>> Video clip : Gặp tác giả cuốn nhật ký 'đừng đốt' bằng tranh
>> Tác giả còn sống
Gặp lại tri kỷ
Căn phòng 502, sáng 26-1, cửa khép hờ. Người đàn ông nhỏ thó, mở cửa mời chúng tôi vô nhà. Tôi đoán: “Chú là họa sĩ Tuấn?”, ông nhẹ nhàng: “Đúng vậy!”… “Tôi là Lê Đức Tuấn. Trước khi về hưu, tôi công tác tại phòng thư ký toà soạn, Báo Quân Đội Nhân Dân”. Sau này hỏi vợ ông, tôi được biết, khi về hưu, ông đeo lon thượng tá.
Cùng ngồi tiếp chuyện với họa sĩ Tuấn, có ông Phạm Đình Chinh, một đồng đội của ông Tuấn.
Tôi chuyển cho ông toàn bộ 109 bức tranh ký họa (photo từ cuốn nhật ký gốc ở bảo tàng), để ông xem. Tay ông Tuấn run run, lật giở trang đầu có lời đề tặng của bạn thân Hoàng Thư, ghi ngày 15-3-1967, rồi đến bức ký họa đầu tiên (ký họa chàng trai trẻ, chân trần).
Ông thốt lên: “Đúng là cuốn ký họa của tôi rồi. Bức Làng Đổng Viên (Phù Đổng - Gia Lâm - Hà Nội), là nơi đóng quân đầu tiên của chúng tôi”.
Lật giở đến bức ký họa người đàn ông có khuôn mặt chữ điền, phía ngực phải có dòng chữ chiến thắng, ngày 15-7-1967, ông Tuấn và ông Chinh cười to: “Đây là thằng Thành méo”. Hỏi vì sao gọi Thành méo, ông Tuấn giải thích “Vì cậu ấy bị thương ở hàm, méo cả mặt”.
Rồi đột nhiên, ông nắm chặt tay tôi, nói: “Cảm ơn cháu. Tôi chưa bao giờ nghĩ có ngày cầm lại được cuốn nhật ký này”. Hồi ức một thời trở lại trong ông nguyên vẹn.
Video Clip : Gặp tác giả cuốn nhật ký 'đừng đốt' bằng tranh
Họa sĩ Lê Đức Tuấn kể, theo hồ sơ cán bộ, ông sinh năm 1942, nhưng thực tuổi, ông sinh năm 1939. Như vậy, năm nay ông đã bước qua tuổi 70.
Cha ông là thợ may giỏi của làng may áo dài truyền thống Trạch Xá, Lam Sơn, Ứng Hòa (Hà Tây cũ). Trước khi có Tuấn, cha mẹ đã chọn Hà Nội làm đất sống. “Tuy cha tôi không mở tiệm may, nhưng khách rất đông, vì ông may khéo”, ông Tuấn nhớ lại.
Thuở nhỏ, ông sống cùng gia đình ở nhà số 3-Hàng Bút. Học phổ thông trường Nguyễn Công Trứ, rồi qua trường Chu Văn An. Học qua phổ thông, ông thi đỗ, trở thành học viên khóa 1 (1959-1963), Trường Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp (nay là trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội).
Học cùng khóa với Tuấn hồi đó còn có Trần Khánh Chương (sau này là họa sĩ, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam), Hoàng Thư, Đặng Quang Trung, Đặng Thế Minh, Nguyễn Thị Mỷ.
“Cả lớp có khoảng 30 người, nhưng chỉ bốn chúng tôi, Tuấn, Thư, Mỷ và Minh là thân nhau. Tuấn là người hiền lành nhất”, họa sĩ Hoàng Thư kể.
Ra trường, Tuấn về công tác tại một đơn vị chuyên sản xuất đồ mỹ nghệ thuộc Bộ Ngoại thương. Năm 1967, theo lệnh tổng động viên, ngày 27-3-1967, Lê Đức Tuấn nhập quân, thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Sư 312.
Đây là thế hệ thứ hai của Tiểu đoàn bắt tướng Đờ-cát trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Quân số đơn vị đợt ấy toàn trai Hà Nội.
Hoạ sĩ Hoàng Thư nhớ lại: “Trước ngày Tuấn lên đường nhập ngũ, tôi nghĩ không biết tặng bạn quà gì, để Tuấn luôn nhớ về bạn bè. Cuối cùng, tôi tự tay đóng cuốn sổ đẹp nhất tặng Tuấn. Tuấn ham vẽ, có được cuốn sổ cậu ấy rất vui”.
Và cuốn sổ được Hoàng Thư tặng Lê Đức Tuấn, tại nhà Thư ở số 159-Đội Cấn (nay là Bảo tàng B52. Khi tôi đưa bức ảnh chụp trang đầu cuốn sổ, ghi bút tích “L.Đ.Tuấn thân mến. Chúc Tuấn lên đường tham gia nghĩa vụ mạnh khỏe. Bạn rất thân, Hoàng Thư, 15-3-1967), ông Thư nhận ra ngay đó là nét chữ của mình.
Hai lần bị thương
Ngày 27-3-1967, Lê Đức Tuấn nhập ngũ. Tư trang mang theo bên mình là ba cuốn sổ, một quyển thơ Puskin, bút chì, màu vẽ. Từ đó, ngày ngày ông vừa hành quân vừa tập luyện, chuẩn bị cho trận đánh lớn. Con đường hành quân của Lê Đức Tuấn, từ làng Đổng Viên qua Bản Bìa (Thái Nguyên), rồi qua Kỳ Sơn, Kim Bôi (Hòa Bình)...
“Đi lòng vòng như vậy là để có thời gian tập luyện, đồng thời giữ được bí mật”, ông Tuấn giải thích. Đi đến đâu, Lê Đức Tuấn đều tranh thủ vẽ. Bởi thế, 109 bức ký họa đều ghi lại những nơi họa sĩ từng đi qua.
Ăn Tết Mậu Thân xong, ngày 7-2-1968, đơn vị nhận lệnh chuyển quân vào chiến trường Tây Nguyên, đánh đệm cho chiến dịch Mậu Thân 1968. Giữa tháng 3-1968, đơn vị tập kết ở khu vực Ngã Ba Đông Dương (phiên chế vào Sư 320, biệt danh Lính mũ sắt”.
Sau khi chỉnh huấn xong, ngày 27-3-1968, đơn vị tập trung tại Cờ-leng (Kon Tum) chuẩn bị đánh trận đầu, tấn công địch ở Chư Tăng Ga.
“Trước khi đi, chúng tôi phải bỏ lại toàn bộ tư trang ở hậu cứ, chỉ mang những thứ phục vụ chiến đấu. Tôi bỏ lại ba cuốn sổ (trong đó có cuốn nhật ký bằng tranh), một cuốn thơ, chỉ mang theo một cuốn sổ bằng bàn tay, để trong túi ngực để viết nhật ký”, ông Tuấn nhớ lại.
Nhưng ngay trong trận đánh đầu tiên, đại đội hơn 100 người, mất quá nửa. Đánh xong, đơn vị tiếp tục di chuyển, không thể quay lại lấy tư trang”, ông Tuấn kể.
Để tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh trong trận đánh này, hằng năm nhằm ngày 27-3, ông và những đồng đội còn sống, lại gặp mặt, ôn lại những ngày chiến đấu hào hùng.
Nhật ký ngày 29-3-68, Lê Đức Tuấn viết: “Buồn quá, mất hết cả tranh vẽ kể từ ngày bước chân vào bộ đội và mất hết cả những dụng cụ vẽ rồi. Biết làm thế nào? Từ nay mình không được vẽ nữa. Tiếc quá, bao nhiêu hình ảnh sinh động của đời bộ đội mình ghi được đều mất cả.
Bao giờ chiến thắng ta lại về xây dựng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Sau trận đầu, đơn vị Lê Đức Tuấn hành quân, đánh địch ở Đức Lập. Ông bị thương, nằm lại điều trị, sau đó ở lại Binh Trạm 4 làm trợ lý thống kê.
Biết ông là họa sĩ, tháng 5-1970, cấp trên điều ông về làm họa sĩ và biên tập cho báo Tây Nguyên. Năm 1974, trên đường công tác, ông bị thương lần hai khi Nguỵ đánh bom cầu Diên Bình.
Tháng 2-1974, Lê Đức Tuấn ra Bắc, mất 43% sức khỏe. Từ đó, ông công tác tại Báo Quân Đội Nhân Dân cho đến khi nghỉ hưu (năm 2005).
Phải chiến thắng
Ngày 19-3-68
Ngày thử lửa đầu tiên qua những phút căng thẳng. Đã ba đêm không ngủ. Quyết liệt khó khăn còn nhiều đòi hỏi người cộng sản phải bình tĩnh không hề nao núng, trả thù cho những đồng chí thân yêu của mình đã ngã xuống. Lúc gay go nhất cũng là lúc thử thách lòng kiên định. Nhất định ta phải thắng.
Ngày 22-3-68
Chúng tôi chiến đấu độc lập vỏn vẹn chỉ có một tổ (ba người) rồi đến một tiểu đội. Đã nhiều đêm thức trắng căng thẳng với quân địch, chịu ba trận cối và pháo kích quyết liệt của địch.
Hầm chúng tôi rung lên, người ngồi không yên, cát bụi và cành cây phủ cả miệng hầm. Những giờ phút cam go ấy qua đi, chúng tôi vẫn dõi theo từng hành động của kẻ địch để tiêu diệt chúng.
Bọn Mỹ lào xào, quay điện vo vo và tiếng chặt cây nghe rõ mồn một. Địch chỉ còn cách chúng tôi không đầy một trăm mét. Những mũi súng đang dồn căm thù, chĩa thẳng vào kẻ thù sẵn sàng nhả đạn, để dạy cho kẻ địch biết thế nào là dân tộc Việt Nam anh hùng.
Trích nhật ký chiến trường của Lê Đức Tuấn
Kỳ sau: Chuyện kể về những bức tranh