Nhân Tuần lễ Biển và Hải đảo (1-8/6):

Giám sát môi trường biển còn nhiều hạn chế

TP - “Hệ thống giám sát môi trường biển còn nhiều hạn chế. Điều này ngoài thiếu thốn về kinh phí, chủ yếu là do nhận thức pháp luật và ý thức của cán bộ chính quyền và người dân còn yếu”.

PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo chia sẻ với PV Tiền Phong về thực trạng ô nhiễm biển Việt Nam hiện nay.

PGS.TS Vũ Thanh Ca cho biết: Theo Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam năm 2010, một số khu vực ven biển Việt Nam đã có dấu hiệu ô nhiễm. Nhu cầu oxy hóa học (COD) ở các khu vực biển ven bờ vùng đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long khá cao, thậm chí tại cửa sông Cái (Nha Trang), Phan Thiết, Cửa Định An, Rạch Giá, COD vượt quá 2 lần, thậm chí 3 lần giới hạn cho phép. 

Đây là một trong những nguyên nhân gây ra cạn kiệt oxy, làm sinh vật biển chết tại một số cửa sông và vùng ven biển. Một số khu vực như Cửa Lục, Đồ Sơn, Ba Lạt, Rạch Giá, hàm lượng chất dinh dưỡng đã vượt quá giới hạn cho phép về chất lượng nước mặt dùng cho nuôi trồng thủy sản và bảo vệ thủy sinh. Hàm lượng dầu trong nước tại hầu hết các điểm quan trắc đều vượt quá giới hạn cho phép. Hàm lượng trung bình của xyanua tại khu vực ven biển miền Trung từ Đèo Ngang tới Quy Nhơn vượt mức giới hạn cho phép.

Nguyên nhân chính là do sử dụng xyanua để đánh bắt hải sản trái phép, hủy diệt các rạn san hô và gây ô nhiễm biển. Đặc biệt, tại cửa Ba Lạt có phát hiện thấy hàm lượng kim loại nặng vượt mức cho phép đối với nước mặt dùng cho nuôi trồng thủy sản và bảo vệ thủy sinh. Ngay cả tại ngoài khơi ở vùng biển Tây Nam bộ và Nam bộ có một số vị trí hàm lượng chất dinh dưỡng vượt ngưỡng cho phép. Hàm lượng đồng tại khu vực ngoài khơi Nam bộ xấp xỉ hoặc vượt quá giới hạn
cho phép.

Một hợp phần quan trọng của môi trường biển là các hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển. Đánh bắt hải sản quá mức, nhiều khi bằng các hình thức hủy diệt như giã cào, lưới đáy, dùng xyanua, mìn đã làm hủy hoại hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển. Các hệ sinh thái biển quan trọng nhất như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển đang bị hủy hoại nghiêm trọng trên phạm vi
toàn quốc.

Từ sự cố môi trường ở 4 tỉnh Bắc Trung bộ vừa qua, ông nghĩ sao về yêu cầu bảo vệ môi trường biển trước sức ép của phát triển kinh tế hiện nay?

Phải nhấn mạnh rằng nhất thiết không được đánh đổi phát triển kinh tế với môi trường biển. Chúng ta cần phát triển kinh tế để nâng cao mức sống nhân dân, tạo điều kiện an sinh xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng nhưng không được phép hủy hoại môi trường. Đó chính là phát triển bền vững!

Các hoạt động phát triển luôn kèm theo xả thải. Không thể có phát triển trên biển và tại vùng bờ biển mà không có xả thải vào môi trường biển. Vấn đề là quản lý xả thải như thế nào để đảm bảo xả thải không làm thay đổi đáng kể môi trường biển. Để đảm bảo các dự án phát triển không ảnh hưởng đáng kể tới môi trường, người ta đưa ra một thủ tục bắt buộc khi triển khai dự án là phải xây dựng, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Hiện nay, ta đã có hệ thống pháp luật khá đầy đủ để bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển, nhưng việc thực thi còn chưa tốt. Hệ thống giám sát môi trường biển còn nhiều hạn chế. Điều này ngoài thiếu thốn về kinh phí, chủ yếu là do nhận thức pháp luật và ý thức của cán bộ chính quyền và người dân còn yếu.

 Xin cảm ơn ông.