Ngày 29/6, họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cho biết, kinh tế thế giới dần phục hồi, một số quốc gia đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng COVID-19 và đã đạt được những kết quả ban đầu, các nước phát triển dần mở cửa trở lại. Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức quốc tế khác đã đưa ra dự báo khả quan về triển vọng kinh tế toàn cầu.
Trong nước, làn sóng dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, đặc biệt là tại các tỉnh trọng điểm về kinh tế như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, TP HCM, diễn biến phức tạp đặt ra nhiều thách thức trong quản lý, điều hành để phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Trong mức tăng chung 5,64% của nền kinh tế , khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%.
“Chúng tôi xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2021 từ đầu năm. Tuy nhiên, dựa theo diễn biến dịch bệnh, hằng quý, hằng tháng, các kịch bản tăng trưởng thay đổi liên tục tùy theo thực tế. Từ đầu năm 2021 đến nay, chúng tôi đã thay đổi 5 kịch bản tăng trưởng cho nền kinh tế tới 5 lần”, bà Hương cho biết.
“Trước mắt, cần kiểm soát tốt dịch bệnh, nhanh chóng triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19, nghiên cứu để chủ động được nguồn vắc-xin trong dài hạn. Bộ ngành tiếp tục thực hiện giải pháp DN có thể tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả các gói hỗ trợ, tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công”, bà Hương kiến nghị.
Một trong những điểm sáng của kinh tế nửa đầu năm 2021 là vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 1,16 triệu tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này phản ánh kết quả của giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hiệu quả các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với cộng đồng DN, cũng như xu thế đón đầu dòng vốn FDI đang chuyển dịch vào Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 được kiểm soát.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), mục tiêu tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch như Nghị quyết số 01 của Chính phủ đã đề ra.
Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm của Việt Nam rất đáng khích lệ dù xảy ra 2 đợt dịch tương đối nặng so với năm 2020. Kinh tế cuối năm sẽ đạt mức tăng trưởng theo kịch bản cơ sở, GDP tăng từ 6,1 đến 6,3%. Đây sẽ là kết quả tương đồng với dự báo của một số tổ chức quốc tế, dù có thấp hơn dự báo của WB, IMF hay ADB dành cho Việt Nam.
Một số dự báo từng lạc quan cho rằng, tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt 7% nhưng tác động từ việc đại dịch bùng phát trở lại cần được đánh giá kỹ hơn trong các dự báo tăng trưởng.
“Đại dịch tác động rõ nhất đến 9 lĩnh vực khác nhau của kinh tế Việt Nam nên tôi cho rằng, năm nay, GDP tăng 6,5% là cực kỳ khó. Chúng ta hãy cố gắng có kết quả vượt một chút so với chỉ tiêu của Quốc hội đề ra, tăng trưởng được 6% cũng là thành công. Đặc biệt không chủ quan với lạm phát, chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền tảng cho kinh tế năm tới”, ông Lực kiến nghị.
Doanh nghiệp lạc quan
Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng đã có 67,1 nghìn DN đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34,3% về vốn đăng ký.
“Sự gia tăng về số lượng và vốn của DN đăng ký thành lập mới cho thấy sự nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng DN trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động đạt 93,2 nghìn, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2%”, Tổng cục Thống kê cho biết.
Trong nền kinh tế, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là động lực cho tăng trưởng.
Đặc biệt, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo kết quả lạc quan. Dự kiến quý 3/2021, có 39,2% DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý 2/2021; 38,6% DN cho rằng, tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Trong đó, khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 81,5% DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 3/2021 tốt hơn và giữ ổn định so với quý 2/2021. Có 32,8% DN dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 46,6% DN dự kiến ổn định.
Mặc dù dịch COVID-19 bùng phát, tác động xấu đến sản xuất của DN nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 316,7 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ 2020.
Bên cạnh kết quả đạt được, bước sang quý 3/2021, nền kinh tế phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt, bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, GDP tăng 5,64%; chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,47%, lạm phát cơ bản tăng 0,87%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 316,7 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ 2020.