Khi dịch bệnh lắng xuống, Đăng Khoa quyết định đi vòng quanh thế giới một lần nữa bằng ô tô.
Những con số 1 định mệnh
Chia sẻ với PV báo Tiền Phong, Đăng Khoa cho biết ngày khởi hành của chuyến đi lần này được anh chọn là 11/11 với dự định sẽ đi 111 quốc gia trên thế giới. Lý do chọn ngày này, theo Đăng Khoa là do cách đây bảy năm, anh cũng khởi hành đi vòng quanh thế giới trên chiếc xe máy. Và hành trình hơn 80.000 km ngày đó của Đăng Khoa cũng mất 1.111 ngày.
Anh chia sẻ: “Quan trọng hơn, cũng giống như chuyến đi lần trước, lần này tôi sẽ vẫn tiếp tục độc hành. Cũng có những bạn ngỏ ý muốn đi cùng nhưng tôi không muốn bởi tôi muốn tự mình khám phá thế giới, tự mình trải nghiệm, hoà nhập với cuộc sống cùng bạn bè 5 châu. Tôi đã quen với việc đi một mình. Có thêm một vài người bạn đi cùng thì cũng rất vui nhưng sẽ có nhiều khó khăn hơn như thủ tục nhập cảnh hay những sự cố có thể phát sinh trong cuộc hành trình. Đây không phải là một chuyến đi cho vui mà là một chuyến đi trải nghiệm, có nhiều điều phải đối phó không thể nói trước được nên tôi nghĩ mình đi một mình là hợp lý”.
Đăng Khoa đã chuẩn bị hành trang cho hành trình vòng quanh thế giới lần thứ hai trong hơn 2 năm qua, trong đó việc tìm mua một chiếc ô tô phù hợp mất nhiều thời gian và…tiền bạc nhất. Khoa không có nhiều tiền. Những công việc anh làm như viết quảng cáo cho nhãn hàng, sáng tạo nội dung trên mạng xã hội… dù tiết kiệm lắm cũng không đủ để sắm một chiếc xe ở mức giá trung bình. Chi li mãi, cuối cùng Khoa cũng mua được một chiếc xe tải nhỏ có giá rẻ nhất ở thị trường Việt Nam. Chiếc xe gần như nhiều…0, như không có công nghệ cao, không có trợ lực lái, không có cảm biến, các chức năng công nghệ tự động… “Nói chung đây là một chiếc xe tải nhỏ, thậm chí rất nhỏ nhưng cũng là chiếc ô tô đầu tiên tôi sở hữu nên cảm thấy rất vui vì đã có được chiếc xe của riêng mình”, Khoa bộc bạch.
So với đi xe máy, việc chu du thế giới trên một chiếc ô tô, đi qua nhiều quốc gia khác nhau sẽ mất nhiều thủ tục hơn. Khoa phải tìm hiểu, nghiên cứu thủ tục xuất nhập cảnh cho chiếc xe trước mỗi hành trình. Đi ô tô có lợi thế sẽ không phải dựng lều ngủ, chở được nhiều hành lý hơn so với xe máy nên có thể cắm trại, ở lâu tại những địa điểm dã ngoại. Ngược lại, khi gặp sự cố hoặc xe bị hỏng hóc thì việc sửa chữa có thể mất nhiều thời gian và công sức bởi phải thuê xe kéo, tìm kiếm các phụ tùng thay thế. Chàng trai trải lòng: “Đây sẽ là ngôi nhà, là bạn đồng hành của tôi trong suốt cuộc hành trình đầy khó khăn, thử thách nhưng tôi tin chiếc xe sẽ không phụ lòng tôi bởi không chỉ đưa tôi đi mà còn chở cả những giấc mơ của bao người gửi gắm”.
“Tôi chỉ mong qua hành trình của mình, mỗi người trong chúng ta thắp lên tình yêu, khát vọng với ước mơ của mình. Dù hành trình đi đến giấc mơ sẽ dài và đầy khó khăn nhưng nếu quyết tâm thì ai cũng có thể đạt được”.
Travel blogger Trần Đặng Đăng Khoa
Hành trình gửi những giấc mơ
Chuyến đi vòng quanh thế giới lần này, Đăng Khoa sẽ khởi hành tại TPHCM để đi qua Campuchia. Tại xứ sở Angkor, Khoa sẽ đi tới những địa danh nổi tiếng như Angkor Wat, Angkor Thom, Preah Vihear… trước khi qua Thái Lan rồi Malaysia, Indonesia…
Rời Indonesia, Đăng Khoa sẽ lên tàu đi sang Úc rồi đi xuyên nước Úc để đến New Zealand… Hành trình sẽ tiếp tục đưa chàng trai này qua Trung Mỹ, Bắc Mỹ rồi sang châu Âu, Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ, qua Con đường tơ lụa thuộc các nước Trung Á, Mông Cổ, Trung Quốc rồi về lại Việt Nam. Chuyến đi này Khoa sẽ không theo hành trình cũ mà lựa chọn, khám phá những vùng đất mới. Con đường đi sẽ khác rất nhiều. Thời gian dự trù cho cả chuyến đi là từ 2 - 5 năm.
Đăng Khoa chia sẻ: “Sở dĩ tôi tính thời gian dài như thế vì chưa thể lường trước được mọi khó khăn trong hành trình. Cuộc đời là vô thường, không bao giờ biết trước chuyện gì sẽ xảy ra nên nếu có thì sẽ sẵn sàng đón nhận tất cả vui buồn, thành công, thất bại và những thứ có thể sẽ xảy đến”.
Để có được các trang thiết bị thiết yếu cho chuyến đi, Khoa may mắn được bạn bè, những người quen hoặc không quen tình nguyện giúp một tay. Người thì cho chiếc máy ảnh cũ, người cho chiếc bạt che, người cho bộ dụng cụ sửa xe. Có người còn giúp anh gia cố lại chiếc xe cho chắc chắn. Ai dư cái gì cho cái đó nên hành lý cho chuyến đi này hiện đã chất đầy xe, thậm chí không còn cả chỗ ngồi cho người thứ hai. Khoa thừa nhận nếu anh bỏ tiền mua sắm thì các trang thiết bị trên sẽ tốn kém ngang ngửa với chiếc xe. Điều đó là quá sức với Khoa nên mọi sự giúp đỡ đối với anh là vô cùng ý nghĩa. Để cám ơn những người đã giúp đỡ, trên chiếc xe “hành trình thiên lý” tràn ngập những logo, các tấm ảnh lưu niệm mà bạn bè gửi gắm như là những người bạn đồng hành với anh trong suốt hành trình, cũng như gửi theo những giấc mơ của mỗi người. “Họ sẽ luôn dõi theo, cùng tôi khám phá những miền đất mới mỗi ngày. Mỗi giờ, thông qua các trang nhật ký, các clip sẽ được tôi cập nhật hàng ngày”, Khoa cho hay.
“Đây sẽ là chuyến đi cuối cùng hay Khoa sẽ còn những chuyến đi tiếp theo?” - Tôi hỏi. Khoa im lặng một lúc rồi trả lời: “Chuyến đầu tiên tôi đi bằng xe máy và chuyến này tôi đi bằng ô tô. Có thể chuyến tiếp theo tôi sẽ đi bằng đường biển rồi sau đó có thể là bằng xe đạp, hay thậm chí là đi bộ… Nếu tôi còn sức khoẻ, còn có điều kiện thì tôi sẽ tiếp tục với hành trình của mình bởi thế giới mênh mông lắm, dù có đi bao nhiêu lần cũng không thể khám phá hết những điều thú vị, lạ lẫm”.
Trong hành lý của Đăng Khoa có rất nhiều bưu ảnh, đồ thủ công mỹ nghệ sản xuất trong nước mà anh dự tính sẽ làm quà tặng cho những người bạn ngoại quốc sẽ gặp trong cuộc hành trình như là một lời giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam rất đẹp, rất tuyệt vời.