Gặp nghệ nhân hiếm hoi còn làm khuôn bánh Trung thu truyền thống
TPO - Ông Trần Văn Bản (thôn Thượng Cung, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội) là một nghệ nhân còn sót lại, hiếm hoi theo nghề làm khuôn bánh trung thu truyền thống bằng gỗ, dù công việc vất vả, chỉ mang tính thời vụ.
Thôn Thượng Cung (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội) là nơi có nghề làm mộc lâu đời nổi tiếng với những chiếc khuôn bánh Trung thu thủ công, giờ chỉ còn sót lại ông Trần Văn Bản, năm nay đã gần 60 tuổi, gắn bó 40 năm với nghề này.
Ông Bản theo nghề từ năm 18 tuổi, để giữ được "lửa", nghệ nhân này luôn tìm tòi, sáng tạo để phát triển nghề nhất là khi những chiếc khuôn nhựa Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam trong những năm vừa qua.
Một chiếc khuôn bánh Trung thu làm theo phương pháp truyền thống gồm rất nhiều công đoạn. Gỗ sau khi mua về phải được làm sạch vỏ, bào nhẵn mặt, và xẻ gỗ thành hình khuôn theo kích thước và mẫu mã khách hàng yêu cầu.
Ông Bản cho biết khuôn bánh trung thu thường được làm từ gỗ xà cừ, bởi độ bền, dễ đục đẽo.
"Tại địa phương ngày trước có nhiều hộ gia đình làm nghề đục khuôn bánh trung thu, nhưng đến hiện tại đã bỏ gần hết, chỉ còn 1-2 hộ gia đình bởi nghề này chỉ mang tính thời vụ, lợi nhuận không xứng đáng với công bỏ ra”, ông Bản nói.
Khuôn bánh nướng và khuôn bánh dẻo được làm khác nhau. Đối với bánh nướng phải đục đều nét, để khi nướng lớp vỏ bên ngoài bắt lửa đều, bánh sẽ không bị cháy hay vàng không đều.
Công đoạn đục họa tiết được những người thợ đánh giá là công đoạn khó nhất và thực hiện hoàn toàn thủ công bằng tay, đòi hỏi người thợ phải cẩn thận trong từng chi tiết bởi đây chính là yếu tố để chiếc bánh khi ra lò có đẹp hay không.
Bộ đồ nghề thủ công của ông Bản trong 40 năm qua.
Trung bình, mất khoảng 2-3 giờ để hoàn thành một khuôn bánh trung thu cỡ trung, với những mẫu được khách hàng đặt riêng, ông có thể mất hàng tuần đến cả tháng để làm.
Gần 40 năm làm nghề và giữ nghề làm khuôn bánh Trung thu, ngoài những mẫu quen thuộc như 12 con giáp, những mẫu truyền thống như hoa sen, hoa cúc, cá chép... ông Bản còn cải biến, học thêm để cho ra những sản phẩm khuôn hình con rùa, hoa xếp tầng, thậm chí là mẫu khó như Chùa một cột....
"Dù thị trường có sản xuất bao nhiêu mẫu khuôn bánh bằng nhựa, cũng không thay thế nổi khuôn gỗ truyền thống. Bằng chứng là sau một vài năm rầm rộ chuộng các mẫu mới, khách hàng gần đây lại có xu hướng quay về với khuôn gỗ quen thuộc", ông Bản lạc quan chia sẻ.
Mỗi năm nhà ông lại cho ra nhiều khuôn bánh với tạo hình mới.
Mỗi khuôn có giá dao động từ 150.000-500.000đ/chiếc. Khuôn cầu kỳ có giá đến hàng triệu đồng tùy theo kích cỡ khuôn.