Giới trẻ Trung Quốc không ngại chi mạnh cho đám cưới độc lạ

Từ yêu cầu khách mời trong hôn lễ quét mã QR để chơi game tương tác đến chi tiền bay tới Nam Cực chụp ảnh cưới, nhiều người trẻ Trung Quốc muốn dịp trọng đại phải thật đáng nhớ.

Chơi game trên WeChat, bài trí hôn lễ theo chủ đề phim kinh dị hay ra nước ngoài chụp ảnh cưới, Millennials (hay Gen Y, những người sinh từ năm 1981-1996) và Gen Z (những người sinh từ năm 1997 trở đi) ở Trung Quốc không tiếc tiền bạc để có những trải nghiệm không thể quên trong dịp trọng đại của mình. Họ hãnh diện khoe tất cả trên mạng xã hội.

Dành hơn 2 năm lắng nghe mong muốn về “đám cưới trong mơ” của thế hệ trẻ ở đất nước tỷ dân để làm phim tài liệu, đạo diễn người Australia gốc Trung Quốc Olivia Martin-McGuire rút ra kết luận: Việc tổ chức đám cưới độc, lạ là tất cả đối với các cặp vợ chồng Trung Quốc hiện đại.

“Những bức ảnh cưới không chỉ là cơ hội cho giới trẻ thể hiện tình yêu, mà còn cho thấy sự sáng tạo của họ. Tôi từng trò chuyện với đôi uyên ương thuộc thế hệ Z ở Bắc Kinh tổ chức đám cưới lấy cảm hứng từ phim kinh dị. Toàn bộ sự kiện là cách giúp họ bộc lộ bản thân và thỏa sức sáng tạo”, Martin-McGuire nói.

Đám cưới thời 4.0

Thế hệ Y, Z ở Trung Quốc muốn đám cưới của mình được tổ chức theo cách độc đáo và có điểm nhấn. Ảnh: SCMP.

Không còn đặt nặng chuyện cưới xin theo phong tục truyền thống hay chuẩn mực xã hội, Millennials và Gen Z đang “thay đổi cuộc chơi” nhờ hiểu biết về mạng xã hội.

Trong đám cưới của họ, kỹ thuật số là yếu tố quan trọng. Dù WeChat và game thường được nói đến hơn trong lĩnh vực bán lẻ, người trẻ ở đất nước tỷ dân đang đưa các ứng dụng này vào ngày vui của mình.

Với màn hình lớn được lắp đặt ở phía trước phòng khiêu vũ, khách dự tiệc cưới được yêu cầu quét mã QR để chơi nhiều game tương tác khác nhau, ví dụ lắc điện thoại để tham gia cuộc đua hay trả lời các câu hỏi vui về cô dâu - chú rể. Không chỉ “vui chơi có thưởng”, khách mời còn được hòa vào không khí vui nhộn ở đó.

Chơi game là một cách để thúc đẩy sự tương tác lớn hơn từ khách mời trong tiệc cưới. Ảnh: SCMP.

“Chơi game là một cách để thúc đẩy sự tương tác lớn hơn từ khách mời. Lưu trữ trò chơi trên WeChat và trao giải thưởng mang tới những khoảnh khắc thú vị và đáng nhớ”, Neil Li, quản lý một khách sạn sang trọng ở Thượng Hải, nói.

Dựa vào nhu cầu của Millennials, Li cho rằng sự “độc đáo” thật sự có ý nghĩa với thế hệ này.

“Ngày nay, khách mời nào cũng muốn tham dự đám cưới ‘có một không hai’. Thế hệ Y có cái nhìn mới mẻ hơn khi thay vì lựa chọn theo gợi ý của đơn vị tổ chức, họ không ngại vung tiền để có những thiết kế xa hoa, riêng biệt cho ‘lễ cưới trong mơ’ của mình”, Neil Li nói.

Váy cưới sang chảnh, địa điểm chụp ảnh nổi tiếng

Jerri Ng, người đứng đầu mảng thời trang và làm đẹp tại công ty truyền thông lớn ở Thượng Hải, cho biết các thương hiệu váy cưới quốc tế vẫn là lựa chọn hàng đầu của cô dâu thuộc thế hệ Y tại các thành phố lớn.

“Ngoài bữa tiệc có sự góp mặt của khách mời lớn tuổi, cô dâu - chú rể ngày nay còn mở tiệc riêng cho những người trẻ còn độc thân tham dự. Bên cạnh đó, ý tưởng về ‘đám cưới cổ tích’ vẫn còn. Sự cổ điển và chất lượng của các thương hiệu cao cấp vẫn ‘được lòng’ cô dâu thế hệ mới”, Jerri Ng nhận định.

Đối với Gen Z Trung Quốc, chụp ảnh cưới trong các studio với phông nền cũ kỹ và đạo cụ rẻ tiền đã là chuyện của các thế hệ trước.

Chụp ảnh cưới trong các studio với phông nền cũ kỹ và đạo cụ rẻ tiền đã là chuyện của các thế hệ trước. Ảnh: AP.

Giờ đây, lấy cảm hứng từ đám cưới của sao Cbiz, các bạn trẻ Gen Z có tiền của đầu tư bay tới nhiều địa danh trên thế giới, thậm chí đến Nam Cực, với mục đích duy nhất là chụp ảnh và khoe lên mạng xã hội.

Quốc đảo Maldives rất nổi tiếng trong phân khúc này. Một ví dụ về xu hướng “đám cưới trên đảo” là lễ kết hôn của nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng nhất Trung Quốc Lang Lang và vợ Gina Alice Redlinger. Vào năm ngoái, hai người đã tổ chức tuần trăng mật lãng mạn tại đảo Conrad Maldives Rangali.

Theo Theo Zing