“Giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất: Tắc chỗ nào làm chỗ nấy

TP - Tại buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM chiều 10/7, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa khẳng định bộ này sẽ cân đối nguồn vốn để thực hiện dự án sân bay Long Thành vì Quốc hội đã thông qua trong khi việc giải cứu sân bay Tân Sơn Nhất sẽ thực hiện theo hướng “tắc” chỗ nào làm chỗ nấy, không nâng công suất lên quá 50 triệu khách/năm.
Hành khách đang làm thủ tục bay tại nhà ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Huy Thịnh.

Ùn tắc đường vào sân bay tạm thời được cải thiện

Theo báo cáo của Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường, lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất năm 2016 đạt 32,5 triệu khách, tăng 20% so với năm 2015 và vượt 28% so với quy hoạch sân bay đến năm 2020 (25 triệu khách/năm). Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng khách qua sân bay ước đạt 18,3 triệu lượt khách, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2016.

“Hệ thống giao thông kết nối khu vực sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có một lối ra vào duy nhất nên vấn đề đảm bảo an toàn giao thông đô thị với sân bay hết sức khó khăn”, ông Cường cho biết.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa, kể từ ngày thông xe 2 nhánh cầu vượt kết nối vào sân bay Tân Sơn Nhất (ngày 3/7), tình trạng ùn tắc tại khu vực đã được cải thiện.

Ông Khoa đề nghị lãnh đạo Bộ GTVT hỗ trợ thành phố trong việc nhận bàn giao đất quân đội xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối và làm hồ điều tiết chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất.

“Thủ tướng đã kết luận rồi. Trách nhiệm của TPHCM là huy động các nhà khoa học có kinh nghiệm về hàng không để nghiên cứu các phương án mở rộng sân bay. Hồ điều tiết trong sân bay sẽ điều tiết cho sân bay và khu vực lân cận nhưng ngoài tầm của thành phố. Bộ Quốc phòng đã thống nhất bàn giao đất ngoài sân bay làm đường giao thông nhưng tiến độ quá chậm”, ông Khoa nói.

Theo Chủ tịch Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Lại Xuân Thanh, hồ điều tiết đã được Bộ Quốc Phòng và Bộ GTVT thống nhất, đưa vào hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện đang chờ Thủ tướng phê duyệt.

“Đầu tư đào hồ điều tiết trong hồ sơ báo cáo Thủ tướng, Bộ GTVT đã đề nghị giao TPHCM đầu tư để đồng bộ với việc thoát nước trong khu vực vì nước chảy vào chỗ trũng. Còn đường nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hoà có 3 đoạn thì 2 đoạn đã thống nhất giữa 2 Bộ và TPHCM. Riêng đoạn 3 đi sát hàng rào khu bay, phải điều chỉnh lùi ra xa hàng rào”, ông Thanh giải thích.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng phải thực hiện song song dự án xây dựng sân bay Long Thành và mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Sân bay Long Thành phục vụ nhu cầu trung, dài hạn và không thể không làm vì Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư và đã đồng ý tách công tác bồi thường giải toả thành gói thầu riêng.

“Sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có thể khai thác trên dưới 40 triệu khách/năm, tăng cao hơn sẽ ảnh hưởng đến môi trường, tiếng ồn… Sân bay trong thành phố, máy bay lên xuống nhiều sẽ ồn ào không ai chịu nổi. Bây giờ tắc chỗ nào làm chỗ nấy. Sân bay Tân Sơn Nhất không tắc đường băng mà tắc bãi đỗ máy bay, đường lăn, giao thông kết nối…”, ông Đông cho biết.

Làm đường băng thứ 3 chưa chắc giải quyết được ùn tắc

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cảnh báo nếu chỉ quan tâm xử lý trước mắt, không chú ý đến lâu dài, đầu tư quá lớn cho Tân Sơn Nhất sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của cả nước.

Ông Lại Xuân Thanh gợi ý TPHCM mở các bãi ô tô “đệm” trên đường Ngô Thúc Vịnh nhằm giảm lưu lượng xe vào sân bay, giảm ùn tắc giao thông.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, TPHCM đang đứng trước áp lực tăng dân số cơ học quá lớn, tình trạng ùn tắc xảy ra thường xuyên và diễn biến ngày càng phức tạp. Việc xử lý không thể giải quyết trong ngắn hạn.

“Về sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT cần TPHCM phối hợp làm thì thành phố sẵn sàng vì áp lực giao thông quá lớn. Việc mở đường băng thứ 3 chưa chắc giải quyết được tình trạng ùn tắc. Các giải pháp phải đồng bộ, quan trọng là có sân đỗ, đường lăn, giao thông kết nối…”, ông Phong nói.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho rằng đối với việc xây dựng các tuyến đường kết nối với sân bay, UBND TPHCM có thể chủ động làm việc với Bộ Quốc phòng theo nguyên tắc quân đội giao đất, TPHCM đầu tư.

Lãnh đạo ngành GTVT cho biết phương án tối ưu là nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 42 - 43 triệu khách bằng cách làm thêm nhà ga, đường lăn, sân đỗ máy bay. Cùng với nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất phải khẩn trương làm sân bay Long Thành để kịp đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào năm 2025 với 25 triệu khách/năm vì nguồn kinh phí đầu tư rất hạn hẹp. Vốn trung dài hạn cho giao thông hàng năm chỉ cân đối được khoảng 31%.

“TPHCM cần đẩy nhanh tiến độ làm hồ điều hoà và đường giao thông kết nối. Lãnh đạo tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đánh giá công tác điều hành bay của ta rất tốt. Tắc nghẽn chủ yếu là dưới sân bay. Hai đường băng sân bay Tân Sơn Nhất khai thác 50 triệu khách/năm không vấn đề gì nhưng quan trọng là phải có sân đỗ, đường lăn. TPHCM cần phối hợp tốt với Bộ Quốc phòng để được bàn giao đất, trước mắt là khu đất 21 ha”, Bộ trưởng GTVT lưu ý.

Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, sân bay Tân Sơn Nhất đã đến lúc giải cứu vì dự báo đến cuối năm nay có thể đạt sản lượng khoảng 36 triệu lượt khách. Tuy nhiên, sân bay Tân Sơn Nhất chỉ nên mở rộng lên mức tối đa là 50 triệu khách/năm, nếu vượt hơn sẽ tạo ra nhiều hệ lụy.

22 dự án giải cứu sân bay Tân Sơn Nhất

Ông Bùi Xuân Cường cho biết TPHCM đã, đang và sẽ triển khai 22 dự án giải cứu sân bay Tân Sơn Nhất như xây cầu vượt nút giao thông đường Trường Sơn – đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài; cải tạo mở rộng đường Hoàng Minh Giám (từ công viên Gia Định đến đường Đào Duy Anh); mở rộng đường Hoàng Hoa Thám; cải tạo đường Cộng Hoà; nâng cấp mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý, đường Trường Chinh; xây đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hoà…