Trung tuần tháng Ba vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc phê duyệt quy hoạch khu kinh tế vịnh Vân Phong với tổng vốn đầu tư ban đầu trên 100 triệu USD.
Trong tương lai, Vân Phong sẽ là một khu kinh tế tổng hợp có quy mô to lớn. Và trước đó, góp phần đánh thức "giấc mơ" Vân Phong là một nhà tài chính Việt kiều, người mà để đi đến "giấc mơ Vân Phong" vào tuổi xế chiều thì ông đã trải qua một cuộc đời đầy sóng gió...
Chính khách trẻ nhất Dinh Gia Long
"Hồi trẻ sang Mỹ du học, có thể tôi đã trở thành thầy tu nếu yên phận theo sự sắp xếp của gia đình" - ông Bùi Kiến Thành mở đầu câu chuyện. Thoạt nhìn vẻ lịch lãm của ông, ai cũng nghĩ có lẽ sự vinh danh đến với ông khá dễ dàng. Nhưng mấy ai biết được rằng con người đang trầm tĩnh ngồi trước tôi đây, đã trải qua một cuộc đời sóng gió gắn liền với những "khúc quanh" của lịch sử nước nhà.
Khi bỏ trường dòng lên NewYork học kinh tế, ông Thành đã trở thành người Việt đầu tiên được đào tạo ở Hoa Kỳ trong lĩnh vực tài chính. Quyết định này cũng làm thay đổi hẳn cuộc đời ông. "Ở New York, tôi gặp ông Ngô Đình Diệm nhiều lần. Tôi và ổng (ông ấy) cùng quen một gia đình, ngày nghỉ tôi và ổng thường gặp nhau ở đó.
Ổng hút thuốc nhiều và hay nói. Tôi chịu nghe và chịu cãi, ổng lại càng hăng nói... Với tôi lúc bấy giờ, ông Ngô Đình Diệm là một người bạn vong niên, còn cụ Hồ Chí Minh lại là một thần tượng, vì thế câu chuyện giữa chúng tôi vẫn thường đề cập đến cụ Hồ Chí Minh", ông Thành tâm sự.
Năm 1954, Ngô Đình Diệm mời chàng thanh niên Bùi Kiến Thành làm Trưởng phòng Ngoại hối, Ngân hàng quốc gia; đến năm 1956 là đại diện Ngân hàng quốc gia Việt Nam (miền Nam) tại New York khi mới 24 tuổi, là người trẻ nhất trong số hơn 60 đại diện ngân hàng nhà nước tại Hoa Kỳ. Về nước, Bùi Kiến Thành được xem như chính khách trẻ nhất thường xuyên ra vào Dinh Gia Long (Lúc này Chính quyền Sài Gòn còn đóng ở đây).
Nhưng... con tạo xoay vần, năm 1963 Ngô Đình Diệm bị đảo chính, trong danh sách của "Hội đồng quân nhân cách mạng" có ghi "những đối tượng phải bắt ngay" thì ông Thành năm ở số thứ tự 12...
Từ tột đỉnh vinh hoa, ông Thành bị tống vào nhà ngục dành cho tù chính trị, tài sản bị trưng thu. Đảo chính qua, đảo chính lại, 15 tháng sau ông Thành được "ân xá" với hai bàn tay trắng.
Lúc này, mọi cánh cửa cuộc đời dường như đã đóng sập trước mắt ông. Với chính quyền Sài Gòn thì không cùng chí hướng, còn phía Bắc vĩ tuyến 17 lại quá xa vời... Bùi Kiến Thành quyết định đưa gia đình sang Pháp tị nạn. Một đêm tối trời, ẩn mình dưới hầm tàu viễn dương, ông trở thành "thuyền nhân" lênh đênh trên biển cả…
"Câu chuyện biển Đông" với nguyên Thủ tướng ở vườn Bách Thảo
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Liên Xô và Đông Âu đang trong tình trạng khủng hoảng, khi không ít Việt kiều liên tưởng đến một kịch bản tương tự ở Việt Nam thì ông Thành không vì thế mà "ngoảnh mặt" hay vơi đi tâm huyết với quê hương. Nhận lời mời của Bộ Ngoại giao, năm 1991 ông Thành đã trở về để tư vấn cho Nhà nước ta về những vấn đề phát sinh do Liên bang Nga cắt giảm viện trợ...
Ông Thành bồi hồi nhớ lại cuộc trò chuyện với nguyên Thủ tướng ở vườn Bách Thảo "Ông Kiệt tiếp tôi thân tình, cái bắt tay của ông và tôi được sự chứng kiến của ông Nguyễn Ngọc Trân - Chủ nhiệm Ủy ban Việt kiều TƯ thuộc Bộ Ngoại giao. Trong câu chuyện, khi tôi đề cập đến những vấn đề của Việt kiều - với không ít vấn đề còn nhạy cảm ở trong nước (vào thời điểm bấy giờ) - thì ông Kiệt trả lời "Tôi hiểu".
Sự chia sẻ của nhà lãnh đạo khuyến khích tôi bày tỏ suy nghĩ của mình, và chúng tôi đã gặp gỡ nhau ở quan điểm: Không có chế độ nào được xây dựng trên một nền tảng dân chúng nghèo nàn và lạc hậu mà lại có thể đứng vững. Dân giàu thì nước mới mạnh.
"Đặc biệt ấn tượng với tôi là khi Thủ tướng đề cập đến chủ quyền nước ta ở biển Đông", ông Thành kể, "Thủ tướng dang tay như vẽ một vòng trong không khí khi nói tới 1 triệu km2 mặt biển thuộc chủ quyền Việt Nam, trong khi nước ta chỉ có 3 trăm ngàn km2 đất liền. Thủ tướng cũng nhấn mạnh chủ quyền ở biển Đông là khoảng không gian sinh tồn đối với một đất nước có 2 ngàn km bờ biển như Việt Nam".
Tại cuộc trò chuyện tại Vườn bách thảo với nguyên Thủ tướng, ông Thành đã mở ra hướng giải quyết các vấn đề biên giới biển bằng luật pháp. Ông cũng trực tiếp hỗ trợ Ban biên giới Chính phủ nghiên cứu cơ sở luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên thềm lục địa, khu vực dầu khí biển Đông.
Sau đó, ông Thành đã giúp Việt Nam đạt được một văn bản giải tỏa cấm vận đặc biệt của Chính phủ Hoa Kỳ, cho phép Việt Nam thuê Công ty luật Convington & Burling tiến hành nghiên cứu chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, đặt nền móng pháp lý cho nước ta giải quyết các tranh chấp đã và đang xảy ra tại đây.
Cũng trong cuộc gặp trên, ông Thành đã mạnh dạn đề nghị Chính phủ đổi tên Uỷ ban Việt kiều TƯ thành Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài.
"Chính sách của Nhà nước hướng đến công nhận Việt kiều là một thành phần không tách rời của cộng đồng dân tộc. Chính sách này cần được cụ thể bằng những quyết định thiết thực của Quốc hội và Chính phủ.
Bản thân tên gọi cũng cần thể hiện chính sách coi người Việt dù ở bất cứ đâu trên thế giới cũng là người Việt Nam" - ông Thành lý giải. Cùng với đề nghị của ông Thành và ý kiến của nhiều Việt kiều khác, việc đổi tên đã được tiến hành sau đó. "Gặp lại tôi, ông Trân tỏ ra rất tâm đắc với sự thay đổi này" - ông Thành vui vẻ nói.
Giấc mơ cuối đời
Câu chuyện về vịnh Vân Phong được bắt đầu cách đây hơn 2 năm. Tiến sĩ Chu Quang Thứ - nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam kể lại: "Tại thành phố Nha Trang xinh đẹp, vào một ngày nắng ấm cuối năm 2002, UBND tỉnh Khánh Hoà đã tổ chức buổi sơ kết việc chuyển tải dầu cho những con tàu có trọng tải lớn trên 100.000 DWT tại vịnh Vân Phong.
Việc chuyển tải chỉ trong 7 tháng này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đất nước, mang lại nguồn thu cho ngân sách tỉnh trên 400 tỷ VND. Đó là con số mà các tỉnh miền trung khác… nằm mơ cũng chưa bao giờ thấy".
Vào khoảng tháng 5/2003, ông Bùi Kiến Thành được giới thiệu với Cục Hàng hải Việt Nam để làm tư vấn trong việc thúc đẩy tiến trình xây dựng dự án. Ông cũng được Cục Hàng hải "quan tâm" về khả năng kêu gọi các nhà đầu tư Hoa Kỳ quan tâm tới dự án.
Chủ nhân một lâu đài cổ của nước Pháp
Từ năm 1965 đến 1983, trong thời gian làm công việc phát triển nhà đất tại Pháp, ông Thành đã phát hiện ra một lâu đài cổ bị bỏ hoang nằm chơ vơ trên một ngọn đồi. Đó là lâu đài của các hiệp sĩ nước Pháp xưa. Ông lập dự án để mua lại cả ngọn đồi và thuê kiến trúc sư phục chế lâu đài, đặc biệt là ngọn tháp cổ kính của nó.
Ngày nay, du khách trong và ngoài nước Pháp đến đây tham quan đều không khỏi ngạc nhiên khi công trình giá trị này lại thuộc về một người Việt Nam.
Quả nhiên, thời gian sau ông Thành đã "thiết kế" được chuyến làm việc giữa Đại sứ quán Hoa Kỳ và Cục Hàng hải về dự án vịnh Vân Phong. Đích thân Đại sứ Mỹ lúc bấy giờ là Raymond F. Burghardt đã về khảo sát vịnh Vân Phong. - Tiến sĩ Chu Quang Thứ kể tiếp.
Đến đầu tháng 10/2003, Cục Hàng hải đã tham gia Đoàn của Chính phủ Việt Nam do Bộ trưởng Bộ KH & ĐT dẫn đầu sang Mỹ để vận động Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam, tạo dựng cơ sở bước đầu cho những quan hệ sau này giữa các đối tác đầu tư hai bên.
"Tham gia tư vấn cho dự án Vân Phong với những đóng góp nhất định của mình, nhưng ông Thành không hề đòi hỏi quyền lợi gì cho cá nhân. Mặc dù đã có tuổi, ông vẫn không ngại ngần đi về giữa Hà Nội và Khánh Hoà để theo đuổi một dự án có tầm nhìn thế kỷ, bằng tấm lòng của một Việt kiều đối với quê hương đất nước. Tôi cũng phải thầm khâm phục ông", ông Thứ nhận xét.
Tâm huyết với "kho tàng" mà biển cả dành tặng cho nước Việt, ông Thành đã nói về "giấc mơ" của mình: "Với độ nước sâu hơn cả các cảng lớn trong khu vực, kể cả Yokohama ở hướng bắc cho đến Singapore hướng nam, với diện tích 75 ngàn hecta mặt biển và hơn 80 ngàn hecta đất liền, vịnh Vân Phong có địa thế và tiềm năng trở thành hải cảng lớn nhất Đông Nam Á, hội đủ yếu tố phát triển một thành phố ngang tầm với Thượng Hải hoặc San Fracisco".
Nói rồi ông Thành lấy tấm bản đồ Đông Nam Á say sưa giảng giải cho tôi về địa thế của vịnh Vân Phong. Để xây dựng Vân Phong, Chính phủ sau khi phê duyệt dự án vào trung tuần tháng ba vừa qua, đã đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp cùng với địa phương kêu gọi sự đầu tư của nước ngoài. Ông Thành cho biết hiện nhiều công ty lớn của Mỹ đã nhận lời với ông để cùng hợp tác với Việt Nam trong dự án này.
Tạm biệt ông Thành, nhìn vào đáy mắt ẩn chứa ít nhiều u uẩn của một cuộc đời đã trải qua nhiều lưu lạc, tôi cảm nhận thấy sự "trở về" của ông không hẳn là "nhẹ tựa lông hồng" như cách mà người đàn ông lịch lãm này tâm sự.
Ông bộc bạch: "Sau năm 1975, tôi tính về nước xem có thể làm được điều gì đó không. Nhưng có những người bạn đã khuyên chưa nên, bởi thiện ý của mình chưa phù hợp với bối cảnh trong nước lúc bấy giờ. Mãi đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước, khi đã về được thì tôi phải để lại gia đình và tất cả những gì mình đã xây dựng được ở lại phía sau lưng…".
Thủ tướng Phan Văn Khải, trước hơn 600 Việt Kiều tại dinh Thống Nhất nói: "Người Việt Nam ở nước ngoài dù đi đâu, ở đâu, dù đi ra nước ngoài vì bất cứ lý do gì, họ cũng là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam. Đã là máu, là thịt thì chẳng có gì có thể tách họ khỏi quê cha đất tổ".
Hôm nay, tôi đã gặp một Việt kiều như thế