Ghi tên cha mẹ lên CMND: Trái luật và Công ước Quốc tế
> Tín dụng đen tấn công trường học
> Nhận diện công ty 'mà' lừa sinh viên
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã có văn bản gửi lãnh đạo Bộ Tư pháp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ
Như Báo Người Lao Động ngày 3-12 phản ánh, từ nay tới hết năm 2013, Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội - Bộ Công an sẽ tiếp tục thực hiện cấp CMND mới với phần ghi họ tên cha mẹ công dân tại TP Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, hiện Bộ Tư pháp cũng đang nghiên cứu để có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét lại quy định này.
Bộ Tư pháp sẵn sàng nhận khuyết điểm
Đại diện Bộ Tư pháp cho biết lãnh đạo bộ đã giao các cục, vụ chức năng nghiên cứu kỹ về tính hợp pháp, hợp lý của Nghị định 170/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05/1999/NĐ-CP về CMND. Nếu xét thấy việc thẩm định Nghị định 05 và sau đó là Nghị định 170 có sơ suất, để lọt quy định cho phép CMND ghi họ tên cha mẹ công dân thì Bộ Tư pháp sẽ không chối bỏ trách nhiệm của mình và sẵn sàng thừa nhận khuyết điểm với Chính phủ.
“Tuy nhiên, quy định về việc này đã xuất hiện cách đây hơn chục năm nên cần phải xem xét thấu đáo. Quan điểm của Bộ Tư pháp là sớm có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét lại một quy định đang gây ra những phản ứng từ phía dư luận cũng như những người làm luật” - vị này nói.
Theo TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), sau khi nghiên cứu quy định cho phép đưa tên cha mẹ lên CMND, cục đã phát hiện điều này trái với Bộ Luật Dân sự và Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã ký tham gia từ năm 1989.
Hơn nữa, điều 38 Bộ Luật Dân sự 2005 về quyền bí mật đời tư thì người mẹ có quyền giữ kín thông tin về người cha và nếu thủ tục hành chính yêu cầu ghi tên cha mẹ đứa bé thì sẽ xâm phạm quyền bí mật đời tư được quy định tại điều này.
Không cần thiết
Luật gia Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, cho rằng việc đưa thêm họ tên cha mẹ lên CMND rõ ràng không cần thiết bởi từ trước tới nay, các thông tin trên CMND đã khá đầy đủ.
“Điều cần thiết ở CMND mới là kỹ thuật in ấn, công nghệ hiện đại, bảo mật và bền đẹp hơn trước. Khi đi làm các thủ tục, kèm CMND, người dân vẫn phải xuất trình một số giấy tờ khác, công an đã có thể nắm rõ lý lịch tư pháp của họ thì đâu cần thiết phải đưa tên cha mẹ họ lên đó” - ông Quốc Anh bày tỏ.
TS Nguyễn Đình Lộc, nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp, cho rằng việc đưa tên cha mẹ lên CMND là không cần thiết và phải dừng ngay. Ông Lộc cho rằng Bộ Công an có lý khi nói rằng việc này sẽ giúp quản lý, xác định thông tin về công dân được nhanh, dễ dàng hơn. “CMND mới hiện đại như thế, việc xác định lý lịch của mỗi công dân đâu có khó.
Việc đưa nguồn gốc con người lên CMND rất dễ gây xúc động, tâm lý không tốt với nhiều người đã có cha mẹ mất từ lâu, thiếu cha, mẹ hoặc sinh ra đã không biết cha mẹ là ai. Dù Bộ Công an giải thích những trường hợp này có thể để trống nhưng thử hỏi khi ấy công dân sẽ cảm thấy tủi thân, xấu hổ ra sao khi đưa CMND ra cho người khác xem.
“Quan điểm của tôi là không thể thực hiện quy định này. Bây giờ vẫn đang trong thời gian thí điểm, tác động chưa nhiều tới đông đảo dư luận nhân dân nên Chính phủ vẫn có thể yêu cầu dừng lại như việc đã yêu cầu Bộ Công an hoãn xử phạt hành vi không sang tên đổi chủ phương tiện giao thông theo quy định vừa rồi”- TS Lê Hồng Sơn bày tỏ.
Theo Thế Kha
Người lao động