Ấm tình đồng đội
...Vừa mới vào Vinh, không rõ ông đã nghỉ ngơi gì chưa nhưng đã thấy ông kịp có mặt tại cuộc gặp của Ban liên lạc cựu chiến binh Trung Đoàn 9 Anh hùng.
Trung đoàn 9, nơi ông từng là Chính ủy Trung đoàn từ năm 1963 đến năm 1970 và cuộc tấn công Mậu Thân năm 1968, ông kiêm chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9. Năm 2012 cũng là thời điểm Trung đoàn 9 Anh hùng mang tên Cù Chính Lan tròn 65 tuổi.
Nội dung cuộc gặp cũng giản dị. Ôn lại một quá khứ những năm tháng hào hùng, ăm ắp chiến công.
Trong trường hợp có thể, các cựu binh liên hệ nối mạng để đẩy nhanh công việc tìm kiếm phần mộ các liệt sĩ, quan tâm hơn đến đời sống vật chất tinh thần các thương binh, người thân liệt sĩ Trung đoàn. Động viên nhau làm tốt vai trò công dân với tư cách cựu binh của Trung đoàn anh hùng vv...
Tôi kính cẩn ngước sang những chiến binh từng liên miên trận mạc, những thường phục, nhưng cũng nhiều quân phục tề chỉnh, ngực đỏ huân, huy chương...
Lựa lúc cuộc gặp giải lao để chụp hình, tôi nối thêm chuyện với một số cựu binh, kỷ niệm nào ấn tượng nhất đối với vị chính ủy Trung đoàn Lê Khả Phiêu? Đại tá Trần Hữu Thông bộc bạch ngay, ở chính ủy Lê Khả Phiêu, phẩm chất nổi trội đó là tình người rất sâu đậm.
Trong quá trình chiến đấu, Ban cán bộ của Trung đoàn xử lý việc khi có một cán bộ quân sự hoặc chính trị ở cấp đại đội, tiểu đoàn chỉ huy đơn vị đánh không thắng, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu hoặc đơn giản mắc khuyết điểm thì Ban cán bộ thường xử lý bằng cách điều động đồng chí cán bộ đó lên cơ quan tham mưu.
Cán bộ chính trị thì điều lên cơ quan chính trị. Hậu cần thì điều lên cơ quan hậu cần để kiểm điểm thi hành kỷ luật.
Nhưng với Chính ủy Lê Khả Phiêu thì khác. Đồng chí vẫn để đồng chí cán bộ đó ở đơn vị cũ. Vẫn tiếp tục nhiệm vụ cũ, và tiếp tục kiểm điểm rút kinh nghiệm sửa chữa khuyết điểm, lỗi lầm đã phạm phải.
Tất nhiên cấp ủy cử cán bộ theo dõi đôn đốc uốn nắn. Đồng chí thẳng thắn rằng, Trung đoàn không phải là cái giỏ để đựng mọi thứ! Là nơi có biên chế chứ không phải là địa điểm để lưu dung cán bộ. Trong chiến đấu có thắng có hòa thậm chí có thua có tổn thất là việc bình thường.
Ai cũng muốn đánh thắng, có muốn thua đâu. Thua trận này rồi thắng trận khác. Cốt là sơ kết tổng kết, tìm nguyên nhân, ưu khuyết, rút bài học kinh nghiệm để tiến lên.
Con người ta mặt ưu điểm, mặt mạnh là chủ yếu là chủ đạo còn khuyết điểm chỉ là tạm thời. Hay chi việc thi hành kỷ luật trừ khi vấp phải sai lầm nghiêm trọng. Mà việc thi hành kỷ luật, xét cho cùng cũng nhằm giáo dục mở đường cho cán bộ tiến lên.
Phải mở ra lối thoát có hướng cho cán bộ chiến sĩ phấn đấu, trưởng thành. Ta phải thương yêu cán bộ chiến sĩ vì cùng chung lý tưởng cùng chiến hào, cùng đồng cam cộng khổ vv... Có thể nói việc làm của đồng chí Chính ủy được cán bộ chiến sĩ trong Trung đoàn đồng tình, mến phục.
Những dấu ấn, kỷ niệm thường rơi vào những thời điểm gian khó nhất của trung đoàn. Sau Mậu Thân, ở mặt trận Huế, địch đổ quân chiếm A Lưới, đường 12 Tây Thừa Thiên, đánh chiếm Tổng kho 61 của Binh trạm 34 Đoàn 559.
Trung đoàn nhận nhiệm vụ đánh địch. Có thể nói, đó là thời điểm khó khăn khắp Mặt trận. Mùa mưa, việc vận chuyển chi viện vũ khí, lương thực gặp bội phần khó khăn. Đường sá lầy lội không cơ động được. Cán bộ chiến sĩ phải ăn rau rừng kéo dài 4-5 tháng.
Mỗi ngày cán bộ chiến sĩ chỉ được cấp nửa lon gạo nấu cháo với rau rừng. Thiếu muối, hoa mắt, mỏi gối chồn chân. Trước tình hình đó, Chính ủy Lê Khả Phiêu đã chỉ đạo Ban hậu cần của Trung đoàn, nếu gạo muối vào được chừng nào thì thì phải chia kịp thời cho bộ đội chừng ấy với tỷ lệ, đơn vị phía trước 2/3, đơn vị phía sau 1/3.
Chúng tôi biết nhiệm vụ của chính ủy không phải đi chia gạo muối nhưng lúc này phải làm việc ấy bằng cách chỉ đạo cơ quan hậu cần, bởi phía trước bộ đội còn phải chiến đấu, còn phải chốt giữ, còn thương vong và đổ máu.
Tôi nhớ đồng chí Chính ủy đã nói ra những lời thống thiết trong một cuộc họp quan trọng của cán bộ Trung đoàn rằng, lúc này tất cả chúng ta đều bị đói.
Tôi thương tất cả, thương mọi người, nhưng giành tình cảm cho anh em chiến sĩ, thương, bệnh binh ở phía trước nhiều hơn. Tình người là đây. Tình đồng đội là đây. Anh em phía sau hãy nhường nhịn giành phần hơn cho anh em phía trước. Ta cùng chịu đựng chịu khổ trong mùa mưa này...
Lời kêu gọi động viên của đồng chí Chính ủy đã giành được sự đồng cảm của cán bộ chiến sĩ Trung đoàn. Cơ quan hậu cần đã làm theo sự chỉ đạo đó của Chính ủy. Trung đoàn 9 Cù Chính Lan đã vượt qua được thời điểm khó khăn đó.
Đại tá Hồ Sĩ Thế kể lại. Đêm 24-2-1968, quân ta được lệnh rút khỏi Huế. Khi rút phải đưa hết thương binh ở phẫu tiền phương lên rừng để tiếp tục điều trị. Trách nhiệm đó được chỉ định cho Trung đoàn 9.
Thời điểm đó, đồng chí Lê khả Phiêu vừa là Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 vừa là Phó chính ủy Mặt trận Bắc Thành Huế.
Đồng chí nhận trách nhiệm trước Quân khu rằng, không riêng Trung đoàn 9 mà cần phối hợp với các trung đoàn bạn khác như Trung đoàn 6, trung đoàn 8, cả ba trung đoàn cùng với nhân dân thành nội Huế làm nhiệm vụ vận chuyển anh em thương binh vượt vòng vây lên căn cứ. Chính sách thương binh là đây.
Tình người, tình đồng chí đồng đội là đây. Chúng ta phải khẩn trương chuyển thương binh đi.
Chỉ thị mệnh lệnh đầy tình người của Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng Lê Khả Phiêu đã được cán bộ chiến sĩ cả ba Trung đoàn thực hiện. Thời gian gấp gáp, nguy hiểm.
Nhưng tất cả đã cùng hành quân cùng dìu cáng hơn 2.000 anh em thương binh ngay trong đêm 24-2-1968 đến địa điểm an toàn. Sau việc đó Bộ Tư lệnh Quân khu khen ngợi biểu dương không những với đồng chí Phiêu mà là tất cả CBCS của ba Trung đoàn và nhân dân thành phố Huế.
Vẫn người ấy, tình ấy...
Chiều nay, trong thanh bình của căn phòng nhà khách dành cho cuộc gặp, ngắm các cựu binh Trung đoàn quây quần quanh vị Chính ủy, bao nhiêu là thời khắc gian khó của trung đoàn trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, họ đã phải ngồi, được ngồi với nhau như thế! Vị chính ủy Trung đoàn sau này từng đảm nhận trọng trách Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng với chất giọng rủ rỉ quen thuộc đang thân mật bộc bạch cùng các bạn chiến đấu.
Các cựu binh trung đoàn như đang xích lại gần hơn vị cựu TBT trong thời điểm gian khó của đất nước. Họ muốn được ông tâm sự, chia sẻ nhiều điều... Mà thời gian dành cho cuộc gặp lại có hạn…
Vừa thời điểm Hội nghị lần thứ 6 ban chấp hành T.ư kết thúc chưa lâu. Lại vừa mới diễn ra Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XIII và động thái nhận khuyết điểm thành khẩn của Thủ tướng Chính phủ trước quốc dân đồng bào...
Nhiều cựu binh Trung đoàn bộc bạch rằng, qua các phương tiện thông tin đại chúng, họ đã được biết và nhất trí cao với nội dung trả lời phỏng vấn cùng những ý kiến của các lão thành cách mạng và bức thư của cựu TBT Lê Khả Phiêu gửi Bộ chính trị các kỳ Hội nghị T.ư 4,5,6. Họ nói ông vẫn như ngày xưa, vẫn luôn có tâm và tầm với đất nước.
Những bức thư như nói hộ tâm sự cũng như quyết tâm của Dân của Đảng trước hiểm họa đe dọa sự tồn vong của chính thể. Rằng công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng quan trọng nhất phải hành động, bắt đầu từ cấp cao nhất là Bộ Chính trị, để mọi việc không phải là “khẩu hiệu” suông!
Do làm chưa đến nơi đến chốn trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng nên những tiêu cực không được đẩy lùi, thậm chí có những vấn đề nghiêm trọng nảy sinh khiến tình hình ngày càng phức tạp.
Vấn đề trung tâm và cấp bách nhất, đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp.
Nếu người giữ trọng trách cao trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước mà hư hỏng thì hại lớn cho cả quốc gia, dân tộc
Bệnh đã chẩn. Thuốc đã bốc. Nhưng thuốc kê giải bệnh phải uống để chỉnh đốn Đảng không phải là khẩu hiệu. Vai trò tiên phong “uống thuốc giải bệnh” phải là trên trước để làm gương cho cấp dưới.
Ngồi theo dõi thấy đáng nể trí nhớ của những cựu binh, những bậc cao niên. Họ gần như thuộc lòng những ý kiến phát biểu trên báo, trên truyền hình mới đây của cựu TBT.
Rằng TBT khẩn thiết đề nghị Bộ Chính trị phải làm gương làm mẫu, kiểm điểm cả tư tưởng chính trị, đạo đức, công tác cán bộ, quan hệ giữa những người đứng đầu các tổ chức, tập thể, cá nhân.
Do căn bệnh cá nhân chủ nghĩa đã trở nên quá nặng ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi tiền tài.
Sự tồn tại của cái gọi là dây lợi ích quyền lực, của nhóm lợi ích, của mối quan hệ quyền lực và đồng tiền chi phối dẫn đến tình trạng lạm quyền, chạy chức, chạy quyền, tham nhũng.
Thực trạng đã rõ. Lỗi còn do chúng ta thiếu cơ chế, chính sách đồng bộ để giám sát, ngăn ngừa những vi phạm.
Bỏ phiếu tín nhiệm nên được coi là văn hóa chính trị, là dân chủ thực chất. Khi những người có tiếng tăm không tốt trong dư luận nhân dân, kể cả trong Đảng, hàng năm nếu thấy có dư luận thì nên đặt vấn đề để người đó nghiêm túc tự xem xét có sai, chưa tốt thì phải chấn chỉnh, sửa đổi, tiếp thu, không sửa được thì cũng nên thôi chức. Nên làm như thế để lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng vv...
Bằng việc dẫn ra nhiều điều cụ thể, các cựu binh cho rằng thư của đồng chí nguyên Chính ủy Trung đoàn, nay với cương vị cựu TBT dường như là cú hích cho tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình trong Đảng.
vv...
Cựu binh đại tá Hồ Sĩ Thế đứng lên xin phép đọc tặng cuộc gặp mấy vần thơ mà ông nói là thơ thế sự.
Đình làng xuống cấp bấy nay/ dân làng muốn sửa muốn thay nhiều lần/ Việc làm hợp ý lòng dân/ Trưởng làng bày tỏ phân trần rành hay/ Cột nào mối mọt thì thay/ xà nào còn tốt lâu nay thì dùng/ Trong ngoài trên dưới ta cùng/ Trùng tu tôn tạo đình dùng bền lâu... vv...
Vẫn ngồi giữa đồng đội, chất giọng chậm rãi, từ tốn, cựu TBT rủ rỉ rằng xin chia sẻ tâm trạng với bài thơ thế sự của đồng chí Thế cũng như những bức xúc của nhiều đồng đội khác. Chính thể này xương máu của nhân dân, của anh em đồng đội chúng ta dựng xây nên quyết không thể mất. Cột kèo rui mè không phải nát hết như bài thơ nói mà gỗ tốt mà nhiều thứ vẫn còn... Vẫn phải tiếp tục cuộc xây dựng chỉnh đốn ở tầm cấp cao hơn. Tôi xin nói lại sự tự phê bình nghiêm túc của Bộ Chính trị và BCH T.ư và thái độ nhận lỗi thành khẩn của Thủ tướng trước QH tức là trước dân mới chỉ là kết quả bước đầu. Cuộc chỉnh đốn xây dựng Đảng vẫn đang tiếp tục và mạnh mẽ hơn, kết quả sẽ cao hơn.
Cảm ơn đồng đội nào đã nhắc đến tình người và những năm tháng gian khó ấm áp của chúng ta. Nhưng không phải vì tình người chung chung mà né tránh mà xuê xoa. Có lẽ đã dũng cảm phải dũng cảm nữa. Đã quyết liệt rồi phải quyết liệt hơn!
Phải bình tĩnh, sáng suốt và dũng cảm để chỉ ra từng khuyết điểm tồn tại cụ thể thì mới hiệu quả, không thể nói và phán một cách chung chung được và quan trọng hơn, dân mới tin được! Nếu không làm những điều cơ bản mấu chốt ấy thì như nhiều người đã cảnh báo và các đồng chí đây cũng nói, e sẽ hòa cả làng!
Lúc chia tay, cựu TBT xiết chặt tay từng đồng đội cũ. Sẽ có nhiều kênh để đeo bám việc xây dựng chỉnh đốn Đảng. Hình như tôi có thoáng nghe câu ấy...
Cuối tháng 10-2012
Bước chân trung đoàn dài theo năm tháng
Trong số rất nhiều chiến dịch hào hùng, Trung đoàn Cù Chính Lan lúc đó do đồng chí Lê Khả Phiêu làm chính ủy khi tham gia chiến dịch Mậu Thân đã đảm trách trận đánh dũng cảm mưu trí phá nhà lao Thừa Phủ giải cứu hơn 2000 tù nhân chính trị (trong đó có nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm)…
Ngồi gần tôi là bác Trần Hữu Thông cựu binh Trung đoàn 9, từng là sư phó sư 304 trong đội hình Quân đoàn 2. Bác Trần Đình Trí từng 20 năm là lính của Trung đoàn 9, có thời gian là Trung đoàn trưởng.
Đại tá Hồ Sĩ Thế cùng trật tuổi với chính ủy Lê Khả Phiêu. Ông Thế cùng làng với nhà văn hóa Đặng Thai Mai quê Thanh Chương Nghệ An. Đại tá từng có mặt ở trung đoàn 9 ngày mới thành lập ở quán Giắt Thanh Hóa thời tướng Nguyễn Sơn.
Những bước chân của trung đoàn dài theo năm tháng trận mạc, những chiến dịch Thượng Lào Điện Biên Phủ rồi kháng chiến chống Mỹ với chiến dịch Trị Thiên 1965 rồi Mậu Thân Huế.
Rồi lại quay sang những trận đánh lớn nhỏ suốt từ năm 1970-1974 ở Lào đều có mặt người chiến binh Hồ Sĩ Thế. Có thể nói ông là pho sử sống trận Mậu Thân ở Huế.
Với cương vị tham mưu phó kiêm Trưởng Ban tác chiến Trung đoàn rồi tham mưu trưởng (thay đồng chí Tham mưu trưởng Đặng Huy Mịch hy sinh) ông cùng chính ủy trung đoàn Lê Khả Phiêu đảm trách trận đánh dũng cảm mưu trí phá nhà lao Thừa Phủ giải cứu hơn 2.000 tù nhân chính trị (trong đó có nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm); Lại chỉ đạo việc làm cáng đưa hai yếu nhân của Liên Minh hòa bình dân tộc dân chủ Thành Huế khi đó là hòa thượng Thích Đôn Hậu và bà Nguyễn Đình Chi từ nhà lao Thừa Phủ ra vùng giải phóng.
Trận đánh có nhiều chi tiết lần đầu tôi được nghe. Ông Thế nói sẽ có dịp ôn thuật lại tường tận. Ông cũng bộc bạch với cương vị là một cán bộ trực tiếp trận mạc khi ấy, những xầm xì sai lạc về trận Mậu Thân ở Huế mà sau này có nhiều ý kiến này khác khiến ông rất bức xúc. Ông hy vọng sẽ có sự sắp xếp lại những thông tin bị nhiễu loạn sau này.
Qua câu chuyện với ông Thế, tôi ngạc nhiên khi biết phần mộ người anh hùng Cù Chính Lan hiện giờ vẫn chưa tìm thấy! Người con đất Nghệ xung vào Vệ Quốc đoàn là lính của Trung đoàn 9 khi tuổi còn rất trẻ.
Trận Giang Mỗ nổi tiếng trên đường số 6 Hòa Bình - Xuân Mai, tiểu đội trưởng Cù Chính Lan đã dũng cảm đuổi theo chiếc xe tăng của Pháp nhẩy lên dí khẩu tiểu liên vào khe cửa bóp cò. Súng tắc. Cù Chính Lan mưu trí dùng lựu đạn nhét qua cửa nắp xe.
Lựu đạn nổ. Giặc trong xe chết hết. Trận ấy ta bắt sống được xe tăng địch. Không phải Cù Chính Lan hy sinh trận ấy mà là trận sau tại cao điểm 148 cũng trên đường số 6 ngày 30-1-1952.
Sau này Trung đoàn 9 đã vinh dự được mang tên người anh hùng. Người ta vẫn quen gọi là Trung đoàn Cù Chính Lan thay cho tên trung đoàn 9.