Giá vé tàu Cát Linh - Hà Đông cao hơn xe buýt bao nhiêu?

Công ty đường sắt Hà Nội cho biết, giá vé lượt tuyến Cát Linh - Hà Đông dự kiến cao hơn vé xe buýt từ 30-37%.
13 đoàn tàu, mỗi tàu có 4 toa đã được nhập về Hà Nội. Ảnh: Đ.Loan

UBND thành phố Hà Nội đang giao Sở Giao thông Vận tải xây dựng phương án giá vé tàu điện Cát Linh - Hà Đông, trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước tháng 9 năm nay.

Để xây dựng phương án trên, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị khai thác dự án) đã tiến hành khảo sát ý kiến với khoảng 1.500 người là sinh viên, hộ dân sống gần tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đa số người dân được hỏi chấp nhận giá vé lượt đường sắt đô thị cao hơn giá vé xe buýt từ 30-37%; giá vé tháng cao hơn giá vé tháng xe buýt là 15%.

Vé tàu điện nhỏ gọn giống thẻ ATM, sử dụng công nghệ hiện đại, có tính bảo mật cao, bán ở các nhà ga hoặc máy bán vé tự động. Vé sẽ được kết hợp liên thông, sử dụng cho các phương tiện vận tải công cộng khác như xe buýt thường, xe buýt nhanh.

Hành khách có thể mua vé đi theo lượt, theo ngày, tuần, tháng; vé theo nhóm nhiều người.

Để chuẩn bị vận hành tuyến tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết đã tuyển dụng 681 lao động, trong đó có 190 người được đưa đi học ở Trung Quốc. Các lao động này đều đã xong đào tạo lý thuyết và chờ thực hành trên tuyến.

Sở Giao thông Vận tải cũng đang nghiên cứu phương án kết nối các tuyến xe buýt, vận tải khách liên tỉnh tại khu vực Hà Đông với tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Hà Nội.

Dự kiến khi tuyến đường sắt này hoạt động sẽ thu hút thêm lượng lớn hành khách sử dụng phương tiện công cộng trên quốc lộ 6 và đường Lê Văn Lương - Giảng Võ. Việc tổ chức các tuyến buýt để kết nối với đường sắt Cát Linh - Hà Đông giúp mở rộng vùng phục vụ của vận tải công cộng, tạo điều kiện giãn bớt mật độ dân cư ra các khu vực ngoại thành, giảm ùn tắc trên quốc lộ 6. 

Theo kế hoạch, ngày 2/9, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ bắt đầu vận hành thử từ 3 đến 6 tháng. 

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông dài 13 km trên cao, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (Hà Đông), toàn bộ 12 nhà ga trên cao và khu Depot dưới mặt đất, đường ray đôi khổ 1.435 mm. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Thời gian khai thác từ 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến; tốc độ thiết kế tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác bình quân là 35 km/giờ.

Dự án có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008, đến năm 2016, được điều chỉnh tổng mức đầu tư là hơn 868 triệu USD (tăng 315 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 198 triệu USD.

Theo Theo Vnexpress