“Phép thử”?
10 giờ sáng 17/3, vào giờ mở cửa, thông báo từ một “đầu nậu”, giá mua bán đô la “chợ đen” tại phố Hà Trung (Hà Nội) không đổi so với giờ “chốt” chiều qua, phổ biến ở ngưỡng 21.700 - 21.780 đồng/USD. Trên thị trường ngân hàng, tỷ giá giao dịch dưới ngưỡng bình quân liên ngân hàng 21.458 đồng/USD và nằm trong biên độ 21.243 - 21.673 đồng/USD của NHNN.
Cụ thể tại Vietcombank, tỷ giá niêm yết ở mức 21.380 - 21.440 đồng/USD (mua vào - bán ra), tại Vietinbank tỷ giá lên mức 21.375 - 21.450 đồng/USD; tại Techcombank tăng lên 21.350 - 21.445 đồng/USD, Eximbank là 21.360 - 21.440 đồng/USD và Sacombank là 21.350 - 21.450 đồng/USD. Nếu so sánh cả trên hai thị trường, cặp tỷ giá này đã tăng thêm từ 70 - 100 đồng/USD.
Anh Minh, một doanh nghiệp kinh doanh vàng lâu năm tại phố Hàng Bạc (Hà Nội) cho rằng: Khả năng đợt biến động này đến từ tác động tâm lý bởi quan sát trên thị trường anh nhận thấy lượng người đi mua không nhiều.
Từ góc độ làm kinh doanh, anh Minh chỉ ra: Giá điện ngày 16/3 bắt đầu tăng 7,5%; xăng dầu tính cả tăng thuế môi trường cả thảy cũng thêm 2.000 đồng/lít, người dân cho rằng kiểu gì lạm phát cũng tăng mạnh. Trong khi đó lãi suất tiền gửi lại đồng loạt xuống 4%/năm kỳ hạn ngắn (1 tháng) mà USD đang lên giá tại các nước…”. Tất cả những điều kiện đó hội tụ khiến tâm lý một bộ phận người dân bị tác động kỳ vọng tỷ giá sẽ phải điều chỉnh. Do đó, sẽ có người “găm” giữ, có người muốn mua vào. Nói chung, đây là phép thử của thị trường” - anh Minh khẳng định.
Trao đổi với Tiền Phong, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh lưu ý: Đây là đợt đầu tiên trong năm, giá USD trên thị trường tự do và liên ngân hàng cùng theo bước nhau tăng.
Vị này nhìn nhận: “Tỷ giá vẫn còn biên độ khá nhiều thế nhưng “nó” chạy thì cũng nhanh lắm! Giá đô la “chợ đen” hiện đã lên hơn 21.700 đồng rồi, rất khó đoán tiếp. Ngân hàng nhỏ như chúng tôi thì không vấn đề gì vì các “đơn hàng” ngoại tệ của doanh nghiệp hiện không lớn lắm. Sức ép nguồn “cung” ngoại tệ (nếu có) chủ yếu rơi vào khối ngân hàng ngoại hoặc ngân hàng quốc doanh do doanh nghiệp FDI đến mùa quyết toán năm chuyển lợi nhuận về công ty mẹ”.
Sẽ giữ cam kết?
Ngày 17/3, qua điện thoại, Giám đốc Sở giao dịch Vietcombank cho hay: Tại sở, các giao dịch về ngoại tệ vẫn bình thường; không có cầu đột biến và không có chuyện ngân hàng không đủ nguồn cung đáp ứng cho doanh nghiệp. Một phó tổng giám đốc LienVietPostbank cho biết: “Hiện nhu cầu trên thị trường liên ngân hàng khá cao, chạy liên tục. Mọi người cũng đang nói là có yếu tố tâm lý và giá chợ đen có thể làm ảnh hưởng đến giá của liên ngân hàng”.
Theo vị phó tổng giám đốc này, chắc chắn những ngày này, NHNN đang theo dõi rất sát bởi nhiệm vụ quan trọng của NHNN là luôn phải cân đối cung - cầu. “Nếu có chuyện khan ngoại tệ thật, tôi nghĩ NHNN sẽ bán ra nhưng vấn đề là bán ra bao nhiêu thôi. Đồng thời, họ sẽ kiểm tra tổng thể trên hệ thống xem “khan” thật hay doanh nghiệp hoặc ngân hàng có ngoại tệ lại “găm” không bán ra làm ảnh hưởng đến thị trường”- vị này lưu ý.
Nhìn nhận về diễn biến tỷ giá những ngày này, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Hiện tỷ giá vẫn tăng trong khuôn khổ cộng - trừ 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá đang ngày càng nhiều khi nền kinh tế Việt Nam đang quay trở lại xu hướng nhập siêu. “2 tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập siêu hơn 5 tỷ USD từ Trung Quốc. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tuyên bố, năm 2015 tỷ giá không biến động quá 2% song cần linh động hơn. Nếu áp lực lớn làm chênh lệch cung cầu về ngoại tệ nhiều hơn thì có thể điều chỉnh sớm hơn kế hoạch đã đưa ra” - TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Liên quan đến cam kết giữ tỷ giá không điều chỉnh quá 2%/năm của Thống đốc, lãnh đạo một ngân hàng bình luận: “Thực ra những năm trước những cam kết của Thống đốc rất chắc chắn bởi khi đó “cầu” ngoại tệ của nền kinh tế không quá mạnh. Tuy nhiên, hiện nay cái khó lường nhất trước chuỗi tăng giá bất ngờ của đồng đô la trên toàn thế giới và chính sách của nhiều ngân hàng Trung ương các nước là sẽ phá giá đồng nội tệ. Tôi nghĩ Việt Nam mình sớm muộn cũng nằm trong bài toán là có phá hay không. Nhưng hiện tại lần này, tôi cho rằng NHNN sẽ cố gắng găm lại”.
Một tuần sau diễn biến của thị trường tiền tệ, NHNN Việt Nam chưa đưa ra bất cứ phát ngôn nào.
Tỷ giá không thay đổi trong suốt năm 2012 và chỉ điều chỉnh nhẹ vào giữa năm 2013. Trong cả năm 2014, tỷ giá chỉ điều chỉnh 1% và đến đầu tháng 1/2015, NHNN công bố điều chỉnh giảm tỷ giá thêm 1% nữa. Việc giữ ổn định tỷ giá trong thời gian dài là thành công của NHNN.
Trong lần chia sẻ với Tiền Phong mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình từng nhấn mạnh nguyên tắc điều hành tỷ giá sẽ rất cứng rắn không để thị trường dẫn dắt mà sẽ ứng xử linh hoạt và chủ động áp đảo thị trường.