Phần I: 20 năm thắp lửa

Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu: Hành trình thắp lửa

TP - Với mong muốn được tôn vinh các tài năng trẻ xuất sắc trong tất cả lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học, an ninh quốc phòng, lao động sản xuất, công tác Đoàn-Hội, từ 1996, Thường trực Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam (thuộc Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam) đã đề xuất với Ban Bí thư T.Ư Đoàn cho thành lập Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu hằng năm. Ban Bí thư T.Ư Đoàn chấp thuận và ban hành Điều lệ Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu. 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao thưởng cho các Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2006.

Từ năm 1996 đến năm 2013, toàn bộ công việc tổ chức việc bình xét và trao giải thưởng này do Văn phòng Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam nằm trong Báo Nhi Đồng tham mưu và giúp Ban Bí thư T.Ư Đoàn thực hiện. 

 

Từ năm 2014, nhiệm vụ thường trực Quỹ được giao cho Báo Tiền Phong, Văn phòng Quỹ nằm ở Báo Tiền Phong tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trên. Quy trình này bao gồm cả việc xin phép Thủ tướng để được trao giải tại Văn phòng Chính phủ vào dịp 26 tháng 3 hằng năm. Từ đây trở đi, trong chương trình tôn vinh hằng năm có thêm việc, Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ, Báo Tiền Phong phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ và Công ty Cổ phần đầu tư Lạc Hồng tổ chức cho 10 gương mặt trẻ tiêu biểu và 10 gương mặt trẻ triển vọng dâng hương tưởng niệm và báo công trước anh linh các Vua Hùng tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ), khu danh thắng Tây Thiên, Tam Đảo (Vĩnh Phúc). 

Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu là phần thưởng cao quý của Ban chấp hành T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Giải thưởng nhằm mục đích:

- Suy tôn những điển hình thanh niên tiên tiến tiêu biểu trên các lĩnh vực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Tạo động lực phát triển tài năng trẻ và thúc đẩy phong trào thi đua học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học, lao động sáng tạo trong thanh thiếu nhi; củng cố và phát triển tổ chức Đoàn, Đội, Hội.
- Thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và của toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và lãnh đạo T.Ư Đoàn chụp ảnh lưu niệm cùng với 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2007.

Quy trình xét thưởng chặt chẽ

Về phạm vi, Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu được thực hiện trên phạm vi cả nước và trong tất cả các cơ sở Đoàn, Đội, Hội, kể cả các cơ sở Đoàn, Hội ngoài nước.

Về đối tượng áp dụng, Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu được trao cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên Việt Nam tiêu biểu nhất, có độ tuổi dưới 35, bao gồm cả thanh thiếu nhi Việt Nam học tập, công tác ở nước ngoài. 

Về tiêu chuẩn chung, người được xem xét phải có phẩm chất đạo đức tốt; có ý chí vươn lên trong học tập, rèn luyện, lao động, sáng tạo và nghiên cứu khoa học. Có ý thức tổ chức kỷ luật; chấp hành tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có uy tín và ảnh hưởng tốt trong thanh thiếu nhi.

Ngoài các tiêu chuẩn chung, người được nhận Giải thưởng phải thật sự là gương mặt trẻ tiêu biểu nhất của thanh thiếu nhi Việt Nam trong lĩnh vực hoạt động theo các tiêu chuẩn cụ thể.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao tặng giải thưởng cho 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2013.

Theo quy định, Giải thưởng được trao cho 10 cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong nhiều năm và có thành tích nổi bật nhất trong năm đề cử. Giải thưởng được xét tặng hằng năm vào dịp Kỷ niệm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3) và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Về quy trình xét giải thưởng, cơ quan thường trực là Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam. Quy trình đề cử, trên cơ sở văn bản hướng dẫn và Quy chế Giải thưởng của T.Ư Đoàn, các đơn vị có thẩm quyền giới thiệu, đề cử, gửi hồ sơ đề nghị xét tặng về Cơ quan Thường trực Giải thưởng.

Các đơn vị có thẩm quyền giới thiệu, đề cử gồm: tỉnh (thành) Đoàn và Đoàn trực thuộc T.Ư Đoàn; các cơ quan thông tấn báo chí được Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị.

Cơ quan thường trực của Giải thưởng tổng hợp danh sách dự tuyển, lập hồ sơ của từng cá nhân, tiến hành thẩm định sơ bộ và tổng hợp ý kiến để trình Hội đồng điều hành Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam.
Hội đồng điều hành Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam chọn 20 gương mặt xuất sắc nhất, tổ chức lấy ý kiến bình chọn trên mạng để trình Hội đồng xét tặng Giải thưởng xem xét, quyết định.

Cơ quan thường trực của Giải thưởng có trách nhiệm tổ chức bình chọn, công bố và trao giải.

Hội đồng xét tặng Giải thưởng bao gồm các thành viên Hội đồng điều hành Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam. Hội đồng xét tặng Giải thưởng có thể tham khảo ý kiến của Hội đồng Tư vấn. Hội đồng Tư vấn do Ban Bí thư T.Ư Đoàn quyết định gồm: đại diện cơ quan thông tấn báo chí liên quan lĩnh vực bình chọn, các chuyên gia có liên quan lĩnh vực bình chọn, các thành viên của Hội đồng Bảo trợ Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam.

Cống hiến và tỏa sáng

Qua 20 năm, đã có 200 gương mặt được phát hiện và tôn vinh như: Ngô Đắc Tuấn, Đỗ Quốc Anh, Trương Đình Anh, Nguyễn Thị Vinh, Võ Quốc Thắng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn..... Những gương mặt trẻ tiêu biểu sau khi được tôn vinh đều có những bước phát triển mới trong học tập, công tác và đều là những tấm gương sáng.

Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu lần đầu được trao năm 1996. Theo Nhà báo Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam (giai đoạn 1993-1997), Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu lần đầu tiên được trao tại Văn phòng Chính phủ. “Lúc đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời các gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu ngồi trong phòng họp mà Thủ tướng thường họp với các bộ trưởng. Mục đích là để các gương mặt trẻ cảm nhận, hình dung trong tương lai nếu làm lãnh đạo đất nước thì sẽ phải như thế nào”, Nhà báo Nguyễn Thị Vân Anh kể lại.  

Theo nhà báo Nguyễn Thị Vân Anh, 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu lần đầu tiên nhận giải thưởng đều là những người xuất sắc nhất, đại diện cho các lĩnh vực: học tập, thể thao, nghiên cứu khoa học, văn học nghệ thuật, lao động sản xuất, an ninh quốc phòng, hành động dũng cảm. Trải qua quá trình xét duyệt gắt gao, 10 gương mặt trẻ được tôn vinh và nhận giải thưởng gồm: Ngô Đắc Tuấn (Học tập), Trần Thế Trung (Học tập), Nguyễn Hồng Sơn (Thể thao), Nguyễn Thuý Hiền (Thể thao), Nguyễn Anh Tuấn (Nghiên cứu khoa học), Vũ Nam (Nghiên cứu khoa học), Phùng Sơn (Văn học-Nghệ thuật), Đỗ Kim Chiến (Lao động sản xuất), Nguyễn Quốc Sâm (An  ninh-Quốc phòng), Lê Cảnh Hoàng (Hành động dũng cảm).

Giai đoạn 1997 đến 2008

Đây là giai đoạn Quỹ hoạt động dưới sự điều hành trực tiếp của những người đã đề xuất sáng kiến thành lập Quỹ, các nhà báo Nguyễn Thị Vân Anh và Vũ Quang Vinh. Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu vinh danh 130 người trong giai đoạn này. Trong đó, có nhiều gương mặt trẻ với nhiều thành tích nổi bật. Điển hình như Đỗ Quốc Anh (SN 1980) - lĩnh vực Học tập. Năm 1997 khi được vinh danh Đỗ Quốc Anh là sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Quốc Anh có nhiều thành tích nổi bật như: đoạt Huy chương đồng kỳ thi Olympic Toán quốc tế tổ chức tại Ấn Độ; đoạt giải Nhì học sinh giỏi quốc gia năm 1996-1997; năm 1997 là 1 trong 5 học sinh trên thế giới đoạt Huy chương Vàng kỳ thi Olympic toán quốc tế Argentina với số điểm tuyệt đối... Quốc Anh sinh ra trong gia đình có truyền thống học hành đỗ đạt. Ông ngoại Quốc Anh là cụ Nguyễn Xiển, một nhà khoa học nổi tiếng, từng đoạt nhiều giải thưởng về khoa học, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật. Cụ từng giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội khoá VII. 

Cũng trong năm 1997, một trong 10 người được tôn vinh có Trương Đình Anh (SN 1970, lĩnh vực Khoa học Kỹ thuật). Lúc này, Trương Đình Anh công tác tại Công ty phát triển Đầu tư công nghệ FPT với nhiều thành tích nổi bật: Tham gia nhiều đề tài quan trọng như “Tự động hoá công tác thanh toán”, “Hiện đại hoá ngân hàng”... được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trao thưởng đề tài hiệu quả năm 1992. Anh còn thiết kế và triển khai các hệ thống: Thanh toán điện tử Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam, Mạng thông tin trí tuệ Việt Nam... Năm 1997, Trương Đình Anh trở thành người nổi tiếng nhất FPT và cũng là người nổi tiếng nhất trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm đó với tuyên bố: “Ước mơ của tôi là trở thành tỷ phú năm 35 tuổi và trở thành Thủ tướng năm 40 tuổi”. Từ năm 2003 đến năm 2005, Trương Đình Anh trở thành Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông FPT. Từ năm 2005 đến 2011 là Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Viễn thông FPT. Từ 2011 đến 9/2012, là Tổng Giám đốc FPT.

Giải thưởng năm 1999, nổi bật trong các gương mặt là Võ Quốc Thắng. Võ Quốc Thắng sinh năm 1967, là Tổng giám đốc Công ty Đồng Tâm (Long An). Trong năm 1999, Võ Quốc Thắng giải quyết việc làm cho hơn 1.000 thanh niên, doanh thu hơn 400 tỷ đồng. Ông Thắng là người tham gia tích cực các hoạt động xã hội; là gương mặt doanh nhân trẻ xuất sắc nhất ASEAN. Sản phẩm của Cty Đồng Tâm (công ty sản xuất gạch duy nhất tại Việt Nam) đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001. Với phương châm chỉ làm những gì mình biết và biết những gì mình làm, Cty Đồng Tâm đã có sự phát triển ổn định đến ngày hôm nay. Gạch Đồng Tâm đã xuất khẩu sang nhiều nước châu Âu, châu Úc, Trung Đông. Ngoài công việc sản xuất kinh doanh, ông Võ Quốc Thắng còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Quan niệm của Đồng Tâm là ngoài việc tạo ra những sản phẩm tốt, lợi nhuận cao, cần phải làm gì cho xã hội. Liên tục nhiều năm qua, Đồng Tâm có mức tăng trưởng ổn định, nộp ngân sách hàng chục tỷ đồng nỗi năm. Công ty Đồng Tâm còn chăm lo cho học sinh, sinh viên nghèo có ý chí vượt khó, vươn lên trong học tập cũng như trong cuộc sống. Ông Võ Quốc Thắng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khoá 11, thuộc đoàn đại biểu Long An; là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đồng Tâm. Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Hiện, ông Thắng đang là Chủ tịch Ngân hàng Kiên Long (KienLongBank); từng là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam nhiệm kỳ III.

"T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh và Quỹ hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam nghiên cứu phương thức tổ chức Giải thưởng, ngày càng nâng cao chất lượng, mở rộng số lượng thanh, thiếu nhi có thành tích xuất sắc được nhận Giải thưởng để tạo sức lan tỏa sâu rộng động viên tuổi trẻ Việt Nam ở trong nước và nước ngoài hăng hái thi đua yêu nước, đạt nhiều thành tích trong học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất kinh doanh, bảo vệ Tổ quốc, hoạt động xã hội..."

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Năm 2004, trong 10 gương mặt trẻ được tôn vinh có chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Chị Nhàn được tôn vinh ở lĩnh vực Kinh doanh sản xuất. Lúc này chị là lãnh đạo đơn vị xuất khẩu lao động có uy tín (Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu Lao động - Công ty Xây dựng và Thương mại Traenco trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải), đưa được hơn 10.000 người đi làm việc ở nước ngoài với số tiền thu nhập của lao động là 125 triệu USD. Với những thành tích xuất sắc của mình, Nguyễn Thị Thanh Nhàn được nhận Bằng khen của Bộ Giao thông Vận tải, Giải thưởng Sao đỏ năm 2003 và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Hiện chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC)- là một tập đoàn kinh tế lớn, phát triển theo hướng đa dạng hoá và hiện đang kinh doanh hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Nguồn vốn của AIC đạt tới con số hàng nghìn tỷ đồng, được đánh giá là đơn vị đứng đầu trong nhiều hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam và luôn nhận được những giải thưởng lớn về những thành tích kinh doanh cũng như các đóng góp cho xã hội. Trong nhiều năm liền, AIC luôn đứng đầu Việt Nam về xuất khẩu lao động với việc đưa hàng trăm ngàn lượt người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Từ năm 2012, theo báo cáo tài chính, doanh thu của công ty đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong năm 2006, một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu được vinh danh có anh Nguyễn Đắc Vinh. Anh Vinh hiện là Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. 

Tại thời điểm được vinh danh, anh Vinh là Phó Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ hoá học (ĐH Khoa học Tư nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội); Là đảng uỷ viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Phó Bí thư Đoàn ĐH Quốc gia Hà Nội, Bí thư Đoàn Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Ở tuổi 35 anh đã chủ trì 2 đề tài cấp bộ và cấp thành phố đồng thời tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành của Việt Nam và quốc tế. Trong dịp 26/3/2006, anh vinh dự trở thành nhân vật sáng giá của giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2006 do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam tôn vinh tài năng trẻ xuất sắc của cả nước trên lĩnh vực Nghiên cứu khoa học. 

Ngoài ra, trong giai đoạn này, còn vinh danh nhiều gương mặt trẻ tiêu biểu khác như: Ngô Minh Đức - “người truy lùng cái ác” của Công an tỉnh Lai Châu với thành tích truy bắt được 228 đối tượng có lệnh truy nã trong đó hầu hết là những đối tượng nguy hiểm; Vũ Thị Hương - người toả sáng trên cung đường chạy; Vàng Seo Sín, người không cam chịu đói nghèo...

Phát biểu tại buổi lễ trao giải Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải dặn dò: “Mặc dù đã đạt được nhiều thành tích tốt, nhưng các cháu cần phấn đấu nhiều hơn nữa để cống hiến được nhiều hơn cho Tổ quốc, cho nhân dân. Và điều đặc biệt là các cấp, các ngành phải nhân rộng điển hình để có thêm nhiều gương mặt trẻ tiêu biểu, có một phong trào thi đua sôi nổi và rộng khắp trong tuổi trẻ cả nước”. 

Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh trao thưởng cho 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2014.

Giai đoạn 2009 đến 2014

Trong giai đoạn này, có 60 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu được vinh danh. Trong đó, có nhiều gương mặt xuất sắc trên nhiều lĩnh vực từ thể thao, học tập, nghiên cứu khoa học đến lao động sản xuất. Với ý chí vươn lên không cam chịu đói nghèo, Vàng Seo Sín (giải thưởng năm 2009) với 63 triệu đồng vốn ban đầu đã đầu tư vào trang trại chăn nuôi lợn thịt. Sau một năm chăn nuôi lợn thịt và sản xuất kinh doanh, đến tháng 11/2009, sau khi trừ đi chi phí đã thu lãi được 114 triệu đồng. Từ đó, Vàng Seo Sín thành lập hợp tác xã ngành nghề khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng với vốn điều lệ 200 triệu đồng; giải quyết công ăn việc làm cho 30 thanh niên với mức thu nhập ổn định. 

Năm 2009, Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu vinh danh Bùi Thế Duy, người hiện là Chánh văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ. Khi được vinh danh, Bùi Thế Duy là Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Thông tin – ĐH Công nghệ- ĐH Quốc gia Hà Nội với bảng thành tích đáng ngưỡng mộ như: Giải thưởng Nhà khoa học trẻ ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2008; Giải thưởng Quả cầu vàng CNTT năm 2007; Chủ nhiệm một đề tài NCKH cấp bộ, 2 đề tài cấp ĐH Quốc gia, tham gia 2 đề tài cấp nhà nước; công bố 32 bài báo khoa học trên tạp chí, kỷ yếu hội nghị quốc tế; xuất bản 3 sách giáo trình; là 1 trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu... Ngoài Bùi Thế Duy, có thể kể đến Bùi Thị Hương, vận động viên điền kinh đạt 4 HCV các giải đấu trong nước, 2 HCB giải đấu châu Á, 2 HCV Sea Game 25, lập kỷ lục tại Asian Indoor Game 3...

"Tôi đánh giá cao hoạt động thường niên bầu chọn 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm của T.Ư Đoàn. Mong muốn T.Ư Đoàn tiếp tục làm tốt hơn công tác bầu chọn cũng như phát huy, nhân rộng các điển hình tiêu biểu, tiên tiến trong các phong trào của Đoàn”.

Trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại lễ trao giải Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2013

Ngày 24/3/2013, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thân mật gặp mặt 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2012. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã biểu dương nỗ lực phấn đấu của các gương mặt trẻ tiêu biểu trong học tập, lao động, sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các gương mặt trẻ tiêu biểu tiếp tục nỗ lực phấn đấu, khẳng định mình, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; xứng đáng với danh hiệu là những “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm”. 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Đánh giá cao hoạt động thường niên bầu chọn 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm của T.Ư Đoàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn T.Ư Đoàn tiếp tục làm tốt hơn công tác bầu chọn cũng như phát huy, nhân rộng các điển hình tiêu biểu, tiên tiến trong các phong trào của Đoàn. Thủ tướng nói: “Tôi đánh giá cao hoạt động thường niên bầu chọn 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm của T.Ư Đoàn. Mong muốn T.Ư Đoàn tiếp tục làm tốt hơn công tác bầu chọn cũng như phát huy, nhân rộng các điển hình tiêu biểu, tiên tiến trong các phong trào của Đoàn”.

Để giải thưởng phát triển hơn nữa, tháng 1/2014, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh đã ký quyết định giao nhiệm vụ Thường trực Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam cho Báo Tiền Phong. Theo quyết định này, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập Báo Tiền Phong giữ trách nhiệm Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam; nhà báo Trần Thanh Lâm, Phó tổng biên tập Báo Tiền Phong và ông Trần Hồng Thủy, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần DEVYT giữ trách nhiệm Phó giám đốc Quỹ.