Bán tải vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng trong những năm vừa qua. Ranger hiện vẫn thống trị phân khúc này ở Việt Nam, tuy nhiên vụ việc chảy dầu của hàng loạt xe Ford, trong đó có "ông vua bán tải", đã gây xôn xao dư luận suốt giai đoạn đầu năm ngoái.
Theo đó, nhiều khách hàng sử dụng SUV và bán tải với động cơ 2.0L tăng áp của Ford lần lượt "kêu trời" vì khoang động cơ xuất hiện các dấu vết dầu rò rỉ ở khu vực điểm nối giữa ống nạp với két làm mát khí nạp và tại nắp che dây đai cam.
Vào tháng 6 cùng năm, Ford Việt Nam đã quyết định mở rộng thời hạn bảo hành lên 5 năm đối với riêng hiện tượng rò rỉ dầu tại nắp che dây đai cam phía trước động cơ, đồng thời không giới hạn chỉ số km tính từ ngày bắt đầu bảo hành xe. Và mới đây, hãng đã tiến hành thực hiện chương trình thay thế vòng đệm làm kín của ống vào két làm mát khí nạp cho các xe trong phạm vi ảnh hưởng.
Trong năm 2020, Ford Ranger vẫn tỏ ra khá khó đánh bại trong phân khúc xe bán tải ở Việt Nam. Dù thị trường trên toàn cầu chịu ảnh hưởng chung từ dịch COVID-19 và Ranger còn dính lùm xùm về việc chảy dầu nhưng mẫu xe này vẫn giữ được doanh số lên tới 13.291 chiếc, chỉ giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm trước đó.
Ngoài ra, việc Ford Ranger gần như giữ nguyên doanh số trong khi các đối thủ sụt giảm mạnh lượng xe bán ra trong năm 2020 đã khiến thị phần của mẫu bán tải Ford tăng mạnh trong phân khúc.
Cụ thể, thống kê từ Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy các mẫu xe trong phân khúc bán tải (Mitsubishi Triton, Toyota Hilux, Isuzu D-Max và Mazda BT-50) đều giảm doanh số khá mạnh. Nhờ đó, thị phần của Ford Ranger đã tăng mạnh lên 68% năm 2020, trong khi năm 2019 mẫu xe này chỉ đạt 63%, và năm 2018 là 59%.
Tuy nhiên, thống kê lượng xe Ford Ranger bán ra những năm gần đây cho thấy nhiều khả năng "thời kỳ hoàng kim" của mẫu bán tải này đã qua đi. Doanh số xe đạt mức đỉnh vào năm 2017, lên tới 14.926 chiếc, thống trị phân khúc và xếp thứ hai trong top ôtô bán chạy nhất cuối năm, nhưng nhiều vấn đề xảy ra liên tục ở thị trường Việt Nam đã khiến Ranger liên tục khó trở lại mức trước đây.
Vào năm 2018, Nghị định 116 đã khiến số lượng ôtô nhập khẩu giảm mạnh dù thuế suất giảm về mức 0% đối với các xe nhập từ khu vực Đông Nam Á. Ford Ranger nằm trong danh sách những mẫu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ nghị định, khiến doanh số giảm gần một nửa sau một năm 2017 "đỉnh cao".
Tiếp sang năm 2019, chính sách tăng lệ phí trước bạ cho xe bán tải từ 2% cố định, nay chuyển thành bằng 60% so với lệ phí ban đầu dành cho ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống, tương đương với mức 6-9%. Điều này vô tình khiến khách hàng phải tốn thêm vài chục triệu khi đăng ký cho những chiếc xe như Ford Ranger, một số người đã chủ động tìm kiếm các dòng xe khác thay vì mua bán tải.
Sang đến năm 2020, ngoài vấn đề chảy dầu riêng của mình, Ford Ranger cũng chịu chung tác động từ dịch COVID-19. Nhiều dự đoán cho rằng mẫu bán tải này sẽ vẫn giữ được mức doanh số ổn định, nhưng sẽ không tăng mạnh bằng những đại diện của các phân khúc khác đang nổi lên với mức giá tương đương tại thị trường Việt Nam như: SUV cỡ nhỏ, MPV giá rẻ, Crossover cỡ trung.
Nhận định về diễn biến thị trường, các chuyên gia ô tô cho rằng, tác động từ vụ việc chảy dầu và các vấn đề khách quan khác dù không làm sụt giảm quá mạnh lượng xe Ford Ranger bán ra nhưng đang khiến mẫu bán tải này kém hút khách hơn các đối thủ ở phân khúc khác, làm chậm khả năng tăng doanh số của xe trong các năm tới.