Còn hơn 1 tuần nữa là tới Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 nhưng cho tới thời điểm hiện tại chị Vũ Ngọc Phương (Đống Đa, Hà Nội) đã sắm gần đủ đồ cho Tết này. Chị cho biết, trong thực đơn năm nay, để mâm cơm ngày lễ bớt nhàm chán, chị đã đặt trước 5 con gà ri đặc sản Hoà Bình thay cho các giống gà bình thường mọi năm vẫn mua.
“Loại gà này có nguồn gốc từ Lạc Sơn, Hoà Bình và được nuôi hoàn toàn theo phương pháp truyền thống, sống chung và lai tạo với bầy gà rừng địa phương, uống nước sông đầu nguồn, tự kiếm ăn nên vị ngon. Loại gà này có trọng lượng chỉ khoảng 1,3kg/con phù hợp để bày lễ cúng trong khi giá bán cũng không quá cao”, chị Phương cho hay.
Tương tự như chị Phương, anh Đinh Văn Long (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đặt trước cả tháng giống gà 9 cựa để mang biếu Tết người thân hai bên nội ngoại. Theo anh Long, sở dĩ anh chọn gà 9 cựa mang biếu bởi loại gà này có nguồn gốc từ xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ và còn được biết tới là sản vật tiến vua.
“Nếu đã ăn thử thì sẽ thấy loại gà này có thịt rất ngon, đậm đà và phù hợp làm quà biếu Tết sang trọng. Trên thị trường, để tìm mua được loại gà 9 cựa chuẩn cũng không phải dễ dàng, dân sành ăn nhiều khi phải đặt trước cả tháng trời mới mua được”, anh Long nói.
Theo anh Nguyễn Minh Tuệ, chủ một cửa hàng gà đặc sản chuyên về các dòng gà tiến vua như: Gà ri, gà Hồ, gà 9 cựa, gà Đông Tảo… ở Đình Thôn (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm), từ lâu nay người tiêu dùng vẫn quen với một số loại gà tiến vua như gà Đông Tảo, gà chọi, gà 9 cựa, gà ri thuần chủng hay gà Hồ. Tuy nhiên, có một điểm khá khác biệt là năm nay, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn gà ri và gà 9 cựa trong dịp Tết nhiều hơn so với các loại còn lại.
“Gà Đông Tảo năm nay gần như bão hoà bởi ngoài Hưng Yên ra còn rất nhiều nơi nuôi thành công giống gà này. Gà Hồ hay gà chọi thì ít được sử dụng làm thực phẩm. Trong khi đó, các giống gà như gà ri hay gà 9 cựa thì có vị rất thơm ngon, giá cả cũng vừa phải, khoảng 140 - 170 nghìn đồng/kg với gà ri và 300 nghìn đồng/kg với gà 9 cựa nên tiêu thụ rất tốt, thậm chí còn có hiện tượng “cháy" hàng”, anh Tuệ cho biết.
Do nhu cầu gia tăng nên vài năm trở lại đây, các giống gà đặc sản được bán rất phổ biến trên thị trường. Đặc biệt vào dịp Tết, nhu cầu mua các giống gà này để mang biếu Tết và dùng làm thực phẩm lại càng tăng. Tuy nhiên, khách hàng càng ngày càng khó tính, luôn nghi ngờ về chất lượng nguồn nhập, đòi hỏi phải được sờ tận tay, nhìn tận mắt khi chế biến, giá cả phải chăng và cần thì phải có ngay.
Gà ri tự nhiên trọng lượng khoảng 1.3 kg/con thắp hương nhỏ nhắn, rất đẹp khi bày lễ cúng. Giá bán trên thị trường của loại gà này vào khoảng 144k – 171k/kg gà hơi.
“Do đó, để giữ chân người tiêu dùng, người nuôi phải đảm bảo chọn con giống chuẩn, nuôi theo đúng quy trình chăn thả 6 tháng, không sử dụng cám công nghiệp để đảm bảo thịt dai, thơm ngon”, anh Tuệ nói. Hiện tại mỗi ngày tại cửa hàng của anh bán được hàng tạ gà 9 cựa, số lượng gà ri bán ra còn gấp 3-4 lần số lượng gà 9 cựa trên tổng số gần 7.000 con gà chín cựa và gà ri được chuẩn bị để phục vụ nhu cầu của người dân mua về ăn trong dịp Tết Nguyên đán này.
Theo chia sẻ của một hộ chăn nuôi gà tại Lạc Sơn (Hoà Bình), nếu đảm bảo chất lượng gà ổn định thì những người nuôi thậm chí còn không phải lo tới đầu ra sản phẩm. Công việc này cũng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ chăn nuôi.
“Năm nào cũng vậy, lứa gà Tết nào cũng được các cửa hàng ở Hà Nội nhận bao tiêu hết đàn gà thành phẩm, dân buôn thậm chí còn tranh nhau mua. Một lứa gà nuôi thành công, trừ hết chi phí thì lãi được cả trăm triệu đồng”, chị Bằng cho biết.
Giám đốc một công ty giống gà đặc sản tại Hà Nội cũng cho hay, người Việt thường ưa thích gà tươi, đặc biệt là giống gà ta có thịt thơm ngon, dai chắc. Đây cũng là điểm khiến những người chăn nuôi loại gà đặc sản theo phương pháp thả vườn dễ dàng chiếm lĩnh thị trường và không lo bị “ế”.
“Tôi ít chứng kiến hộ nuôi gà đặc sản nào phải chịu lỗ cả, thậm chí trong thời điểm giá gà thấp nhất thì họ vẫn bán được hàng và có lãi”, vị này cho hay.