Hồ Gươm, dấu tích của một khúc sông Nhị Hà xưa, là thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội. Trong thời kỳ thuộc địa, người Pháp thực hiện ý tưởng biến Hà Nội thành một thành phố kiểu Âu với việc chọn hồ Gươm làm trung tâm và điểm xuất phát cho kế hoạch này. Họ đề ra kế hoạch xây dựng những khu phố mới ở phía đông nam hồ Gươm theo lối kiến trúc Pháp. Đây chính là khu phố tây với lối kiến trúc khác hẳn với khu buôn bán cũ, là khu phố ta ở phía bắc.
Như vậy, hồ Gươm chính là cầu nối giữa khu phố tây và phố ta. Cùng với những nếp quen cũ, những tập quán sinh hoạt truyền thống của người Hà Nội, diện mạo mới của một đô thị phương Tây khiến cho lối sống của người dân có nhiều mới mẻ. Sự cộng hưởng đó đã tạo nên một dấu ấn rất riêng cho hồ Gươm và phố cổ ngày nay. Cách đây gần 10 năm (ngày 9/12/2013), hồ Gươm và đền Ngọc Sơn được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Theo thời gian, từ hồ Gươm, thành phố được mở rộng, lan tỏa dần ra các khu vực xung quanh. Đường phố Hà Nội được chỉnh trang, các di tích được chọn lọc bảo tồn, nhiều công trình văn hóa, trụ sở hành chính mới mọc lên. Thủ đô Hà Nội đã thay tấm áo mới hiện đại hơn, nhưng vẫn không kém phần cổ kính.
Hơn 100 tài liệu, tư liệu, hình ảnh, bản vẽ thiết kế, bản đồ quy hoạch được giới thiệu tại Triển lãm “Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây” là một phần trong số rất nhiều tài liệu, tư liệu về Hà Nội xưa hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. Triển lãm được bố cục với 3 chủ đề chính: Quá trình thay đổi diện mạo Hồ Gươm; Bảo tồn không gian văn hóa lịch sử Hồ Gươm; Hồ Gươm - Trung tâm dịch vụ và văn hóa giải trí.
Với Triển lãm này, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phổ cổ Hà Nội cùng Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I sẽ mang tới cho công chúng những hồi ức đẹp về hồ Gươm và Hà Nội xưa.
Triển lãm “Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây” diễn ra từ ngày 6-31/10/2023 tại sảnh tầng 1 Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm (số 2 phố Lê Thái Tổ, Hà Nội) và không gian đi bộ đường Lê Thái Tổ (đoạn đối diện đền Vua Lê).