Gặp tỷ phú sò huyết 'nuôi 10, chết 7' vẫn lời

Sau hơn 20 năm đưa con sò huyết về sông nước duyên hải Cần Giờ (TP.HCM), lão nông Năm Trầm (Ngô Văn Trầm, ấp Thái Bửu, xã Lý Nhơn) có thu nhập hàng tỷ đồng từ 40 ha sò huyết.
Ông Năm Trầm (Ngô Văn Trầm).

Hôm chúng tôi đến nhà để tìm hiểu về mô hình nuôi sò, ông Năm Trầm đang lúi húi đánh chiếc xế hộp giá gần tỉ đồng để… đi nhậu. Ông cười bảo: “May mà mấy chú đến sớm chứ trễ vài phút nữa là tui đi nhậu mất rồi!”.

Nuôi 10 chết 7… vẫn lời

 

Nhìn Năm Trầm ít ai nhận ra ông là một nông dân “chính cống”: Quần áo lúc nào cũng bảnh bao, dáng người phốp pháp và đặc biệt thích ngồi… xe con. Mỗi khi ra bãi sò hay ra ao tôm ông đều đánh xe ô tô đến tận nơi.

Ông kể quê ở tỉnh Minh Hải (sau này chia tách thành Cà Mau và Bạc Liêu) di cư lên vùng đất Cần Giờ từ những năm thập niên 60 thế kỷ trước. Theo đó, những năm sau giải phóng, các bãi biển vùng Miệt Thứ (An Biên, An Minh, Kiên Giang) sò huyết giống nằm dày trên bãi biển. Nông dân chẳng ai quan tâm vì chẳng biết làm gì với của trời cho này. Sò huyết giống cứ thế nằm phơi nắng mà chết ô nhiễm cả một vùng quê.

Năm 1992, nghe lời bạn bè, lần đầu tiên ông mang những con sò giống từ vùng Miệt Thứ (Kiên Giang) lên vùng đất Cần Giờ để nuôi thử. Lần đầu tiên nuôi thử ở đất Cần Giờ khiến ông “lên bờ xuống ruộng” với con sò huyết. “Nghĩ lại ngày đó tui cũng liều, bao nhiêu vốn liếng đều đổ dồn vào mua con giống ở Kiên Giang rồi vận chuyển lên đây. Đường xá xa xôi, hơn nữa con giống lại đóng trong bao, kín mít nên lên tới nơi đã chết rất nhiều, nuôi 10 mà… chết đến 9”, ông Năm Trầm thổ lộ.

Trời không phụ lòng người, qua vài ba vụ xém tán gia, bại sản, và nhất là khi con sò Miệt Thứ quen dần bãi bồi, nguồn nước Cần Giờ, Năm Trầm bỗng thắng lớn. “Năm đó sau vụ sò huyết trừ chi phí tui cũng bỏ túi gần tỷ đồng”, ông Năm Trầm kể.

Ông Trầm nuôi sò huyết theo dạng tự nhiên trên bãi bồi sông Đồng Tranh nên không cần xử lý, cải tạo môi trường nuôi. Cách làm cũng rất đơn giản, chỉ cần dùng lưới vây quanh diện tích bãi nuôi để giới hạn không gian nuôi sò. Lưới vây chỉ cần cao hơn mặt nước 0,2 m để ngăn không cho sò ra bên ngoài. Không cần cho ăn hay hoạt động chăm sóc nào khác, chỉ cần trông coi đến khi thu hoạch. Hằng ngày, nhân công quản lý thực hiện vài đợt đi kiểm tra mật độ sò. Nếu thấy sò sống quá dày thì san ra các bãi thưa khác. Từ khi bắt đầu thả giống đến khi thu hoạch khoảng 1 năm.

Được biết, năm 2013, ông Năm Trầm thả 100 triệu con giống sò huyết (giá 30 đồng/con). Sau khi thu hoạch chỉ còn 15 triệu con (khoảng 150 tấn). Số tiền thu được là hơn 7,5 tỷ đồng. Sau khi trừ ra chi phí con giống, nhân công thì lợi nhuận thu được lên tới hơn 4 tỷ đồng.

Theo ông Năm Trầm thì việc nuôi sò huyết là nghề nuôi 1 lời 1 dù có bị chết đến 70 - 80%. Thậm chí, nếu năm nào mà mình mua được giống rẻ thì có khi một vốn mà đến 3-4 lời. Rồi ông dẫn chứng: “Năm 2012, tôi mua được giống khá rẻ, chỉ 10-12 đồng/con, do ở Bến Tre, Cà Mau người ta nuôi chết nhiều nên không dám nuôi. Năm đó dù bị chết hơn 70% nhưng tôi vẫn lời đến 330%”.

Hiện tại, trong số gần chục hộ nuôi sò huyết trên địa bàn huyện Cần Giờ, ông Năm Trầm là hộ đứng đầu với diện tích nuôi lên tới 40ha. Theo ông Trầm, nuôi sò huyết rủi ro thấp, đầu ra đến thời điểm này vẫn ổn định, nguồn thức ăn tự nhiên trong môi trường, ít tốn kém chi phí, chủ yếu chỉ tốn vốn đầu tư cho con giống và tiền thuê nhân công.

Nuôi tham vọng mở rộng lãnh địa

Thật ra lão nông Năm Trầm không chỉ giỏi có mỗi nghề nuôi sò huyết. Tại Cần Giờ, Năm Trầm còn nổi tiếng bởi có mô hình nuôi tôm sinh thái quảng canh với diện tích lên tới 60 ha. Mỗi tháng thu nhập từ tôm của gia đình ông lên tới hơn 100 triệu đồng. “Tui nuôi theo mô hình sinh thái nên tôm rất ít chết. Hiện tại tôm của tui nuôi có con đạt trọng lượng gần 1 kg/con”, ông Trầm cho biết thêm.

Thật ra nghề nuôi sò và nuôi tôm ở Cần Giờ đã khiến nhiều người tán gia, bại sản. Ngay cả việc nuôi sò huyết, trước đây số hộ nuôi khá nhiều giờ chỉ đếm đủ trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, mặc ai chết thì chết, Năm Trầm vẫn phây phây và hốt bạc với con sò huyết. Tổng số diện tích nuôi sò huyết ở huyện Cần Giờ của ông chiếm hết một nửa.

Hỏi “bí quyết” ở đâu, ông cười ha hả: “Bí quyết gì đâu! Con sò huyết cũng rất đỏng đảnh bởi nắng nhiều, mưa nhiều cũng chết. Hàng chục năm trong nghề, tui chỉ rút được kinh nghiệm nuôi thả con giống như thế nào là hợp lý chứ không thể chữa bệnh cho nó. Với con sò hễ bệnh là chết chứ không có thuốc nào cứu nổi. Thi thoảng sò nuôi ở vùng này vẫn chết. Bên khuyến nông huyện cũng về nghiên cứu sò bệnh nhưng đến nay vẫn vô kế khả thi”.

Nghe hỏi đến tính rủi ro giữa nuôi sò và nuôi tôm, Năm Trầm trầm ngâm: “Theo tui thì nuôi sò chắc ăn hơn. Nuôi tôm như đi đánh bài 5 ăn, 5 thua. Sò huyết có chết 70-80% vẫn có cửa thắng”.

Hiện, tại bãi sò huyết ở Cần Giờ ông thuê 8 người làm với mức lương 5 triệu/tháng. Tuy nhiên, theo giao kèo, nhân công không lấy hết số lương hàng tháng này mà trích mỗi tháng ra 2 triệu đồng để “góp cổ phần” nuôi nghêu với Năm Trầm. Theo đó, sau khi thu hoạch sò, từ số tiền góp cổ phần nhân công sẽ có thêm 30% trên số tiền lãi nuôi sò. “Làm như thế không chỉ giúp nhân công vừa quản lý được tiền lương vừa có thêm tiền sinh lời, mà còn gắn thêm trách nhiệm của họ trong việc nuôi sò vì họ càng nuôi thành công thì càng có thêm lợi nhuận”, ông Năm Trầm phân tích.

Thi thoảng, ông Năm Trầm mới đánh xe ô tô đi thăm bãi sò. "Tuy nhiên, nếu hễ đi là ông xăm soi đám sò rất kỹ. Ông đão tới đảo lui quanh bãi nhiều lần, khi nào thấy 'thiên hạ thái bình' thì ông mới đánh xe ô tô… đi nhậu”, một nhân công của Năm Trầm cho biết.

Thời gian gần đây, sau khi nuôi “hết đất Cần Giờ”, “ông trùm sò huyết” này lại tính kế mở rộng lãnh địa nuôi sò huyết ở các địa phương ven biển khác. Theo ông Năm Trầm, ngoài 40 ha bãi bồi nuôi ở Cần Giờ, ông còn đang đầu tư nuôi thêm 20ha bãi nuôi sò huyết ở Cà Mau. 

“Đặc biệt do năm nay giống nhiều nên tui kết hợp với vài người bạn ở Cà Mau có thể tăng thêm diện tích nuôi. Họ bỏ giống còn tui bỏ tiền thuê đất, nuôi xong sẽ chia đều lợi nhuận 50-50”, ông Trầm cho biết.

Theo Theo Dân Việt