Trên sông Hậu, tuyến đường thủy quốc gia đón tàu từ biển vào, Cảng vụ Cần Thơ cho biết, trong bảy tháng đầu năm 2009, xảy ra 22 vụ tai nạn. Trong đó, năm vụ tàu biển vướng lưới đáy cá, 15 vụ tàu biển va chạm tàu thuyền trong và ngoài khu vực cảng, một vụ tàu biển nước ngoài va chạm tàu đánh cá, một vụ xà lan tàu kéo nước ngoài va chạm nhau.
Tàu thuyền chở khách, chở người, khi bị tai nạn thường có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhiều vụ chấn động dư luận. Chẳng hạn, vụ chìm đò ngang ở Quảng Hải (Quảng Bình) cận Tết Nguyên Đán 2009, làm chết 42 người.
Vụ chìm đò đưa rước học sinh ở Ngọc Tố (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) ngày 21/1/2008, làm chết sáu người (năm học sinh và vợ chủ đò). Vụ tàu đánh cá Diễm Tín (Cà Mau) chở khách du lịch ra đảo Hòn Khoai, ngày 30/4/2004, bị chìm trên biển, làm chết 39 người.
Ở Cà Mau có 99.379 tàu, thuyền, đi lại nội địa. Trong đó, mới có 22.781 chiếc đăng ký, đăng kiểm (gần 23 phần trăm). Về người điều khiển tàu, thuyền, PGĐ Công an Cà Mau Nguyễn Văn Tươi, cho biết: “Số người có bằng, chứng chỉ chuyên môn chiếm số lượng ít”.
Là vùng sông nước, vận tải hành khách đường thủy ở Cà Mau chiếm đến 80 phần trăm hành khách đi lại trong tỉnh, với khoảng 100 tuyến đường thủy gần xa.
Ngoài tàu, thuyền, ca nô, thiết kế chở người, còn có nhiều chiếc thiết kế để đánh cá, chở hàng nhưng cũng được dùng chở người. Có thể hình dung, giao thông đường thủy nói chung và đường thủy chở khách nói riêng, ở Cà Mau không an toàn.
Thực trạng ở Cà Mau cũng là chung của cả vùng ĐBSCL.Trên các tuyến đường thủy quốc gia, PGĐ Cảng vụ Cần Thơ Võ Minh Tiến, cho biết: “Tài công của ta chưa hiểu hết các tín hiệu đường thủy và tín hiệu của tàu; không nắm được luật đường thủy, nên khó tránh tai nạn, dù đơn giản”.
Ủy ban An toàn Quốc gia thống kê ở 42 tỉnh, thành, trong 2.531 bến khách sang sông, chỉ 1.481 bến có giấy phép hoạt động (58 phần trăm). Phương tiện chở khách sang sông có 3.311 chiếc, chỉ 1.977 chiếc đăng ký, đăng kiểm (gần 60 phần trăm). 4.075 người làm nghề chở khách, chỉ 2.393 người có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn (gần 59 phần trăm).
Trên sông, tàu thuyền nhiều nơi đông đúc như xe cộ trên đường bộ. Nhưng điều kiện đảm bảo an toàn kém hơn, người cầm lái ít được đào tạo hơn, thói quen tùy tiện nhiều hơn, nên giao thông thủy đang lộn xộn và nhiều hiểm họa.
Thống kê trên cả nước của Cục Cảnh sát Giao thông đường thủy, từ năm 2005 đến tháng 6/2009, xảy ra 1.025 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 793 người, bị thương 111 người.
Trong đó, tai nạn xảy ra đối với phương tiện chở người, chở khách ngang sông, dọc sông, 170 vụ, làm chết 405 người, bị thương 25 người.