thì phải cắm lại mốc giới, để đảm bảo luôn đủ độ rộng tái sinh.
Rừng phòng hộ xung yếu cấm khai thác gỗ, được khai thác hải sản dưới tán rừng; rừng sản xuất giao khoán cho hộ gia đình, đến kỳ khai thác bao nhiêu trồng lại bấy nhiêu.
“Không có rừng thì không giữ được đất mũi Cà Mau”.
Anh Cảnh
Xã Tân Ân có 1.097 hộ, tỷ lệ hộ nghèo mấy năm trước đến 23%, nay còn 19%. “Nói chung, cuộc sống người dân ở rừng là nghèo, ở rừng ngập mặn càng nghèo vì cơ sở hạ tầng kỹ thuật yếu kém, rất khó vươn lên thoát nghèo”, lãnh đạo xã Tân Ân bày tỏ.
Tân Ân có khoảng một phần ba số hộ nuôi trồng thuỷ sản, kinh doanh và mua bán nhỏ, còn lại cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng. Người nghèo sống dựa vào rừng là một áp lực rất lớn đè lên những cánh rừng, sức tàn phá còn khủng khiếp hơn sóng biển từ đại dương.
Giữa lực lượng giữ rừng với dân nghèo vì vậy tồn tại “cuộc chiến” chưa có hồi kết. Đội trưởng Đội bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng, ông Nguyễn Việt Tiến kể, dạo gần tết năm ngoái, dân xã Tân Ân đã bắt nhốt một cán bộ ở Tiểu khu 120 và một sỹ quan bộ đội biên phòng.
Nguyên do, người dân chặt phá rừng bị tịch thu gỗ và phương tiện, liền tổ chức uống rượu rồi “phản công” cướp gỗ, phương tiện, bắt luôn người. Đội bảo vệ của ông Tiến nhờ trợ giúp của công an xã và huyện, mới giải vây cứu được hai cán bộ. Sau vụ đó, năm người chủ mưu phá rừng, bắt người bị phạt hành chính.
Công việc vất vả và nguy hiểm nhưng lương của người giữ rừng lại rất thấp, theo ngạch bậc hành chính, không có thâm niên phụ cấp gì cả. Người gần trọn đời giữ rừng như ông Thực, lương một tháng 5,7 triệu đồng, còn hợp đồng một tháng chỉ được 1,5 triệu. Từ tháng 4/2013, lực lượng giữ rừng ở các xã đặc biệt khó khăn, gọi là xã bãi ngang, được hỗ trợ thêm 70% lương, còn ở nơi khác vẫn như cũ, không có bất cứ khoản tiền nào ngoài đồng lương.
Lực lượng giữ rừng phòng hộ ven biển mấy năm nay luôn thiếu người. “Nhu cầu tuyển dụng nhiều nhưng hồ sơ nộp vào rất ít”, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng than thở.
Cà Mau đã hạ tiêu chuẩn tuyển người bảo vệ rừng, từ phải có nghiệp vụ kiểm lâm xuống chỉ cần tốt nghiệp THPT, sau đó mới đưa đi đào tạo nhưng vẫn không tuyển đủ.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng, năm 2012 tuyển được bốn người thì sau đó hai người bỏ việc; năm 2013 tuyển được ba người, đến nay vẫn hợp đồng. Vì thiếu người, lẽ ra phải tổ chức 16 tiểu khu để bảo vệ gần 10.000 ha rừng phòng hộ, Kiến Vàng chỉ tổ chức được 9 tiểu khu và liên tiểu khu.
Đem những băn khoăn nan giải ở rừng ngập mặn về Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, nghe Phó giám đốc Trần Văn Thức bày tỏ còn não nề hơn. Ông Thức cho biết, đã kiến nghị với Bộ NN&PTNT nhiều lần nhưng chưa có kết quả.
Rốt cục, nỗi băn khoăn ai còn về với rừng ngập mặn mũi Cà Mau và cả đồng bằng sông Cửu Long, vẫn day dứt!
Trưởng tiểu khu 123 Thái Bá Cảnh, trước đây có chín năm làm Đội trưởng Đội bảo vệ của Ban quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng. Anh kể lại hai vụ bị đánh “sứt đầu mẻ trán”. Năm 2004, các anh thu giữ gỗ rừng bị chặt phá ở xã Tân Ân Tây, nửa đêm “lâm tặc” rất đông ập đến lấy gỗ, đánh đội bảo vệ phải bỏ chạy. Anh Cảnh và hai đội viên bị đánh thương tích nặng. Sau đó, điều tra bắt được một “lâm tặc” xử hai năm tù treo. Đến năm 2006, sự việc tương tự xảy ra, anh Cảnh và mấy đội viên bị thương nặng vào đầu nhưng điều tra không ra tội phạm. Cả hai lần, chiếc máy chạy vỏ lãi của đội bảo vệ bị đập nát.