Giá cây tràm giảm 50%, người dân trồng rừng ở U Minh hạ lo đầu ra

TPO - Giá cây tràm giảm mạnh khiến cuộc sống của người dân trồng tràm ở xã Khánh Lâm, huyện U Minh (Cà Mau) gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ dân có tràm đã đến tuổi thu hoạch nhưng thương lái không vào mua...

Tràm và keo lai là 2 loại cây rừng được trồng phổ biến ở vùng U Minh hạ của tỉnh Cà Mau. Từ khoảng năm 2010 khi cây keo lai chiếm ưu thế phát triển thì giá cây tràm có chiều hướng tăng.

Sau đó, người dân trở lại trồng tràm và diện tích tăng dần thì giá lại có chiều hướng giảm nhưng người dân vẫn sống khỏe nhờ trồng tràm. Tuy nhiên, khi bị ảnh hưởng dịch COVID-19 từ năm 2021 thì giá cây tràm giảm mạnh và hiện vẫn ở mức rất thấp.

Giá cây tràm trên địa bàn Cà Mau mau đã giảm mạnh.

Ông Phan Văn Quang, người dân trồng rừng ở xã Khánh Lâm, huyện U Minh cho biết, khoảng 2 năm nay giá cây tràm giảm mạnh khiến cuộc sống bà con nơi đây rất vất vả. Từ thời điểm dịch đến nay, giá cây tràm từ 170 triệu/ha (loại tốt), giờ giảm xuống chỉ còn khoảng 70 triệu/ha (rớt khoảng 50%).

Không chỉ giá giảm thấp mà đầu ra cây tràm cũng đang gặp khó. Nhất là ở những vùng sâu, vùng xa như xã Khánh Lâm, Khánh Hòa, Khánh Thuận của huyện U Minh. Nhiều hộ dân có rừng tràm đã đến tuổi thu hoạch nhưng kêu thương lái họ không buồn ngó ngàng tới. Còn thương lái có vào mua thì cũng đưa ra cái giá mà người trồng rừng khó chấp nhận được.

Người dân U Minh mất nửa thu nhập vì giá cây tràm giảm sâu.

Ông Võ Minh Giàu, người dân ở xã Khánh Lâm chia sẻ: “Mảnh rừng của gia đình tôi nếu giá trước đây phải bán được hơn 1,5 tỷ đồng, còn hiện nay bán chỉ được khoảng 700 triệu thôi. Ngay cả thương lái cũng ít thu mua. Họ đến xem rồi đưa cái giá rất thấp”.

Mỗi chu kỳ trồng tràm của người dân ở vùng đất rừng U Minh hạ kéo dài khoảng 5 năm. Trong thời gian này, bà con sống nhờ 30% diện tích đất được phép sản xuất nông nghiệp cùng những hoa lợi dưới tán rừng như mật ong, cá đồng.

Họ lấy ngắn nuôi dài để trông chờ nguồn thu từ cây tràm nhưng nay giá tràm duy trì thấp đã đẩy người dân vào “thế kẹt” khi cây tràm đã tới tuổi thì buộc phải thu hoạch. Bởi, cây tràm quá lứa thêm 1- 2 năm thì khó bán được.

Số lượng tràm ở huyện U Minh còn tồn đọng lượng lớn.

Theo ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn Cà Mau, nguyên nhân giá cây tràm giảm một phần là do diện tích trồng mấy năm qua có chiều hướng tăng.

Bên cạnh đó, cây tràm được dùng chủ yếu làm cừ trong xây dựng nhưng gần đây giá vật liệu xây dựng tăng đã ảnh hưởng lĩnh vực xây dựng. Ngoài ra, những công trình xây dựng ngày càng có quy mô lớn hơn nên nhu cầu dùng cừ tràm có xu hướng giảm.