Minh là một trong số những người bỏ quê vào TPHCM để tìm việc. Trên hành trình tìm việc mưu sinh đó, họ chẳng có gì ngoài vài bộ áo quần, mấy chục ngàn đồng và tấm chứng minh thư.
Lang thang tìm việc…
Dọc tuyến đường Kinh Dương Vương và xung quanh Bến xe Miền Tây, hằng ngày có vài chục người lang thang, trên vai mang chiếc ba lô đi tìm việc. Khuôn mặt đen xì, chiếc áo sơ mi bạc màu ướt đẫm mồ hôi và đôi dép tổ ong đứt quai, mòn đế là bộ dạng của anh Minh sau mấy ngày lang thang tìm việc.
Anh Minh cho biết, quê anh nghèo khó, làm không đủ sống nên anh vào đây tìm việc. “Ban đầu cứ nghĩ tìm việc dễ dàng, ai ngờ, đi mấy ngày trời mà vẫn không nơi nào chịu nhận làm công nhân”, anh Minh nói.
Ngồi cạnh anh Minh là anh Nguyễn Văn Ba (quê Ninh Bình), cả hai anh gặp nhau khi đi xin việc ở một xưởng may (quận 6) nhưng không được. Anh Ba vào đây hơn một tuần nay nhưng đi đâu xin việc người ta cũng không nhận vì trình độ thấp, tay nghề chẳng tới đâu. “Đã vào tới đây thì phải lo tìm cho có việc mà làm chứ không thể nào về quê được, bởi giờ về lại cũng tốn gần cả triệu bạc chứ có phải ít đâu”, anh Ba nói.
Còn anh Lê Văn Phong, 35 tuổi (quê xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), cũng một trong số những người bỏ quê lên thành phố đi tìm việc. Theo anh Phong, ở quê nghèo, mới nhìn được mặt chữ đã phải nghỉ học đi làm thuê. Lớn lên lấy vợ, cả gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng ông bà để lại nên không đủ ăn. Bí quá, vợ chồng anh bàn nhau hai người hai ngả, anh lên Sài Gòn tìm việc, vợ ở nhà làm ruộng và lo cho con trai 12 tuổi đi học.
Đầu năm nay, một lần nữa anh lại lên đây tìm việc. Ban ngày anh đi bộ gõ cửa các công ty, nhà xưởng, ban đêm về quán cà phê võng ở Bến xe Miền Tây, uống ly cà phê và nằm ngủ tới sáng. Đến giờ vẫn chưa nơi nào nhận anh vào làm.
Cùng cảnh ngộ đi tìm việc như anh Phong là anh Nguyễn Văn Út (25 tuổi, trú huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) trớ trêu là anh Út phải đi xin tiền để mua vé về quê, vì không tìm được việc. Theo lời anh Út, anh lên Sài Gòn đã hơn một tuần nay, tìm việc khắp nơi mà không nơi nào nhận và đây cũng không phải là lần đâu anh phải ra về trong tình trạng không còn tiền mua vé xe.
Ngồi tại công viên Phú Lâm (quận 6, TPHCM) trưa 12/3, gần chục lao động nghèo từ các tỉnh thành khác nhau đang xôn xao bàn tán về việc mình bị lừa làm không công và đang tìm cách để kiếm tiền “chuộc” lại chứng minh thư ở các trung tâm môi giới việc làm.
Anh Nguyễn Hoàng Long (35 tuổi, trú phường 5, TP Vĩnh Long) từng nhiều lần lên TPHCM tìm việc nhưng không được, cuối cùng phải tìm tới một trung tâm môi giới việc làm ở quận Bình Tân.
Theo lời anh Long, ban đầu những người ở các trung tâm giới thiệu ngọt lắm. Họ bảo có công việc nhẹ nhàng, lương bổng khá tốt rồi kêu nộp chứng minh thư với 500 ngàn đồng lệ phí. Do không có tiền, tôi để lại chứng minh thư rồi hứa khi đi làm sẽ trừ vào tiền lương. Đến nơi, tôi phát hoảng vì phải làm các công việc nặng nhọc như bốc gỗ, vác phân bón…
Khổ trăm bề
Sau khi được một người quen giới thiệu, Nguyễn Tri Mạnh ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế đưa vợ con vào TPHCM lập nghiệp. Không có nghề nghiệp, cả hai vợ chồng Mạnh được một cơ sở may thuê cho vừa làm vừa học. Tất nhiên, ngoài đồng lương (cả hai người hơn 5 triệu đồng/tháng), Mạnh và vợ không còn hưởng gì thêm.
Theo Mạnh, cả 10 lao động nhập cư, làm công ăn lương cho cơ sở này cũng không được chủ cơ sở mua bảo hiểm y tế hoặc chăm lo các chế độ khác, trừ lương trả đều mỗi tháng.
“Động lực nhập cư của người lao động là vì việc làm, đồng thời ở TPHCM nhu cầu cần lao động giản đơn trong khu vực kinh tế phi chính quy cao. Trong khi ở các vùng quê ngày càng thiếu việc làm, đời sống tinh thần nghèo nàn”.
Ông Lê Văn Thành
Phải xoay xở đủ kiểu trong thời buổi kinh tế khó khăn này, nhưng hầu như nhiều lao động nhập cư, làm những việc thủ công hoặc làm ở những cơ sở sản xuất hộ cá nhân tự phát… đều không được chủ chăm lo về y tế cũng như phúc lợi xã hội. Khi được hỏi “có mua bảo hiểm y tế cho lao động không?”, Nguyễn Thanh D. (phường Tân Phong, quận 7), chủ một cơ sở sản xuất thực phẩm vặn lại: “mua làm gì?”.Chị Hoa, làm việc cho D, gần 3 năm nay chỉ trách “ông chủ keo kiệt” mà không biết quyền lợi của mình bị xâm hại. Không có hợp đồng lao động, tập huấn an toàn thực phẩm cũng như các chế độ chính sách như khám sức khỏe, chế độ thai sản, ốm đau… những người này làm việc quần quật để mong có đủ tiền trang trải cuộc sống qua ngày. “Tụi em không biết chế độ gì hết, chỉ biết làm việc để không bị đuổi”- chị Hoa kể.
Theo ông Lê Văn Thành (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM), người nhiều năm nghiên cứu về vấn đề người nhập cư, lao động nhập cư vào TPHCM cho rằng, ngoài số ít lao động nhập cư có công việc ổn định, phần đông lực lượng này rất khó khăn.
“Có khoảng hơn 1,8 triệu người nhập cư vào TPHCM cho đến thời điểm này, họ sống tập trung ở các quận huyện mới, nơi có các khu công nghiệp và giá đất rẻ. Bên cạnh đó, lao động nhập cư ngày càng trẻ hóa với trên 80% người từ tuổi 15-39, họ làm việc chuyển từ dịch vụ buôn bán cá thể là chủ yếu sang làm công nhân, làm việc thời vụ, thu nhập bấp bênh”, ông Thành nói.