Giáo dục công dân là một trong 3 bài thi thuộc tổ hợp Khoa học xã hội. Đề gồm 40 câu hỏi trắc nghiệm, thí sinh hoàn thành trong thời gian 50 phút.
Kết thúc phần thi sáng nay, đề môn thi này đưa ra những tình huống để thí sinh chọn lựa đáp án đúng.
Đặc biệt, có tình huống như: “Anh K là giám đốc một doanh nghiệp có vợ là chị N, mẹ đẻ là bà P. Chị V, anh S là nhân viên.
Để thuận tiện cho vợ đi học sau đại học, anh K đã bí mật rút tiền tiết kiệm của hai vợ chồng mua 1 căn hộ mới gần nơi vợ học.
Trong thời gian chị V nghỉ chế độ thai sản, anh K ép buộc anh S phải làm thêm giờ để phụ trách phần công việc của chị V mặc dù anh S không đồng ý.
Do phải giải quyết nhiều việc gia đình, anh S thường xuyên đi làm muộn và không hoàn thành nhiệm vụ khiến doanh nghiệp của anh K bị thiệt hại lớn.
Bị bà P tỏ thái độ giận dỗi, lạnh nhạt vì không giúp đỡ chồng nên chị N xin bảo lưu kết quả học tập để ở nhà hỗ trợ công việc cùng anh K.
Thấy doanh nghiệp của anh K gặp khó khăn, chị V đưa con về nhà mẹ đẻ sống và xin vào làm việc ở công ty khác mà không bàn bạc với chồng chị.
Khi giao kết hợp đồng lao động với giám đốc công ty mới, chị V đã cung cấp nhiều thông tin không trung thực.
Những ai sau đây không cùng vi phạm nội dung bình đẳng trong lao động và nội dung bình đẳng trong hôn nhân, gia đình?"
Anh K, chị N và bà P.
Anh K, anh S và chị V.
Chị N, bà P và anh S.
Bà P, anh S và chị V.
Ngoài ra, đề thi năm nay cũng khá hay khi đưa tình huống về phòng cháy chữa cháy. Đây được cho là câu vận dụng có tính thực tế và tính giáo dục cao trong bối cảnh nguy cơ cháy nổ ngày càng có tính chất nghiêm trọng như vừa qua.
Theo cô Đoàn Thị Vành Khuyên, giáo viên bộ môn Giáo dục công dân, đề thi tốt nghiệp THPT 2024 có 36 câu thuộc kiến thức lớp 12 (chiếm 90%); 4 câu thuộc kiến thức lớp 11 (chiếm 10%). Các câu hỏi nằm trong các chuyên đề quen thuộc của lớp 12 như: Thực hiện pháp luật; Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống (Hôn nhân gia đình, Lao động, Kinh doanh)…
“Các câu hỏi nằm trong tầm kiến thức cơ bản, không đánh đố. Câu hỏi vận dụng cao tương đối phức tạp, nhiều tình tiết, đòi hỏi học sinh phải hiểu chắc lý thuyết để phân tích đúng tính chất vi phạm của các nhân vật. Yêu cầu sự tư duy tốt, nhanh nhạy trong việc xử lí các tình huống mới làm tốt”, cô Khuyên nói.
Thí sinh dễ dàng đạt điểm 8
Còn cô Nguyễn Thị Nhung, Trưởng bộ môn Giáo dục công dân trường THCS và THPT M.V. Lô-mô-nô-xốp, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) nói rằng, đề có các câu nhận biết và thông hiểu khá quen thuộc với học sinh về kiểu câu, chỉ có 3 câu hỏi tình huống vận dụng với cách hỏi đồng thời hai loại hành vi vi phạm sẽ khiến học sinh nhầm lẫn. Hầu hết các câu hỏi lý thuyết đều nằm trong chuẩn kiến thức và kĩ năng của môn học.
"Với dạng câu nhận định đúng sai, học sinh cần nắm chắc kiến thức mới tìm được đáp án đúng. Tuy nhiên với các câu hỏi truyền thống, thí sinh có thể dễ dàng làm được 8 điểm", cô Nhung dự đoán.
Về cấu trúc, cô Nhung cho rằng, đề tương đối giống đề minh họa với 90% kiến thức lớp 12 và 10% lớp 11, tương tự các năm trước tuy nhiên có 2 câu hỏi theo cách đổi mới, trong đó có 1 câu thuộc về kiến thức lớp 11 có thể khiến thí sinh lúng túng nếu không ôn tập kĩ.
“Mức độ phân hóa của đề thi bắt đầu từ câu 30, trong đó có 4 câu gần cuối đòi hỏi học sinh phải có kĩ năng phân tích mới làm bài tốt. Học sinh cần nắm được các bước phân tích dữ kiện, loại trừ phương án, suy luận logic các vấn đề pháp luật thì mới đạt điểm trọn vẹn cho với đề thi này”, theo cô Nhung.