> Cựu binh Mỹ đúc tượng sống mẹ Việt Nam Anh hùng
> Cướp giật lộng hành, nhớ về đội SBC huyền thoại Sài Gòn
Ngồi trước tôi là người đàn ông ngoại lục tuần, khuôn mặt phúc hậu, giọng nói điềm đạm. Ông là Nguyễn Huy Ngọc, cựu chính trị viên Biệt động Thành cánh Bắc Huế, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy TT-Huế thời bình, quê Hương Chữ (thị xã Hương Trà).
Biết lý do chúng tôi tìm gặp, ông lắc đầu: “Các anh nên kể về những đồng chí, đồng đội, người dân đã cống hiến máu xương cho đất nước. Đóng góp của tôi chỉ là hạt cát mà thôi”. Thuyết phục mãi, cuối cùng ông mới chịu vào chuyện.
Trưa 25/3/1975, sau những trận đánh quyết định của biệt động thành và các lực lượng chiến đấu, đối phương lần lượt tan rã. Nhận lệnh cấp trên, ông quay lại Hương Trà cùng hai cơ sở cách mạng khác dẫn đường đón những đơn vị bộ đội chủ lực tiến quân vào tiếp quản nội đô. Ông không ngờ, hình ảnh trên được các phóng viên chiến trường ghi lại.
Ngoài khoảnh khắc được ghi vào ống kính truyền hình, ông Ngọc còn lưu giữ nhiều những thước phim tư liệu bằng ký ức. Về những trận đánh mà ông và đồng đội tham gia góp phần làm nên chiến thắng. Cải trang làm lính dù của đối phương để tiếp cận mục tiêu. Trận đánh thắng lợi giòn giã chỉ trong 10 phút, địch không thể chống trả, đơn vị không có thương vong.
Theo ông Ngọc, căng thẳng nhất là ngày 23 và 24/3/1975, một trung đoàn địch bỏ tuyến Khe Trái về phòng thủ từ Hòn Vượn qua dốc Dẽ về đồi 365. Đội biệt động thành được giao nhiệm vụ đánh đồi 365. Cuộc giao tranh ác liệt diễn ra, thương vong rất lớn, nhưng đội của ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bảo lãnh cho người “chiêu hồi” ... có công
“Đóng góp của tôi chỉ là hạt cát thôi. Tôi thấy còn nợ dân nhiều lắm”.
Ông Nguyễn Huy Ngọc
Mới đây, khi về phường Hương Chữ - Hương Trà nắm thông tin nhiều hài cốt liệt sĩ vừa được tìm thấy, tôi lại gặp ông Ngọc. Ông về nơi đã từng nuôi giấu mình trong kháng chiến để dự lễ truy điệu, thắp nén nhang tưởng niệm đồng đội sau mấy chục năm giờ mới tìm thấy thân xác. Đi tìm đồng đội cũng là việc làm thường xuyên của ông từ sau giải phóng đến nay.
Một lần khác công tác tại xã Phong Bình (huyện Phong Điền), tôi tình cờ nghe cán bộ địa phương nhắc về ngôi nhà tình nghĩa mà ông Nguyễn Huy Ngọc vận động xây tặng cựu chiến sĩ thuộc tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương lẫy lừng một thời.
Sau này, ông Ngọc kể: “Đó là chị Nguyễn Thị Cúc, một trong 11 cô gái sông Hương năm xưa. Sau giải phóng, chị Cúc về sinh sống tại Phong Bình, gia cảnh rất khó khăn, không có chồng, sức khỏe yếu, lại bị bệnh lẫn. Hôm đó, tình cờ đi kiểm tra khắc phục hậu quả bão lụt tại Phong Điền, tôi gặp hai mẹ con chị Cúc lay lắt ngồi thuyền nhỏ thả lưới bắt cá kiếm tiền đong gạo. Biết chuyện, tôi bàn anh em cùng nghĩ cách giúp đỡ”.
Có lần đi cơ sở, tôi nghe dân kể việc giải quyết chế độ chính sách của ông Ngọc. Đó là chuyện về nhiều người thuộc đối tượng có công từng nằm trong danh sách đen “chiêu hồi” của Mỹ ngụy.
Hồi chiến tranh, hàng chục người dân tham gia tiếp tế lương thực cho cách mạng bị địch phát hiện, bắt về đồn buộc ký tên, điểm chỉ vào giấy xin chiêu hồi.
Tương kế tựu kế, ông Ngọc ngầm chỉ đạo dân cứ chấp nhận tình thế “chiêu hồi” để được thả về, nhằm duy trì cơ sở nuôi dưỡng cán bộ. Sau này, xét đối tượng có công, nhiều trường hợp vướng “án oan” chiêu hồi, hồ sơ còn lưu giữ rõ ràng, nên rất khó giải quyết. Nghe chuyện, ông Ngọc đích thân về làng quê tìm hiểu, rồi đứng ra bảo lãnh để cơ quan chức năng giải quyết đãi ngộ cho những người “chiêu hồi” có công này.