Giáo dục nặng thi cử, làm sao hóa giải?

TP - Dạy và học vẫn còn tình trạng chạy theo thành tích, nặng thi cử, chưa chú trọng dạy làm người cho học sinh. Các chuyên gia cho rằng, Dự thảo Luật giáo dục sửa đổi, bổ sung lần này vẫn chưa giải quyết căn cơ được gốc rễ của vấn đề nêu trên.
Học sinh trao đổi bài thi môn Toán sau khi dự thi lên lớp 10 tại trường THPT Kim Liên ngày 7/6/2018. Ảnh: Như Ý.

Giáo dục nặng thi cử

GS.TS Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện khoa học giáo dục Việt Nam từng cho rằng, có một điều quan trọng nhưng chưa được đem vào sửa đổi, bổ sung trong Luật giáo dục đó là bản chất của nền giáo dục nước ta lâu này là giáo dục ứng thí. Bất cứ sự đổi mới nào cũng vấp phải “hòn đá tảng” thi cử. Đến nay, Bộ GD&ĐT vẫn loay hoay theo thi cử. GS Kiều cho rằng, nên cân nhắc về mục tiêu chú trọng phát triển nhân cách cho trẻ. Sách giáo khoa mới phải có yêu cầu cụ thể hóa về phẩm chất, năng lực của học sinh.

Lý giải điều này, GS Trần Kiều cho rằng Nghị quyết 29 của Đảng nêu mục tiêu một nền giáo dục nước nhà thực học, thực nghiệp và mở. Tuy nhiên, lâu nay cả người dạy lẫn người học cứ có mục tiêu duy nhất là làm sao vượt qua các kỳ thi. Đây là một thách thức rất lớn cho nền giáo dục chúng ta.

“Tôi nghĩ rằng, đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã rất quan tâm đến giải pháp nhưng chưa nghĩ ra được giải pháp cụ thể nào để giải quyết thấu đáo, từ đó đưa hẳn vào luật. Do đó trong dự thảo chưa có vấn đề này”, ông Kiều nói.

Cũng theo ông Kiều, giáo dục vẫn tồn tại các vấn đề nóng, đặc biệt chuyện đạo đức học sinh xuống cấp là kết quả của quá trình chú trọng dạy chữ vì mục đích thi cử. Nếu nói, dạy chữ không chú trọng dạy làm người là không đúng vì dạy chữ chính là dạy làm người. Học để có kiến thức, có suy nghĩ, nhìn nhận thấu đáo các vấn đề trong xã hội. Nhưng điều đáng nói, lâu nay cả người dạy và người học thường chỉ tập trung cho mục đích thi cử mà không cố gắng để hình thành thái độ, phẩm chất, hành vi tốt.

Trong khi đó, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) đánh giá khá tốt các vấn đề được sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật lần này. Tuy nhiên, ông Vinh cũng cho rằng nên sửa lại toàn bộ, căn cơ hơn vì trong lần sửa đổi này vẫn tồn tại các vấn đề luẩn quẩn trong giáo dục ĐH.

TS Vinh cho rằng, các vấn đề nóng dư luận xã hội quan tâm như mục tiêu, quyền lợi, trách nhiệm của học sinh đều được quy định trong luật. Tuy nhiên, có một vấn đề chưa được quy định rõ, đó là giáo dục giá trị sống. Giá trị sống ở đây là gì, là dạy cho học sinh biết trung thực, có lễ phép thì trong luật chưa đưa vào”, ông Vinh nói.

Cũng theo ông Vinh, lâu nay, phương thức dạy học cũng mâu thuẫn với việc giáo dục đạo đức học sinh. Ví dụ, cô giáo dạy học sinh viết một bài văn mô tả thường lấy theo khuôn mẫu, như tả về bà thì phải răng hạt na, tóc bạc trắng... Điều này vô hình dạy trẻ tư duy đóng khung, lối mòn, thậm chí hình thành thói quen đạo văn từ bé. Việc giáo dục trẻ phải chú trọng hình thành, biểu đạt tâm trạng, tình cảm và để trẻ phát huy tính sáng tạo.

TS Hoàng Ngọc Vinh cũng chỉ ra vấn đề bất cập lâu nay trong giáo dục là bệnh thành tích, nhưng điều này khó có giải pháp căn cơ vì một phần đã thành “văn hóa”, một phần thuộc các cơ sở giáo dục - đào tạo. Chuyện thi đua, khen thưởng không xấu, ngược lại là động lực để học sinh, giáo viên phấn đấu vươn lên, tuy nhiên cách thức thực hiện chưa đúng dẫn đến chuyện cả lớp cháu nào cũng giỏi, cũng khen thưởng.

Cần chú trọng giáo dục đạo đức

TS Vinh kỳ vọng, việc sửa đổi luật phải đảm bảo dự báo được các vấn đề xảy ra trong 5-7 năm tới để có quy định chi tiết. Nếu các vấn đề không dự đoán được thì nên xây dựng thành khung. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi phương thức, công cụ giáo dục, tài liệu học tập, cách thức tổ chức dạy học. Các công cụ để đo lường, đánh giá, công nhận trình độ văn hóa đầu ra của người học cũng cần phải được điều chỉnh bằng luật.

Thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống Trường THCS -THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, Dự thảo luật mới chưa chú trọng giáo dục đạo đức, thái độ nghề nghiệp cho học sinh.

Theo ông Hòa, trong thời gian qua, các vấn đề nổi cộm lên là: bệnh thành tích, câu chuyện đạo đức trường học, cụ thể đạo đức học sinh xuống cấp, thầy giáo mắng chửi học sinh... đều là hậu quả của việc dạy học không chú trọng giáo dục nhân cách mà chỉ chạy theo thi cử, thành tích. Muốn giải quyết các vấn đề này cần phải xử lý tận gốc rễ vấn đề, đó là không đặt nặng thành tích, thi cử.

Ông kỳ vọng Luật giáo dục phải lấy cái gốc mục tiêu là giáo dục, đào tạo con người trong thời đại mới. Luật giáo dục sửa đổi cần tạo ra những bước đột phá, trong đó lấy giáo dục con người làm trọng tâm, phù hợp với sự phát triển của thời đại.

Cách mạng 4.0 sẽ làm thay đổi phương thức dạy và học

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng : Việc sửa đổi luật phải đảm bảo dự báo được các vấn đề xảy ra trong 5-7 năm tới để có quy định chi tiết. Nếu các vấn đề không dự đoán được thì nên xây dựng thành khung cứng. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi phương thức, công cụ giáo dục, tài liệu học tập, cách thức tổ chức dạy học. Các công cụ để đo lường, đánh giá, công nhận trình độ văn hóa đầu ra của người học cũng cần phải được điều chỉnh bằng luật.