Thông báo nêu: Biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng toàn cầu; Việt Nam là một trong các quốc gia đang phát triển, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu. Tại COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030...
Việc thực hiện các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược; việc triển khai thực hiện kịp thời các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng cacbon thấp.
Cam kết của Việt Nam tại COP26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các định chế tài chính, tập đoàn lớn về năng lượng tái tạo đã cam kết, đề nghị được hợp tác với Việt Nam trong triển khai thực hiện cam kết.
Ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là Phó Trưởng ban.
Quan điểm, chủ trương triển khai thực hiện: Biến đổi khí hậu là vấn đề hệ trọng, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học và nhân dân đặc biệt quan tâm. Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, tiếp cận tổng thể để đánh giá mọi tác động của biến đổi khí hậu đến các ngành, lĩnh vực và các địa phương trên phạm vi cả nước trong mối quan hệ toàn diện giữa trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau và với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Việc thực hiện những cam kết tại COP26 có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, trong đó khó khăn, thách thức là chủ yếu. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo phải thống nhất về nhận thức, thông về tư tưởng, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, xác định trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đối với các thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu trong Quý I năm 2022, chỉ đạo các Bộ, ngành hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, xây dựng Đề án thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Trước mắt, tập trung vào 8 nhiệm vụ trọng tâm:
Chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch; giảm phát thải khí nhà kính trong các ngành, lĩnh vực; giảm phát thải khí metan, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp và xử lý chất thải; khuyến khích nghiên cứu, phát triển và sử dụng ô tô điện; quản lý và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có, đồng thời đẩy mạnh trồng rừng mới để hấp thụ, lưu giữ cacbon;
Nghiên cứu, sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng và phát triển đô thị phù hợp phát triển xanh, bền vững; đẩy mạnh, đổi mới công tác truyền thông để toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp thống nhất nhận thức và đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện cam kết tại COP26; đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu...
Đối với Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, hoàn thiện và tham mưu tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình công tác năm 2022, kịp thời báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo các vấn đề phát sinh.
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Tổ giúp việc gồm các cán bộ từ các Bộ, ngành liên quan. Các Bộ, ngành có trách nhiệm cử cán bộ có năng lực chuyên môn phù hợp, ngoại ngữ tốt, có trí tuệ, bản lĩnh, quyết tâm, ý chí, khát vọng, nhiệt huyết để giúp việc cho Ban Chỉ đạo...