Trên cơ sở đó, tại kỳ họp thứ 9 (giữa năm 2020), Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020; báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; xem xét báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.
Đồng thời Quốc hội cũng xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có).
Tại kỳ họp thứ 10 (cuối năm 2020), Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về: kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án…
Cùng với đó, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn tại phiên họp; xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có).
Báo cáo giải trình tiếp thu trước đó, có ý kiến đề nghị bổ sung vào Chương trình giám sát của Quốc hội chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường giai đoạn 2015 – 2020”.
Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong thời gian vừa qua, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã thực hiện nhiều cuộc giám sát về lĩnh vực môi trường; tại kỳ họp thứ 2 và thứ 5, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và đã ban hành Nghị quyết, trong đó đề cập nhiều đến vấn đề bảo vệ môi trường. Hơn nữa, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường dự kiến trình Quốc hội xem xét việc sửa đổi tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10. Trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật, sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá tổng thể các mặt việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường. Do đó, không tổ chức giám sát chuyên đề nêu trên.
Bên cạnh đó, có một số ý kiến đề nghị bổ sung giám sát nội dung về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng đào tạo nhân lực cho ngành y tế; việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động báo chí; việc quản lý, sử dụng, chuyển đổi sở hữu công sản của nhà nước; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và hiệu quả của các cơ quan dân cử; vấn đề tăng giá điện; tình hình thực hiện Luật Giao dịch điện tử.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các vấn đề nêu trên đều là những nội dung được quan tâm và cũng đã được Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp trong số 183 đề xuất giám sát từ 77 cơ quan. Đa số đại biểu Quốc hội đã thống nhất chọn chuyên đề giám sát như trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các nội dung cần giám sát mà đại biểu Quốc hội đề xuất sẽ được các Ủy ban của Quốc hội nghiên cứu tổ chức giám sát hoặc tổ chức các phiên giải trình.