Giáo hoàng Francis đưa ra nhận xét trên trong một cuộc phỏng vấn được đài truyền hình RSI của Thụy Sĩ thực hiện và ghi hình vào tháng trước. Chương trình dự kiến sẽ phát sóng ngày 20/3. Ông được hỏi về quan điểm đối với cuộc tranh luận rằng Ukraine nên lùi bước vì không thể đẩy lùi Nga, hay không nên lùi bước vì như vậy sẽ hợp pháp hoá hành động của bên mạnh hơn.
“Đó là một cách nghĩ. Nhưng tôi cho rằng người mạnh nhất là người có thể nhìn vào tình hình, nghĩ đến người dân và có lòng dũng cảm cầm cờ trắng, rồi đàm phán”, Giáo hoàng nói và cho biết thêm rằng các cuộc đàm phán nên diễn ra với sự giúp đỡ của các cường quốc.
“Từ ‘thương lượng’ là một từ can đảm. Khi bạn thấy rằng mọi việc không diễn ra tốt đẹp, bạn phải có can đảm để thương lượng. Thương lượng không phải là đầu hàng, mà là can đảm để không dẫn quốc gia của mình đến chỗ nguy hiểm”.
“Họ có thể cảm thấy xấu hổ. Nhưng một cuộc xung đột sẽ kết thúc với bao nhiêu thương vong? Họ nên đàm phán kịp thời, tìm một quốc gia có thể làm trung gian hòa giải”, Giáo hoàng Francis nói và đề cập đến Thổ Nhĩ Kỳ như một ứng viên tiềm năng.
Năm ngoái, Giáo hoàng đã cử một đặc phái viên hòa bình đến Ukraine, Nga và Mỹ để đối thoại.
Đây được cho là lần đầu tiên Giáo hoàng Francis sử dụng cụm từ “cờ trắng” khi thảo luận về cuộc chiến Ukraine, mặc dù trước đây ông đã từng nói về sự cần thiết phải đàm phán.
“Đừng xấu hổ khi đàm phán, trước khi mọi việc trở nên tồi tệ hơn”, Giáo hoàng nói. Khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng tham gia hòa giải hay không, Giáo hoàng trả lời: "Tôi ở đây".
Ở một phần khác của cuộc phỏng vấn, khi nói về cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, Giáo hoàng nhấn mạnh: “Thương lượng không bao giờ là đầu hàng”.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Vatican - Matteo Bruni cho biết Giáo hoàng sử dụng từ “cờ trắng” vì đây là từ mà người phỏng vấn đặt ra, và Giáo hoàng dùng nó “để biểu thị sự chấm dứt thù địch và một thỏa thuận ngừng bắn đạt được nhờ sự can đảm của các cuộc đàm phán”.
Phía Ukraine hiện chưa đưa ra bình luận về những tuyên bố này.