Ghé nhà Thầu Chín ở Na Khon

TP - Bữa nay may mắn ghé nhà ông Thầu Chín (tên Bác Hồ thời gian hoạt động ở Thái Lan) ở Na Khon Thanom.

> Những người giữ hồn Việt trên đất Thái

Những bước viễn du đã may mắn níu tôi trước cái bàn đá ở tầng hầm của khách sạn Omni Parker (Boston- Hoa Kỳ), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng gò lưng để làm bánh suốt từ năm 1911 đến 1913. Rồi khi đến Calcutta (Ấn Độ) lại được chiêm ngưỡng dấu tích của Bác Hồ tại một đại lộ rợp cây xanh. Đại lộ ấy nay mang tên Hồ Chí Minh và có một tấm phù điêu in chân dung Bác. Rồi nhà số 9, ngõ Compoint quận 17, Paris. Và lồng lộng gió tuyết trước Quảng trường Hồ Chí Minh cùng khối phù điêu hoành tráng ở thủ đô Maxcơva.

Bữa nay may mắn ghé nhà ông Thầu Chín (tên Bác Hồ thời gian hoạt động ở Thái Lan) ở Na Khon Thanom

MC Trần Trọng Tài

Tiếng Việt rõ nhưng âm sắc không thuần. Ông nói đến ông nữa là dòng họ Trần đã có mặt ở cái tỉnh Đông Bắc Thái Lan UĐon Thani là tròn 130 năm. Quê cha Nam Định. Bên ngoại là Cam Lộ. Viễn tổ ông phiêu dạt sang Thái làm ăn như số phận tổ tiên của non trăm ngàn người Việt ở vùng này.

Vâng, tên ông là Trần Trọng Tài, người Thái gốc Việt, như ông nói dân Thái thường gọi ông là Chun, 68 tuổi, nhân viên hướng dẫn Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Noong Ôn xã Chiềng Phin huyện Mương tỉnh Udon Thani.

Ông Tài đương rủ rỉ chuyện trò cùng khách. Chuyện ông thì lịch sử biên chép cả nhưng âm sắc của một hậu duệ Việt sinh trưởng ở xứ người hình như nó mang một sắc thái thông điệp chi đó là lạ? Lạ như người ông nội ông từng chứng kiến tháng 7 năm 1928, có một ông người dong dỏng gầy gò nói tiếng Việt âm sắc pha Nghệ về làng Noọng Ôn thuộc xã Chiêng Phin, huyện Mương tỉnh Udon Thani của Thái Lan này.

Lạ là dân Việt ở đây, người thì gọi ông là ông Thọ, ông Nam Sơn nhưng đa phần thường kêu ông bằng cái tên Thầu Chín, tức là ông già Chín. Mà khi ấy ông đâu có già. Nhưng dung mạo cùng cung cách ứng xử chuyện trò ở ông Thầu Chín này toát lên vẻ gì đó khiến người ta kính trọng.

Kính không phải đứng xa mà ngó kính nhi viễn chi mà thân gần. Ông Thầu Chín rất nhanh có sức hút gọi mời... Cộng đồng Việt ở đây tìm đến Thầu Chín trước nhất vì ông có kinh nghiệm về đoàn kết lẫn sinh kế.

Bức ảnh hiếm về Bác ở Thái Lan.

Nơi ở của ông Thầu Chín là một lán gianh sơ sài nhưng kín đáo thoáng mát cùng với gần chục người nữa. Nhưng khi đó dân vùng này không biết đó là những đồng chí của vị lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc có nhiệm vụ sang hoạt động cách mạng ở đất Xiêm. Bà con chỉ phỏng đoán rằng họ là những nông dân, người có chữ, phẫn chí vì mất đất vì bọn cường hào ác bá o ép từ bên nhà phải chạy sang Xiêm làm ăn như mình.

Không mấy khi lán gianh của ông Thầu Chín vắng người. Cộng đồng Việt nho nhỏ ấy xích lại nhau bên bếp lửa ấm trà cùng chiếc điếu cày. Những xích mích hiềm khích cùng những quá trớn của dân xóm trại (mà dân Việt ở đây vẫn dùng câu tục ngữ trai xóm trại gái hàng cơm) phóng túng ngang tàng thi thoảng cũng được ông Thầu Chín dàn xếp ổn thỏa êm thấm.

 Ông Thầu Chín rất nhanh có sức hút gọi mời... Cộng đồng Việt ở đây tìm đến Thầu Chín trước nhất vì ông có kinh nghiệm về đoàn kết lẫn sinh kế. 

Thầu Chín còn bày cho bà con kinh nghiệm đào giếng lấy nước ăn và tự tay ông cùng với mọi người đào một cái giếng thử nghiệm trong khu trại cày. Thầu Chín vận động mọi người nên trồng nhiều loại cây có bóng mát và cho trái ăn. Tự tay Thầu Chín trồng khế trồng dừa. Thầu Chín rủ rỉ với bà con, cái cây khế là cây của người Việt. Mau cho bóng mát, chóng cho quả. Mỗi lúc làm đồng về, vội chưa kịp rau cỏ gì chỉ bứt mấy quả khế. Cá mắm vùng này sẵn. Đơn giản canh khế nấu cá với ớt rất đưa cơm lại đủ chất. Từ những cú hích nho nhỏ ấy, bà con Việt không chỉ trồng cây mà còn giúp nhau nuôi cá trồng rau vỡ đất khai hoang khai thác gỗ nên đời sống bớt khó khăn đi rất nhiều.

Ông Tài ( trái) và tác giả.

Thuở đầu vân vi cùng chi chút dân sinh trong phạm vi người Việt như thế. Dần dà ông Thầu Chín cùng các đồng chí của mình đã làm những việc mở mang dân trí cho bà con Việt kiều như dạy chữ bỏ những tập tục xấu, tăng cường đoàn kết với dân địa phương. Trong đó quan trọng nhất là việc truyền ngọn lửa cách mạng như sử từng biên chép thời gian Bác Hồ hoạt động trên đất Xiêm.

Tôi bồi hồi ngó cây khế cây dừa thuở Bác trồng, thứ đã cội thứ trồng mới. Trong lán gianh (có lẽ sau này được phục dựng) trên vách lủng liểng những vật dụng thân thuộc của quê nhà mà ông Thầu Chín cùng các đồng chí của mình mưu sinh ở xứ này thuở ấy như cái cưa, bào đục, nơm giậm, cuốc, cày chìa vôi... Những chiếc ấm tích có lẽ đầu thế kỷ XX mới thông dụng ở xứ Việt đặt ngay ngắn trên chiếc bàn mộc...

Cứ như chuyện ông Tài, năm 2002, chính quyền Thái Lan và Hội người Việt tỉnh Udon Thani thống nhất chọn làng Noọng Ôn để xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là Trung tâm Nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ. Ban Xây dựng Hội người Việt đã phối hợp, vận động, quyên góp trong bà con Việt kiều ở Udon Thani và các địa phương khác 20.000USD để mua khu đất gần 1ha làm khu di tích. Công trình này đã nhận được sự đồng thuận của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, cùng đông đảo nhân dân tỉnh Udon Thani và các tỉnh đông - bắc Thái Lan.

Đúng như ban đầu ngờ ngợ, ngôi nhà lợp bằng tranh, phục dựng nguyên trạng nơi Bác Hồ đã ở và làm việc hơn 80 năm trước. Có điều cái giống râm bụt xứ Thái này là nó hơi nhỏ và sắc hơi tía chứ không được hồng tươi như bên nhà. Nhưng mái gianh ấy, hàng râm bụt đó và ao cá kia chững như gợi hơi hướng của Làng Sen? Ông Tài khẳng định với khách thăm rằng một số dụng cụ phục vụ tăng gia sản xuất, vật dụng sinh hoạt hằng ngày năm xưa của Bác đang bày trên bàn treo trên tường kia là thứ gốc! Những hiện vật ấy được bà con Việt kiều hàng bao năm nay trân trọng lưu giữ, sưu tầm.

Thoạt lạ nhưng chợt dậy ngay cảm giác thân quen khi thấy bên cửa sổ đặt chiếc áo tơi chằm bằng lá buông, loại áo thường dùng của người nông dân Việt - Thái một thuở một thời. Thứ áo tơi ấy là vật bất ly thân của dân Khu Tư nhất là Nghệ Tĩnh, luôn kè kè bên mình cả khi trời nắng (mặc chống nóng) và trời rét (khoác chống lạnh).

Bên trái vườn, nhà để nông cụ đã được dựng lại. Những chiếc cày, chiếc bừa còn lấm đất. Cối xay lúa, cối giã gạo được đặt cạnh đó. Sát nhà là chuồng chim bồ câu. Ông Tài kể lại chuyện này nghe thấy thấy lạ rằng, Bác có cái tài cảm hóa giống vật. Thuở ấy, khi đi làm ruộng với dân hay đi xa, Bác thường mang theo lồng chim, cần nhắn điều gì Bác thả một cánh chim đưa thư về. Chuyện ông Tài khiến chợt nhớ đến con ngựa mà tổ bảo vệ Bác những Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Thắng, Lợi sắm cho Bác đi công tác ở Việt Bắc. Đó là con ngựa Hồng có nước đi hay nhưng rất bất kham thế mà chỉ một buổi chiều Bác đã thuần hóa được nó?

Nhiều thứ lạ

 

Ngoài việc phục dựng ngôi nhà Bác đã ở và làm việc, trong khuôn viên khu di tích còn có khu nhà đa năng.

Chưa kịp biết Nhà nước mình mà cụ thể là Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đầu tư ở đây những gì nhưng có cảm giác những đồng tiền cùng công sức đã được đặt đúng chỗ. Vậy nên hai tầng lầu của khu nhà đa năng mới bắt mắt cùng xôm tụ những hạng mục nho nhỏ khiêm nhường nhưng toát lên những chức năng những thông điệp phong phú của một thứ bảo tàng?

Trước nhất là bàn thờ Bác ở tầng một giản dị trang nghiêm nơi các đoàn khách và bà con Việt kiều đến viếng hương tưởng niệm. Phòng trưng bày lưu giữ rất nhiều hình ảnh, tư liệu quý về cuộc đời hoạt động của Bác tại Thái Lan, về cuộc sống sinh hoạt của bà con Việt kiều; mối quan hệ đoàn kết giữa nhân dân hai nước Việt - Thái...

Dừng trước một tấm ảnh mà tôi chưa thấy ở đâu cả. Ảnh hai người. Bác với một vị trông rất thần thái. Ông Tài quay lại hỏi khách có biết người chụp với Bác là ai? Khi tất cả đã chịu, ông mới từ tốn giải thích rằng, bức ảnh đó được chụp tháng 10/1966 tại Hà Nội, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Thái Lan, Pridi Phanomyong.

Vật dụng sinh hoạt trong khu lưu niệm.

Bên Bác là cựu Thủ tướng Thái Lan Pridi Phanomyong, với nụ cười sâu sắc, chân tình bên nhau. Ở Việt Nam, có lẽ ít người biết về vị thủ tướng Thái nổi tiếng thế giới này? Ông Tài cho biết thêm, trong giới trí thức Thái, ông là một trong bốn vĩ nhân của Thái Lan thế kỷ 20 (trong đó có một vị cao tăng). Pridi Phanomyong thời trẻ du học ở Pháp. Ông được coi là người cha của nền dân chủ Thái Lan, người đã biến Thái Lan từ một nước quân chủ thành nước quân chủ lập hiến vào năm 1932. Ông là người đã cho xây dựng Trường đại học Luật Thamasat, nơi đào tạo những nhà lãnh đạo chính trị nổi tiếng của Thái Lan. Ông cũng là người đã cho khởi thảo bộ luật dân chủ mà cho đến nay những điều căn bản vẫn được giữ nguyên. (Thời điểm chúng tôi tới Khu lưu niệm ở Nakhon Thanom này, sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được trao tặng Bằng Tiến sĩ Danh dự Ngành Chính trị học của Trường Đại học Thamasat chưa diễn ra).

Tôi cũng kịp ngó nhiều tấm ảnh lạ, hiếm ở đây. Tỷ như bức hình đen trắng chụp các thiếu nữ Việt kiều xinh đẹp (có mái tóc bồng, của những năm cuối thập kỷ 1950) khuôn mặt thành kính trang trọng trong lễ đón nhà vua Thái Lan Phumi PhonAdunia Đêt đến viếng thăm khu lưu niệm thuở ấy còn nhà gianh vách đất. Đó là ngày 7/11/1955. Ảnh Công chúa Thái Lan Mahar Thon thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh năm 2010. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yết kiến nhà vua Thái...

Chi chút những tấm lòng Việt- Thái

Ông Tài cũng cho biết thêm, nhiều sinh viên Thái đã tìm về Khu lưu niệm và dân Việt kiều vùng này để thực hiện những công trình nghiên cứu làm luận án khoa học.

Trong câu chuyện, ông Tài cũng không quên lưu ý một vị khách đặc biệt của Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là Tiến sĩ Artha Nantachukra, Phó trưởng khoa Lịch sử, Đại học Maha Saraham, Thái Lan, một trí thức tài năng có mối thiện cảm đặc biệt với Việt Nam. TS Artha Nantachukra cũng từng qua Hà Nội nhiều lần. Vị TS này đã bỏ 5 năm trời liên tục đến đây và qua lại vùng này cùng 3 cộng sự khác thực hiện bộ phim Linh hồn Việt Nam gồm 15 tập. TS Nantachukra từng bộc bạch rằng sở dĩ ông quyết định làm phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh vì ngay từ bé, ông cũng như mọi người dân Thái Lan đã được biết đến, được nghe kể nhiều câu chuyện về Bác Hồ. Không những thế, người dân ở khu vực Đông Bắc Thái Lan vẫn còn giữ lại những câu chuyện, những ký ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi người hoạt động tại đó.

Trong quá trình làm phim, TS Artha Natachukra đã tìm ra cái xương sống của chủ đề phim “Về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Lan, cho dù đi theo tuyến đường nào chăng nữa thì Hồ Chí Minh vẫn phải tới ở nơi có người Việt sinh sống. Điều đó có nghĩa là Hồ Chí Minh hy vọng rằng việc gặp gỡ bà con Việt kiều là nền tảng của sự giúp đỡ để từ đó quay trở về thực hiện công cuộc cách mạng cứu nước thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp”.

Nghe chuyện ông Tài thấy hơi tiếc. TS Artha Natachukra đã tặng bộ phim gồm 15 tập cho Việt Nam. Bộ phim đã được trình chiếu trên truyền hình T.Ư mà mình chưa may mắn được xem!

Trong cuốn sổ cảm tưởng chi chít những trang lưu bút, ông Tài hào phóng chuyển dịch cho chúng tôi những dòng chữ Thái của một vị sư:

Tôi là Trần Hữu Thiên là nhà sư ở Thái Lan. Hôm nay cùng với 2 nhà sư Thái là sư Phon, sư Phunnithonm chúng tôi vô cùng vinh dự được đến chiêm bái Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu lưu niệm. Từ nơi này chúng tôi có chung cảm tưởng rằng, tình thân Thái Việt sẽ được nhân lên. Người Thái và người Việt sẽ cùng được chung phúc hòa bình hữu nghị. Ngày 14/6/2013.

Một góc khu lưu niệm cũng không quên ghi dấu công đức. Xin chân thành cảm ơn Tập thể Hội Xe đạp tỉnh Uđon Thani đã đóng góp xây nhà lưu niệm Bác Hồ trị giá 465.300 bạt.

Cảm ơn gia đình bà Đinh Thị Khơi Việt kiều đã giúp đỡ xây đường bê tông trong khuôn viên với số tiền 150.000 bạt. Gia đình anh Mai Khắc Hòa đã công đức chiếc cổng sắt và hệ thống chiếu sáng sân vườn với số tiền 60.000 bạt.

Một góc khiêm tốn khác của Khu nhà đa năng cũng có những dòng như thế này. Ngân hàng đầu tư phát triển BIDV do ông Trần Bắc Hà làm Chủ tịch HĐQT đã tài trợ Quỹ Xây dựng khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh 100.000 USD. Công đoàn BIDV cũng công đức một tủ sách quý.

Ông Đoàn Nguyên Đức Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai công đức số tiền 100.000 USD.

Một dòng khác:

Gia đình Liệt sĩ Trần Đình Châu đã công đức bức tượng đồng Bác Hồ và 4 tủ sách các loại cho Khu nhà lưu niệm Bác Hồ.

Chiều muộn, mưa nặng hạt. Ngó ông Tài đương vẫy tay tạm biệt thấy nao nao... Ngày nào cũng thế, ông Tài phóng xe máy từ Udon vào Khu lưu niệm Bác. Dễ hơn chục cây số chứ ít gì?

Mờ nhòe dần trong trí nhớ của các lương dân Việt, Udon Thani có căn cứ không quân tiền tiêu của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, là nơi cất cánh của các phi vụ chết chóc. Nay đã và đang đậm thêm một địa chỉ ấm áp Khu lưu niệm Bác ở làng Noong Ôn xã Chiềng Phin...

Theo Báo giấy