Vì sao giảm?
Là Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần này, trao đổi với PV Tiền Phong, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết:
Việc giảm thời lượng học của học sinh trước đó đã có nhiều chuyên gia có ý kiến. Điều này tôi cũng biết. Chính tôi cũng đã phát biểu, trong tài liệu quốc tế của UNESCO, Ngân hàng thế giới, của OECD, họ đều cảnh báo điều này. Số giờ học trung bình ở các nước OECD đối với lứa tuổi từ 7-15 là 7.400 giờ (mỗi giờ họ tính là 60 phút).
Cá biệt có Italia lên đến gần 8.000 giờ. Riêng Phần Lan thấp hơn Việt Nam. Còn ở Việt Nam tính cả giờ học có hướng dẫn, giờ học các môn tự chọn, nội dung giáo dục địa phương là có 6.900 giờ. Lý do vì các nước học sinh được học 2 buổi/ngày. Còn Việt Nam, học sinh học 1 buổi/ngày nên khó tăng giờ.
Nguyên nhân điều kiện thực tế ở Việt Nam có nhiều khó khăn. Thứ nhất, đối với tiểu học, có những trường dạy được 2 buổi/ngày tức 10 buổi/tuần. Nhưng có những trường chỉ dạy được 8 buổi, 6 buổi, thậm chí một số trường chỉ dạy được 5 buổi/tuần.
Như vậy so với những trường học 10 buổi/tuần thì những trường học 5 buổi/tuần là số buổi học chênh nhau gấp đôi. Vì vậy, nếu chương trình viết cho những trường 10 buổi/tuần thì những trường chỉ học 5 buổi/tuần không theo được. Nhưng nếu “kéo” để phù hợp với những trường học 6 buổi, 5 buổi/tuần thì kéo cả nước xuống. Do đó, chương trình phải cân đối.
Thứ hai, lực lượng giáo viên. Tăng giờ tức là tăng biên chế giáo viên vì tăng định biên.Với hoàn cảnh thực tại, điều này không khả thi vì chủ trương của chính phủ là giảm biên chế. Chương trình giáo dục tổng thể phải thỏa mãn rất nhiều điều kiện. Giải một bài toán có nhiều tham số nên chúng ta chỉ có thể làm thế nào để cân đối ở mức có thể chấp nhận được.
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Giảm môn học, giảm thời lượng. Cụ thể ở bậc Tiểu học: Giảm số lượng môn học, tiết học
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Giảm môn học, giảm thời lượng. Cụ thể ở bậc Tiểu học: Giảm số lượng môn học, tiết học
So với bản dự thảo công bố lần 1, bản chính thức có nhiều điểm mới. Cụ thể với bậc tiểu học, môn ngoại ngữ 1 đã chuyển thành môn tự chọn đối với lớp 1, lớp 2, và là môn học bắt buộc đối với lớp 3, 4,5. Trong môn học tự chọn đã không còn bóng dáng của môn ngoại ngữ 2.
Số lượng môn học khác cũng được giảm đáng kể. Hai môn học tìm hiểu tự nhiên, tìm hiểu xã hội trong bản dự thảo 1 đã được tích thành môn học tự nhiên và xã hội. Địa lý và lịch sử cũng chỉ được coi là 1 môn học. Môn học bắt buộc Cuộc sống quanh ta ở bản dự thảo 1 đã không còn có mặt tại bản chính vừa được công bố.
Hai môn thế giới công nghệ và tìm hiểu tin học được tích hợp còn một môn là tin học và công nghệ. Số lượng các môn học giữa các lớp ở bậc tiểu học trong bản chính không giống nhau. Chính vì vậy, lớp 1, lớp 2 tổng số tiết trong năm học là 1015 tiết, lớp 3 là 1085 tiết, lớp 4 và lớp 5 là 1120 tiết.
Như vậy so với bản dự thảo lần 1, số tiết học trong năm của tất cả các lớp tiểu học đều giảm đi đáng kể. Cụ thể, lớp 1, 2 giảm nhiều nhất là 132 tiết (cả bắt buộc và tự chọn), lớp 3 giảm 62 tiết, lớp 4, 5 giảm 64 tiết (cả bắt buộc và tự chọn).
THCS: hướng nghiệp từ lớp 8
Số lượng môn học, tên môn học ở bậc học THCS tại bản chính không thay đổi so với bản dự thảo. Nhưng có thay đổi mục tiêu, mục đích của một số môn học. Cụ thể, đối với mỗi môn Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần; hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. Số tiết học ở bậc THCS cũng giảm so với dự thảo lần 1. Cụ thể, lớp 6, 7 giảm 58 tiết (gồm cả bắt buộc và tự chọn), khối 8, 9 giảm 78 tiết (cả bắt buộc và tự chọn).
Ở bản chính, ban soạn thảo đã đề cập đến nội dung hướng nghiệp. Cụ thể đề xuất các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc đều tích hợp nội dung giáo dục hướng nghiệp; ở lớp 8, lớp 9, các môn học Công nghệ, Tin học, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Giáo dục công dân, Hoạt động trải nghiệm và Nội dung giáo dục của địa phương có học phần hoặc chủ đề về nội dung giáo dục hướng nghiệp.
Bỏ chủ trương dự hướng ở lớp 10
Trong bản chính, nội dung 3 lớp học ở bậc THPT tương đồng, không còn chủ trương dự hướng ở lớp 10 như bản dự thảo lần 1. Chính vì vậy, số lượng môn học, tên môn học ở các lớp 10, 11, 12 là như nhau.
Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm; Nội dung giáo dục của địa phương. Môn Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần; Hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
Các môn học được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp gồm 3 nhóm môn: Nhóm môn Khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Nhóm môn Khoa học tự nhiên: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật. Nội dung mỗi môn học thuộc nhóm này được thiết kế thành các học phần, học sinh được lựa chọn học phần phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
Học sinh chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học trên, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn.
Tổng số tiết học của mỗi năm là 1015 tiết, thấp hơn so với lớp 10 ở bản dự thảo lần 1 là 85 tiết, nhưng nhiều hơn lớp 11, 12 so với bản cũ là 30 tiết.