Phóng viên Tiền Phong đã phỏng vấn ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng về việc này.
Ông đánh giá như thế nào về tình hình hoạt động của các tuyến xe buýt không trợ giá hiện nay?
- Ông Lê Văn Trung: Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 6 tuyến xe buýt hoạt động không trợ giá, gồm: 1 tuyến nội thành không trợ giá và 5 tuyến liền kề giữa Đà Nẵng và Quảng Nam. Hoạt động của các tuyến xe buýt không trợ giá trong thời gian qua đáp ứng một phần nhu cầu đi lại của người dân giữa Đà Nẵng và Quảng Nam.
Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số nội dung như: Hiện tượng bỏ phiên, chuyến, chạy không đúng hành trình, chạy rề tại một số tuyến đường trong nội thành làm cản trở giao thông, nhiều đơn vị tham gia trên cùng một tuyến, xe buýt chở hàng hoá cồng kềnh, tác phong phục vụ của nhân viên có lúc, có nơi chưa chấp hành theo quy định, có tình trạng thu tiền vé không đúng giá quy định tạo hình ảnh không tốt về xe buýt trong mắt người dân và du khách.
Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Thành.
Xin ông cho biết rõ lý do vì sao Đà Nẵng phải tính đến việc cấm xe buýt không trợ giá vào Thành phố?
- Ông Lê Văn Trung: Hiện nay, Sở GTVT Đà Nẵng đang triển khai xây dựng Đề án Tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào Trung tâm thành phố, với mục tiêu nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hướng tới một thành phố có hệ thống giao thông vận tải phát triển bền vững.
Ngoài 05 tuyến xe buýt có trợ giá đã đưa vào sử dụng hiện nay, cuối năm 2017 đầu 2018 thành phố sẽ triển khai thêm 5 tuyến nữa. Lúc đó mạng lưới xe buýt trợ giá sẽ phủ kín tương đối khắp thành phố, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận và sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng cho nhu cầu đi lại hàng ngày trong nội thành, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông.
Việc rà soát, sắp xếp lại các tuyến xe buýt hiện trạng đã được UBND thành phố chỉ đạo từ năm 2012 khi phê duyệt Đề án Xã hội hoá hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại Quyết định số 8429/QĐ-UBND ngày 15/10/2012; theo đó UBND thành phố giao cho Sở GTVT nghiên cứu, triển khai thực hiện nhằm hạn chế độ trùng lắp hành lang của các tuyến vận tải công cộng trong nội thành, nâng cao hiệu quả hoạt động chung của mạng lưới xe buýt.
Một điểm đỗ quá dày đặc các tuyến xe buýt tại trung tâm Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Thành.
Các đơn vị có phương tiện phục vụ các tuyến xe buýt liền kề không trợ giá cho rằng: Chủ trương điều chỉnh lộ trình này có sự phân biệt trong quản lý nhà nước đối với 2 loại hình xe buýt trên cùng một địa bàn theo hướng tạo thuận lợi cho loại hình này và gây khó khăn cho loại hình kia. Ông có ý kiến gì về việc này?
- Ông Lê Văn Trung: Chúng tôi khẳng định là không có sự phân biệt trong quản lý Nhà nước đối với 2 loại hình xe buýt này. Mục tiêu là hạn chế ùn tắc giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hướng tới thành phố có hệ thống xe buýt nội thành chất lượng cao, bền vững để phục vụ nhân dân và du khách đến thành phố Đà Nẵng (xe buýt nội đô và xe buýt liên tỉnh) chứ không phải vì lý do điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt mà có sự phân biệt. Mong rằng các đơn vị kinh doanh vận tải xe buýt ủng hộ chủ trương để tổ chức kinh doanh cho phù hợp với quy hoạch chung của thành phố.
Để hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp, Đà Nẵng có lộ trình thực hiện chủ trương này như thế nào?
- Ông Lê Văn Trung: Sau khi làm việc cụ thể với Sở GTVT Quảng Nam thống nhất phương án điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt không trợ giá, Sở GTVT Đà Nẵng sẽ báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!