Ngày 1/5, giá vàng trong nước giảm mạnh theo đà giảm của giá vàng thế giới. Theo đó, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC 82,6 - 84,65 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 550.000 đồng/lượng so với hôm trước.
Riêng vàng nhẫn, doanh nghiệp này điều chỉnh giảm mạnh 800.000 đồng/lượng so với hôm trước còn 73,88 - 75,48 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Với hệ thống vàng Mi Hồng, giá vàng SJC cũng điều chỉnh giảm mạnh còn 82,2 - 83,7 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn niêm yết 71,6 - 73 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC đang có dấu hiệu hạ nhiệt khi giá vàng thế giới liên tục giảm. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước chỉ bán được 3.400 lượng vàng qua 1 phiên đấu thầu ngày 23/4, các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đấu thầu nhiều phiên tiếp theo và xu hướng giá vàng giảm sẽ thấy rõ hơn.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng mới đây cho biết, trong quý I/2024, giá vàng SJC, vàng nhẫn duy trì đà tăng với biên độ chênh lệch giá mua- bán ở mức cao, khoảng 2 - 2,5 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch vàng trong nước với giá vàng thế giới dù có giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì ở mức 13 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 3. Mức chênh lệch này được dự đoán có thể co hẹp lại nhưng giá vàng Việt Nam vẫn đang tăng trưởng “nóng” và đạt đỉnh cao nhất trong lịch sử. Do vậy việc kiểm soát giá vàng vẫn là yêu cầu cấp bách.
Theo Tổng cục Thống kê, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới; chỉ số giá vàng trong nước tháng 4 tăng 6,9% so với tháng trước, tăng 17% so với tháng 12/2023, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm tăng 20,7%.
Trong loạt giải pháp “hạ nhiệt” giá vàng, điểm nhấn là việc thực hiện phiên đấu thầu vàng miếng.
Nếu lượng cung vàng qua đấu thầu đạt đủ khối lượng sẽ giúp giảm giá vàng nội địa trong dài hạn, từ đó kéo sát chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước, như đã diễn ra trong năm 2013.
Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Trương Hoàng Diệp Hương, chuyên gia Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng cho biết, vấn đề đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước là hài hòa giữa việc quản lý thị trường vàng và kiểm soát tỷ giá. Bởi nếu lượng cung thấp sẽ khiến tác động duy trì chỉ đạt được ngắn hạn.
Nhưng nếu Ngân hàng Nhà nước buộc phải mua thêm vàng từ thị trường quốc tế để duy trì nguồn cung trong nước sẽ tạo áp lực làm tăng tỷ giá.
Tỷ giá bắt đầu hạ nhiệt
Hiện tại, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.246 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại đang mua vào 1 USD với giá 25.148 đồng, bán ra với giá 25.458 đồng.
Trong báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, tính đến ngày 22/4, tỷ giá quanh 25.440 - 25.460 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng 4,9% so với đầu năm.
Theo chuyên gia PHS, tỷ giá đã hạ nhiệt sau khi Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ can thiệp. Việc bán ngoại tệ giao ngay ở thời điểm hiện tại đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước bơm USD ra thị trường ngay lập tức và hút lượng tiền đồng dư thừa.
Ngoài ra, việc thông qua đấu thầu vàng kể từ ngày 23/4 của Ngân hàng Nhà nước không chỉ giúp hạ nhiệt giá vàng trong nước mà còn giúp tỷ giá bớt “căng”.
Chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới thời gian qua đã thúc đẩy nhu cầu mua USD trên thị trường chợ đen để nhập lậu vàng, qua đó gây áp lực lên tỷ giá.
Do vậy, theo chuyên gia PHS, việc thực hiện đấu thầu vàng để cung cấp thêm lượng vàng trên thị trường sẽ làm giảm nhu cầu đầu cơ vàng và nhu cầu mua USD.
Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2024 diễn ra mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tỷ giá đã hạ nhiệt.
“Tỷ giá là một vấn đề lớn của nền kinh tế, nếu không quản lý hiệu quả sẽ tác động tới lạm phát. Ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt điều hành tỷ giá, ổn định chứ không cố định, bảo đảm trạng thái ngoại tệ bằng 0 chứ không thể âm.
Có những giải pháp để thực hiện điều này gồm điều tiết lượng tiền trong lưu thông để hài hòa; điều hành lãi suất hợp lý để hài hòa với tỷ giá, tính toán mức độ hợp lý để đạt cả 2 mục tiêu”, ông Tú khẳng định.