Đây là nhận định của trang tin Russia Insider chuyên đăng ý kiến của những người nước ngoài sống nhiều năm ở Nga.
Đúng là Liên Xô đã không thể đối phó thực trạng thu nhập từ dầu mỏ tuột dốc và khi ấy Ảrập Xêút giúp Mỹ phá hủy kinh tế Liên Xô bằng cách tăng mạnh sản lượng khai thác dầu từ 2 triệu thùng lên 10 triệu thùng/ngày.
Các lệnh trừng phạt khiến các công ty Nga khó khăn hơn trong việc tiếp cận các bí quyết kỹ thuật phương Tây và cuối cùng tác động sản lượng khai thác dầu của Nga.
Tuy nhiên, những khả năng đó chỉ xảy ra nếu tình trạng kéo dài nhiều năm, và không chắc chắn về cái giá Liên minh châu Âu sẵn lòng trả cho việc đó. Khi ấy, việc cắt nguồn cung dầu trên quy mô toàn cầu cùng với tăng trưởng kinh tế thế giới mạnh mẽ hơn sẽ giúp cân bằng thị trường dầu mỏ.
Một biện pháp cải thiện viễn cảnh đối với Nga là dân số nước này đang tăng trở lại lần đầu tiên kể từ năm 1992. Trên thực tế, bất chấp các lệnh trừng phạt, tình trạng tài chính của Nga hiện nay có vẻ khá ổn định.
Nga chỉ nợ nước ngoài khoảng 678 tỷ USD và đã giảm mạnh từ mức 732 tỷ USD vào cuối năm 2013. Trong khi đó, ngưỡng nợ nước ngoài của Mỹ đã vượt quá 6.000 tỷ USD và vẫn đang tăng lên.
Nga đang có thặng dư ngân sách cao kỷ lục và một cán cân thanh toán tích cực. Mátxcơva đang xúc tiến việc thay thế đồng đô la Mỹ trong các giao dịch thương mại.
Thậm chí, sau khi chi 60 tỷ USD hỗ trợ các doanh nghiệp thiếu khả năng thanh toán bằng đô la, Nga vẫn nắm giữ gần 375 tỷ USD dự trữ ngoại tệ.
Nổi giận vì bị phương Tây phong tỏa vấn đề thanh toán tài chính quốc tế, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đạo cho ngân hàng trung ương Nga xúc tiến việc xây dựng một hệ thống thanh toán quốc gia riêng.
Nga còn thực hiện một dự án có khả năng trao đổi thương mại với các đối tác định giá dầu bằng vàng, cho phép đối tác tham gia thoát khỏi đồng đô la Mỹ và euro, xúc tiến kinh doanh theo cách thực chất hơn thanh toán bằng tiền.
Nga và các thành viên khối BRICS như Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và Brazil đang tỏ ra hào hứng với ý tưởng này. Nga không chỉ tăng sản lượng khai thác vàng mà còn tăng gấp đôi dự trữ vàng trong giai đoạn 2008-2014.
Theo Russia Insider, quả thực, ngân sách Nga được tính dựa trên mức giá dầu 96 USD/thùng. Khi giá dầu tụt xuống dưới mức 70 USD/thùng, chắc chắn sẽ có tác động xấu, Nga sẽ phải thực hiện một số biện pháp thắt lưng buộc bụng.
Song Nga cũng được lợi từ việc đồng rúp rớt giá, vì nó giúp bù đắp phần mất mát do giá dầu rẻ hơn. Các công ty dầu mỏ của Nga xuất khẩu thu đô la Mỹ về, nhưng lại chi tiêu bằng đồng nội tệ nên ngân sách không bị ảnh hưởng nhiều và đảm bảo thuế nộp cho chính phủ không bị giảm đột ngột.
Sản lượng dầu của Nga tăng lên mức 10,6 triệu thùng/ngày vào tháng 9, sát với quy mô khai thác hằng tháng cao nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Nga xuất khẩu 8 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm 15% tổng lưu lượng dầu trên thị trường thế giới.
Theo Russia Insider, nếu Nga tăng khai thác dầu để tăng nguồn thu sẽ dẫn tới việc giá dầu có thể tụt sâu hơn nữa, và một trong những nạn nhân trước tiên sẽ là ngành sản xuất dầu đá phiến của Mỹ. Chi phí khai thác khí đá phiến tốn kém hơn công nghệ khai thác dầu thông thường của Nga hay Ảrập Xêút, bắt đầu trở nên không kinh tế ở mức giá dưới 70 USD/thùng. Nếu giá dầu rớt xuống 60 USD/thùng, nhiều giếng dầu của Mỹ sẽ buộc phải đóng cửa và lượng dầu nhập khẩu sẽ lại tăng lên.
Do vậy, dầu trượt giá đe doạ sự độc lập năng lượng của Mỹ, nhưng hỗ trợ hơn là làm suy yếu Nga. Trong khi đó, Nga đẩy mạnh khai thác và phát triển hạ tầng.
Ông Putin vừa ký thỏa thuận cung cấp dầu khí 25 năm với Trung Quốc, bao gồm việc xây dựng một tuyến đường ống dài 3.000 dặm. Ông cũng đưa một hạm đội tàu phá băng tới Bắc Cực để xác lập chủ quyền nhiều khu dự trữ dầu và điều quân đội tới bảo vệ chúng.
Nga đã phản ứng một cách giận dữ trước thông tin Thượng viện Mỹ thông qua một dự luật kêu gọi áp đặt những biện pháp trừng phạt mới đối với Mátxcơva và viện trợ vũ khí sát thương, cung cấp khí tài quân sự trị giá tới 350 triệu USD cho Ukraine.