Gặp cháu cụ Phan, Nhật hoàng nhắn nhủ về lịch sử

TP - Về Việt Nam lần này, ông Phan Thiệu Cát, hậu duệ đời thứ 3 của nhà chí sĩ Phan Bội Châu, hôm qua gặp Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko nhân dịp những người đứng đầu Hoàng gia Nhật Bản đến thăm khu tưởng niệm cụ Phan ở Huế.
Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko thăm nhà tưởng niệm Phan Bội Châu tại thành phố Huế chiều 4/3.

Nói chuyện với ông Phan Thiệu Cát, Nhà vua Akihito bày tỏ vui mừng khi thấy nơi tưởng niệm nhà chí sĩ phấn đấu cả đời vì nền độc lập của Việt Nam đang được giữ gìn tốt và được nhiều người Nhật Bản đến thăm. Nhà vua nói rằng, thông qua việc tìm hiểu về cụ Phan Bội Châu, người dân Nhật có dịp nhìn lại và hiểu thêm một trang sử của đất nước. Lịch sử rất cần thiết, nhìn lại lịch sử mới hiểu rõ hiện tại và tương lai. Nhà lưu niệm rất quý đối với người dân Nhật, Nhà vua nói. Người đứng đầu Hoàng gia Nhật còn tỏ vui mừng khi thấy các hậu duệ của cụ Phan và của bác sĩ Nhật Bản Osaba Sakitaro (người từng giúp đỡ cụ Phan trong phong trào Đông Du) vẫn có dịp gặp nhau.

Trong chuyến thăm này, Nhà vua và Hoàng hậu được nghe kể câu chuyện cụ Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt ở Thượng Hải (Trung Quốc), bị kết án tù chung thân, nhưng áp lực đấu tranh đòi ân xá buộc thực dân Pháp phải đưa cụ về giam lỏng ở Huế. Với tình cảm thương mến và trân trọng cụ, nhân dân cả nước và Thừa Thiên - Huế tự nguyện quyên góp để mua khu vườn ở dốc Bến Ngự làm nhà cho cụ ở. Tại đây, nhà cách mạng được gọi với cái tên yêu mến “Ông già bến Ngự” đã sống những năm tháng cuối đời (1926-1940) và cũng là nơi yên nghỉ của cụ.

Ông Phan Thiệu Cát chia sẻ, ông sang Canada học, trở thành bác sĩ rồi ở lại đó, đến nay đã được hơn 40 năm. Ông hiện vẫn đi về giữa hai nước và nay đang giúp một trung tâm y khoa ở Huế. Ông cho biết, hậu duệ của cụ Phan Bội Châu hiện nay gồm hơn 20 người, trong đó có một kỹ sư làm dự án cầu Nhật Tân (xây bằng vốn ODA của Nhật), có người làm ở sân bay Tân Sơn Nhất, có người làm dược sĩ, nha sĩ, thầy giáo…, nhưng không ai làm trong lĩnh vực chính trị.

Dù bị thực dân Pháp quản thúc chặt chẽ nhưng cụ Phan vẫn tìm mọi cách hoạt động bí mật, biến ngôi nhà nơi cụ ở trở thành nơi tập hợp những thanh niên trí thức ưu tú, có ý thức tiến bộ, giác ngộ cách mạng, nhiều người sau này trở thành nòng cốt của Đảng như Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Hải Triều, Võ Nguyên Giáp… Khu tưởng niệm hiện còn nhiều kỷ vật gắn với cuộc sống, hoạt động cách mạng của cụ Phan, như cây bút, tờ báo từ năm 1937… Nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của cụ có ảnh chân dung những nhà cách mạng đã truyền cảm hứng, những người bạn, người đồng chí Việt Nam, Nhật Bản đã đồng hành, sát cánh bên cụ với mục tiêu giành độc lập cho đất nước. Phía sau phần mộ của cụ là “Bia kỷ niệm quan hệ giao lưu Việt - Nhật từ phong trào Đông Du” do những người Nhật hảo tâm trao tặng nhân 70 năm ngày mất của cụ Phan Bội Châu và 100 năm ngày mất của bác sĩ Asaba Sakitaro.

Chia sẻ với PV Tiền Phong sau cuộc đón Nhà vua và Hoàng hậu, ông Phan Thiệu Cát nói rằng, ông rất vui khi thấy những gì cụ Phan Bội Châu làm đã được biết đến ở cấp cao nhất của nước Nhật. “Khi còn sống, chắc cụ không nghĩ sẽ có ngày hôm nay. Điều đó không chỉ tốt cho cá nhân, gia đình mà tốt cả cho quan hệ Việt - Nhật. Hy vọng quan hệ Việt-Nhật sẽ giống như tình bạn giữa cụ Phan Bội Châu và bác sĩ Osaba”, ông Cát nói.

Ông Phan Thiệu Cát - cháu cụ Phan Bội Châu. Ảnh: Như Ý.

Lưu luyến với Nhã nhạc

Sáng 4/3, Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko thăm Đại nội Huế và thưởng thức Nhã nhạc cung đình Huế tại nhà hát Duyệt Thị Đường. Sau khi thưởng thức Nhã nhạc, Nhà vua và Hoàng hậu nán lại khá lâu để hỏi han các nghệ sĩ và tìm hiểu thêm về loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Chia sẻ với PV Tiền Phong sau buổi trình diễn, nhạc công Hoàng Trọng Cương cho biết, Hoàng hậu Michiko nói với anh rằng các nhạc cụ được sử dụng trong Nhã nhạc cung đình Huế và Nhã nhạc của Nhật Bản tương đồng nhau, nhưng cách chơi có khác đôi chút. Các nghệ sĩ đã biểu diễn 3 tiết mục “Tam luân  cửu chuyển” (đại nhạc), múa “Lân mẫu xuất lân nhi” và múa “Lục cúng hoa đăng”.

Bà Phan Thị Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Cung đình Huế, cho biết, “Tam luân cửu chuyển” mang ý nghĩa cầu mưa thuận gió hoà, trước đây được biểu diễn trong các ngày lễ lớn hoặc khi nhà vua tiếp đón vua của các nước khác; “Lân mẫu xuất lân nhi” để cầu hạnh phúc, sức mạnh dân tộc và sự sinh tồn của nhân loại; còn “Lục cúng hoa đăng” để cầu chúc may mắn. Bà Hạc nói rằng, những người biểu diễn cho Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản lần này là các nghệ sĩ xuất sắc nhất của Nhà hát.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết, do sức khoẻ Nhà vua và Hoàng hậu, chương trình biểu diễn được thiết kế ngắn (khoảng 8 phút) nhưng đa diện, phong phú và đặc sắc. Buổi biểu diễn có cả nhạc và múa - hai mảng rất quan trọng, có thể ví như hai cánh của Nhã nhạc cung đình Huế. Ông Hải nói rằng, Nhà vua và Hoàng hậu đặc biệt yêu thích Nhã nhạc, nên chương trình kết thúc rồi mà hai người vẫn quyến luyến không muốn rời đi. Hoàng hậu chuyển lời rằng, bà rất khâm phục vì Việt Nam là nước liên tục gặp chiến tranh, bị tàn phá ghê gớm, nhưng không ngờ Việt Nam lại có thể bảo tồn được nhã nhạc độc đáo, ông Hải kể.

Ông Hải cho biết, Nhà vua và Hoàng hậu rất vui khi nghe ông kể về buổi hoà tấu nhã nhạc Việt Nam và Gagaku (Nhã nhạc cung đình Nhật) ngay sân điện Thái Hoà gần đây. “Đó là cuộc hoà tấu hết sức tuyệt diệu và nhận được sự tán thưởng lớn của không chỉ giới nghệ sĩ mà cả các nhà nghiên cứu và tất cả những người dân tham dự. Điều đó nói lên mối quan hệ gắn bó giữa Việt Nam và Nhật Bản từ trước đến nay”, ông nói. 

Trưa 4/3 tại Huế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân mời cơm thân mật Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko. Chiều tối cùng ngày, Nhà vua và Hoàng hậu tiếp các tình nguyện viên Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và gặp gỡ cộng đồng người Nhật Bản tại Việt Nam. Dự kiến, Nhà vua và Hoàng hậu trưa nay (5/3) rời Việt Nam và sẽ có chặng dừng chân tại Bangkok, Thái Lan trước khi về nước.