Giải mã lý do Nhật Bản gửi công hàm phản đối Trung Quốc ở Biển Đông

TPO - Nhật Bản vừa tham gia cuộc chiến công hàm ở Biển Đông, gây thêm sức ép lên Trung Quốc vì những yêu sách thái quá của nước này trên vùng biển có tầm quan trọng chiến lược.
Nhật Bản tố Trung Quốc cản trở tự do bay ở khu vực đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: AP)

Trong công hàm gửi đến Tổng thư ký Liên Hợp quốc ngày 19/1, Phái đoàn thường trực Nhật Bản nói rằng việc “Trung Quốc vẽ các đường cơ sở quanh những đảo và đá trên Biển Đông” không đáp ứng được những điều kiện đặt ra trong Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Nhật cũng cáo buộc Trung Quốc hạn chế tự do hàng hải và tự do bay trên Biển Đông.

Yêu sách của Bắc Kinh trên hầu hết vùng biển này đã bị Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ trong phán quyết đưa ra năm 2016, trong đó khẳng định những cấu trúc chỉ nổi khi thủy triều xuống thì không có lãnh hải.

“Trung Quốc không chấp nhận phán quyết, và khẳng định rằng họ có “chủ quyền” trên vùng biển xung quanh và vùng trời trên những cấu trúc chỉ nổi khi thủy triều thấp”, Công hàm của Nhật nói.

“Thực tế là Trung Quốc đã phản đối quyền tự do bay của máy bay Nhật Bản ở khu vực đá Vánh Khăn và cố hạn chế tự do bay trên Biển Đông”, công hàm khẳng định.

Dù Tokyo trước đây thúc giục Bắc Kinh công nhận phán quyết nhưng hiếm khi Nhật Bản công khai phản đối các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông, trong khi Tokyo cũng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Hoa Đông.

Công hàm được công bố vài giờ trước cuộc tham vấn cấp cao về các vấn đề biển giữa Trung Quốc và Nhật Bản, trong đó các nhà ngoại giao Nhật Bản phản đối sự hiện diện gia tăng của các tàu hải cảnh Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Chen Xiangmiao, một học giả tại Viện nghiên cứu quốc gia về Nam Hải, nói rằng thời điểm Nhật Bản gửi công hàm rất đáng chú ý.

“Đây có thể là cách để Nhật Bản tăng vị thế của mình trong các cuộc đàm phán (trên biển Hoa Đông) với Trung Quốc. Vì Nhật Bản và Mỹ là đồng minh thân cận, quan điểm cứng rắn hơn của Nhật trên Biển Đông sẽ được Mỹ hoan nghênh, dù là chính quyền Trump hay chính quyền Biden”, ông Chen nói với báo SCMP.

Công hàm của Nhật Bản tiếp nối công hàm của hàng loạt quốc gia gồm Mỹ, Úc, Anh, Pháp và Đức, cùng các nước liên quan khác gồm Indonesia, Việt Nam và Philippines.

“Việc Nhật Bản tham gia vào liên minh pháp lý quốc tế làm tăng sức nặng cho phán quyết năm 2016”, ông Yoichiro Sato, giáo sư về an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương tại ĐH châu Á – Thái Bình Dương Ritsumeikan ở Nhật Bản, đánh giá.

Nhưng trong khi Mỹ và các đồng minh phản đối quyền lịch sử của Trung Quốc trên Biển Đông, công hàm của Nhật đề cập đến hành động cản trở tự do hàng hải và tự do bay xung quanh và trên các cấu trúc chỉ nổi khi thủy triều xuống và không được hưởng vùng lãnh hải. Giới quan sát cho rằng đây có thể là cách Tokyo tránh đẩy Trung Quốc quá xa.

Nhật Bản cũng không đi vào chi tiết các thực thể, chỉ nói cụ thể đến đá Vành Khăn, ông Sato nhấn mạnh.

Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm đóng và biến thành một căn cứ quân sự.

GS Stao cho rằng tranh chấp với Bắc Kinh trên biển Hoa Đông có thể làm phức tạp quan điểm của Tokyo đối với Biển Đông.

“Sự lưỡng lự của Nhật Bản chủ yếu do lo ngại rằng sự can dự của họ vào Biển Đông có thể khiến Trung Quốc trả đũa ở quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông”, ông Sato nói.

Học giả này cho rằng sự hiện diện của các tàu hải cảnh Trung Quốc gần quần đảo Senkaku “đã thuyết phục Nhật Bản rằng sự quyết liệt ngày càng lớn của Trung Quốc trên cả hai vùng biển đều xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc và ý định bằng trướng”.

Tuy nhiên, ông Chen cho rằng Bắc Kinh khó có khả năng thay đổi quan điểm trên Biển Đông dù sức ép quốc tế gia tăng.